Xót xa người mẹ già vay tiền ngân hàng cho con: Bài học đắt giá cho những ai đang làm cha mẹ
Câu chuyện là bài học sâu sắc cho các bậc cha mẹ, đặc biệt ở cái tuổi gần đất xa trời, để không phải ngậm ngùi xót xa những ngày cuối đời.
Khi tôi còn là trưởng phòng tín dụng của một chi nhánh ngân hàng vào thời điểm hơn mười năm trước, có một câu chuyện mà tôi mãi khắc ghi.
Một buổi sáng như thường lệ, tôi tiếp khách có nhu cầu vay ngân hàng. Trước mặt tôi là một gia đình gồm bà mẹ, con gái và con rể. Người mẹ già trình bày nguyện vọng thế chấp căn nhà mặt tiền ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh để vay 3 tỷ đồng cho vợ chồng con gái kinh doanh nhà hàng.
Lật cuốn sổ hồng, tôi thấy chỉ mình bà mẹ đứng tên. Bà nói chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi đứa con gái. Tài sản duy nhất của bà là căn nhà này. Bao năm bà nuôi con gái là nhờ tiền cho thuê phía trước của căn nhà.
Khi tôi hỏi về kế hoạch kinh doanh nhà hàng, người con rể thao thao bất tuyệt, vẽ ra viễn cảnh doanh thu sẽ tăng theo cấp số nhân khi mở nhà hàng. Tuy nhiên, anh ta không nói được dự định sẽ sử dụng 3 tỷ đồng vào những việc gì và làm cách nào để thu được lợi nhuận từ kinh doanh.
Thấy tình huống có phần phức tạp, tôi tế nhị mời bà mẹ vào phòng nói chuyện riêng. Tôi khuyên bà không nên trực tiếp đứng tên vay mà chỉ bảo lãnh bằng tài sản là căn nhà cho vợ chồng người con gái đứng tên vay và họ phải có phương án kinh doanh cụ thể.
Tôi giải thích thêm cho bà hiểu rằng, nếu vợ chồng con gái đứng tên vay, đến hạn trả không được nợ, dù có phải bán nhà trả nợ thay nhưng bà vẫn có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu vợ chồng con gái có nghĩa vụ trả lại tiền cho bà.
Còn như bà đứng tên vay rồi lấy tiền đưa con rể, mà con rể không trả là coi như bà mất trắng căn nhà, và có thể mất luôn con gái, con rể nếu cứ nằng nặc đòi nợ. Bà đã già, nếu mất căn nhà, mất luôn nguồn thu nhập từ nó, thì mất luôn nguồn sống qua ngày.
Sau một hồi chăm chú ngồi nghe tôi giải thích, người mẹ già nói để về suy nghĩ lại. Hai hôm sau, bà gọi điện cho tôi giọng cứ nghèn nghẹn. Bà kể ngay khi bà mới ướm lời là chỉ bảo lãnh vay thì cả hai đã lớn tiếng phản đối.
Đau lòng hơn là khi con rể lớn giọng lên án bà là đồ tráo trở, lúc đầu đồng ý đi vay để đưa tiền cho họ làm ăn rồi giờ "lật lọng"... Con gái bà - đứa con mà hơn 20 năm qua bà cưng chiều hết mực giờ đây lại nghe theo lời chồng, quay sang trách bà.
Bà cảm ơn tôi đã cảnh báo cho bà thấy được viễn cảnh không mấy sáng sủa. Bà cho biết sẽ không vay tiền hay bảo lãnh gì cho vợ chồng con gái vay tiền.
Với người làm trong ngành ngân hàng, điều bất đắc dĩ nhất đó là phải siết nhà khi con nợ không trả được tiền. Việc làm này có phần bất nhẫn và thất đức, và tôi không bao giờ mong muốn phải làm điều đó với người mẹ già cả đời hy sinh vì con.
Lời bàn:
Trong cuộc sống, chúng ta cần có sự sẻ chia, giúp đỡ người khác. Nhưng, đồng tiền là con dao hai lưỡi, có thể cắt đứt tình người. Có câu: Vay tiền thấy lòng người, trả tiền rõ nhân phẩm. Chúng ta cần cân nhắc bởi tiền vay được có thể sẽ giúp một con người khấm khá hơn nhưng cũng có thể gây nên thảm cảnh gia đình.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, con người có xu hướng coi trọng những giá trị vật chất hơn tình người. Không khó để bắt gặp những người toan tính, bất chấp tất cả để chiếm đoạt tiền bạc của người khác về cho bản thân.
Trong gia đình, chữ Hiếu của con cái là điều đáng bàn. Cha mẹ nào cũng yêu thương và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Nhưng yêu thương con phải đi kèm với sự tỉnh táo nếu không thì phản tác dụng, sẽ thành hại con. Câu chuyện là bài học sâu sắc cho các bậc cha mẹ, đặc biệt ở cái tuổi gần đất xa trời, để không phải ngậm ngùi xót xa những ngày cuối đời.
Xem thêm: Lời xin lỗi muộn màng của người cha vì đã "dạy con gái làm ô sin cho chồng"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận