5 dấu hiệu điển hình "bóc mẽ" người EQ thấp dễ thất bại trong sự nghiệp
Trí tuệ cảm xúc EQ có thể cải thiện được nhưng không thể làm giả. Dưới đây là 5 dấu hiệu của người EQ thấp, hãy đọc xem bạn có dấu hiệu nào trong đó không nhé.
Ngày càng nhiều người quan tâm đến cụm từ chỉ số EQ hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc. Theo nhận định của các chuyên gia, để thành công, IQ chỉ chiếm 20%, trong khi đó EQ chiếm đến 80%.
Có nhiều cách để rèn luyện và phát triển trí tuệ cảm xúc EQ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, EQ không thể làm giả.
Theo chuyên gia tâm lý Tamaryb de Kock của trang tư vấn Jonar: "Bạn phải thực sự quan tâm đến người khác, nếu không, họ rất dễ phát hiện ra bạn đang giả tạo".
Cô cho rằng, nguyên tắc cơ bản nhất của người có EQ cao đó là không nói ra những điều không thật lòng. Cảm xúc vốn phức tạp, trong giao tiếp, người EQ cao luôn thấu hiểu đối phương, nắm bắt rõ hoàn cảnh và tình huống. Kock chỉ ra những điều mà chỉ có người EQ thấp mới thể hiện trong quá trình giao tiếp.
Phản hồi sai cách
Kiểu người EQ thấp khi phản hồi một ai đó sẽ thường theo cách vừa xây dựng, vừa chỉ trích. Chẳng hạn, họ sẽ nói "tôi thấy anh có cố gắng đấy nhưng kết quả thật tồi tệ". Họ nghĩ rằng, vế tích cực phía trước sẽ giúp giảm đi phần nào sự chỉ trích.
Tuy nhiên, điều này thực sự gây hại nhiều hơn là có lợi. Phản hồi kiểu này đa số gây tác dụng ngược. Theo nhận định của Kock, mọi người không cần những lời mở đầu cho những phản hồi tiêu cực phía sau. Chúng ta luôn có xu hướng tập trung vào ý chính, tức là phản hồi tiêu cực.
Thiếu sự đồng cảm
Người EQ thấp hay nói những câu như "tôi không có thời gian cho việc này", "vào thẳng vấn đề đi", "tôi không quan tâm". Những lời nói này hoàn toàn phiến diện, thiếu sự đồng cảm với người khác. Điều đó chứng tỏ, bạn không hề muốn cố gắng để hiểu hoàn cảnh hay tình huống.
Bạn không thể hiện dấu hiệu rằng bạn đang quan tâm đến những điều mà đối phương quan tâm. Biểu hiện của bạn dường như là bạn không hề chú ý đến họ. Điều này thường gặp ở những người hay phủ nhận, ngắt lời người khác.
Thể hiện sự kiểm soát
Người có EQ cao luôn biết sử dụng ngôn ngữ thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao người khác. Trong khi đó, nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, rất dễ lạm dụng những câu nói thể hiện thái độ giám sát hoặc kiểm soát, cho thấy sự thiếu tin tưởng.
Những câu nói phổ biến của người EQ thấp như "tôi cứ thấy bất an thế nào ấy", "tôi thấy khó mà tin được cách anh làm", "tôi không lạc quan lắm"...
Kock đưa ra lời khuyên, trong giao tiếp, hãy thể hiện trí tuệ cảm xúc tuyệt vời của bản thân bằng cách sử dụng các cụm từ như "tôi đánh giá cao anh", "tôi tin tưởng anh". Những cụm từ này chỉ thực sự đạt hiệu quả trên nền tảng của sự tin tưởng. Bạn phải thể hiện cả lời nói và hành động để đối phương nhận thấy sự tin tưởng mà bạn dành cho họ chứ đừng chỉ nói những lời sáo rỗng.
Không quan tâm cảm xúc người khác
Dấu hiệu điển hình của người EQ thấp là thường xuyên nói những câu "tôi biết thừa rồi", "tôi chẳng bận tâm đâu"... Những câu nói này thể hiện sự thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Thay vào đó, hãy sử dụng những câu như "bạn giúp tớ hiểu rõ hơn về...", "hãy kể cho tôi nghe thêm về...". Đây chính là dấu hiệu chứng tỏ một người có EQ cao. Họ đang tìm hiểu cảm xúc và quan điểm của người khác để chủ động trong giao tiếp, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, tránh được sự hiểu lầm.
Điều này chỉ đạt hiệu quả khi bạn thực sự quan tâm đến câu trả lời của đối phương. Nếu bạn tỏ vẻ muốn tìm hiểu nhưng lại dán mắt vào màn hình điện thoại thì quả thật bạn là người có trí tuệ cảm xúc thấp.
Không thành thật xin lỗi
Biết nhận sai lầm là một trong những dấu hiệu của người có thể thành công trong tương lai. Việc bạn nhận sai lầm chứng tỏ bạn nhận thức được hành vi của chính mình và tác động của nó đối với người khác. Điều đó cho thấy sự khiêm tốn của bạn, để rồi, đối phương cũng sẵn sàng và thoải mái nhận lỗi nếu họ mắc sai lầm. Thừa nhận điểm yếu và thất bại của bản thân sẽ giúp bạn tạo dựng lòng tin của đối phương.
Nếu bạn nói "tôi xin lỗi nhưng tôi chẳng thấy mình sai", "nếu bạn cần thì tôi xin lỗi"... chỉ khiến mất lòng tin của người khác dành cho bạn và hủy hoại mối quan hệ.
Xem thêm: Người thông minh không bao giờ thích xã giao: Ít bạn Facebook, lười đi nhậu, thích làm việc một mình
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận