Câu chuyện nhà vật lý Niels Bohr: Bài học ý nghĩa về giáo dục của thiên tài

Cách trả lời đề thi của cậu sinh viên mà sau này chính là nhà vật lý học nổi tiếng Niels Bohr giúp chúng ta nhận ra được bài học về giáo dục ý nghĩa.

Loan Nguyễn
08:45 15/08/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Có một đề thi vật lý trong trường Đại học Đan Mạch: "Hãy xác định chiều cao của một cao ốc bằng một cái khí áp kế". Khí áp kế là dụng cụ dùng để đo áp suất không khí.

Câu trả lời của một sinh viên như sau: "Buộc một sợi dây vào chiếc khí áp kế, sau đó thả từ tầng thượng cao ốc xuống mặt đất. Độ dài của sợi dây cộng với chiều dài của chiếc khí áp kế sẽ là chiều cao của tòa nhà".

Bị đánh trượt vì câu trả lời trên, sinh viên này đề nghị phúc khảo bài thi. Hội đồng chấm thi cho rằng, câu trả lời của cậu sinh viên hoàn toàn chính xác, tuy nhiên đây là câu hỏi thi môn vật lý mà câu trả lời của cậu không hề sử dụng kiến thức của vật lý. 

Hội đồng chấm thi quyết định cho cậu sinh viên đó 10 phút để thi lại với hình thức vấn đáp trực tiếp. Trong 9 phút đầu, cậu sinh viên ngồi im lặng suy nghĩ và viết. 

Khi giáo viên nhắc rằng thời gian đã gần hết, cậu trả lời:

"Cách thứ nhất, nếu cao ốc có 1 cái thang thoát hiểm bên ngoài, có thể áp cái khí áp kế rồi vạch phấn lên tường từng phát từ mặt đất đến tầng thượng. Chiều cao tòa nhà bằng tổng số vạch phấn nhân với chiều cao cái khí áp kế. Học sinh cấp 1 cũng tính được.

Cách thứ hai, nếu đang có nắng, các thầy có thể đo chiều cao của cái khí áp kế sau đó đặt thẳng đứng và đo bóng đổ của nó. Sau đó các thầy đo chiều dài bóng đổ của tòa nhà. Công thức tính hình tam giác đồng dạng để tìm ra chiều cao tòa nhà. Học sinh cấp 2 cũng tính được.

Cách thứ ba, các thầy có thể mang cái khí áp kế lên trên tầng thượng, thả nó và bấm giờ nó rơi chạm đất. Chiều cao của cao ốc bằng 1/2 gia tốc trọng trường nhân với thời gian rơi bình phương. Học sinh cấp 3 cũng làm được. Nhưng em nghĩ các thầy không nên làm thế, lãng phí một cái khí áp kế sẽ bị vỡ nát.

Cách thứ tư, nếu các thầy chỉ đơn thuần muốn một cách tẻ nhạt và chính thống về câu trả lời mà các thầy đang chờ đợi, tất nhiên có thể dùng cái khí áp kế để đo áp suất khí quyển tại nóc nhà và tại mặt đất, và sau đó quy đổi theo công thức từ milibar sang mét để có chiều cao của tòa nhà, y như những sinh viên hàng năm các thầy vẫn dạy.

Cách thứ năm, các thầy có thể buộc một sợi dây ngắn vào cái khí áp kế và đu đưa nó giống như con lắc, trước hết ở mặt đất và sau đó ở trên mái tầng thượng. Chiều cao được tính ra bằng các tính toán dài và phức tạp mà có thể các thầy chưa chắc đã hiểu được, em đã viết sẵn trong tập giấy này.

Cách thứ sáu, theo em đây là cách đơn giản nhất mà chẳng cần phải học bất cứ trường lớp nào, bất cứ ai cũng có thể gõ cửa và hỏi chính người chủ tòa nhà: 'Thưa ông, tôi có một khí áp kế rất tuyệt. Tôi xin tặng nó cho ông nếu ông làm ơn nói cho tôi biết độ cao của ngôi nhà này'".

cau-chuyen-ve-nha-vat-ly-niels-bohr-va-bai-hoc-giao-duc-1
Nhà vật lý học người Đan Mạch Niels Henrik David Bohr (1885 - 1962).

Từ câu chuyện trên có thể thấy, suy nghĩ của con người càng phức tạp thì càng khó để tìm ra cái gọi là "chân lý". Trong giáo dục, dạy cho học sinh, sinh viên cách tư duy các phương án giải quyết vấn đề là cần thiết thay vì dạy những thứ có sẵn theo sách vở.

Cậu sinh viên trên là Niels Henrik David Bohr (1885 - 1962) là nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ông và Albert Einstein là hai nhà đại bác học gây nên ảnh hưởng lớn lao nhất đối với nền vật lý của thế kỷ 20. Năm 1997, Hội Nghị Quốc Tế về Hóa Học Thuần Lý và Áp Dụng (the International Union of Pure and Applied Chemistry) đã công bố rằng nguyên tố hóa học với nguyên tử số 107 sẽ có tên chính thức là "bohrium" (Bh) để vinh danh nhà đại bác học Niels Bohr.

Niels Bohr là nhà bác học lãnh được nhiều giải thưởng hơn bất cứ khoa học gia nào khác và theo như lời Albert Einstein: "Không còn hoài nghi gì nữa, Niels Bohr là một trong các nhà phát minh khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta".

Xem thêm: 'Cha đẻ' thuốc penicillin - Alexander Fleming và bài học 'người khôn ngoan luôn biết từ chối lợi ích trước mắt'

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận