Triết lý thâm thúy ít người biết phía sau hình tượng "bộ khỉ tam không"
Đằng sau bức tượng "bộ khỉ tam không" (Mizadu (bịt mắt), Kikazadu (bịt tai), Iwazadu (bịt miệng) là triết lý thâm thúy của Phật giáo về dưỡng tâm.
"Bộ khỉ tam không" là hình tượng của 3 chú khỉ trong ba tư thế khác nhau ngồi cạnh nhau là khỉ tên Mizadu (bịt mắt), Kikazadu (bịt tai), Iwazadu (bịt miệng). Loài khỉ được mô tả này là khỉ sống phổ biến tại Nhật Bản. Hiện nay chúng được tạc thành tượng hay các bức phù điêu và được bày bán ngoài thị trường rất nhiều.
Thoạt đầu, ai không hiểu sâu kỹ sẽ nghĩ bộ tượng "khỉ tam không" này là "không nhìn, không nghe, không nói" những điều xấu xa trong cuộc sống, rằng chúng ta hãy sống cuộc sống của mình đừng quan tâm đến những chuyện xung quanh.
Thậm chí, từng có người nghĩ, bộ tượng "khỉ tam không" này khuyên con người sống "yếm thế", "không nhìn, không nghe, không thấy" mặc kệ mọi chuyện trên trần đời này dù nó là thứ chướng tai gai mắt.
Tuy vậy, nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của nó hoàn toàn khác, sâu sắc và thâm thúy hơn rất nhiều. Theo báo Công lý, vật phẩm phong thủy này bắt nguồn từ Ấn Độ cách đây vài ngàn năm trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần - Thần Vajrakilaya, là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng, nhằm để răn dạy con người: Không nhìn bậy, không nghe bậy và không nói bậy.
Ẩn ý che dấu đằng sau 3 chữ "không" khi mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu còn rất nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn:
Bức tượng mang đậm tư tưởng Đức Khổng Tử trong Luận Ngữ. Khi Nham Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đáp: "Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là “Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Bộ tượng này còn nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của "Tâm viên ý mã" trong phép thiền của Đạo Phật. Con người phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. "Tâm viên" là tâm tán loạn như vượn khỉ.
Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên lại hay phá phách, bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ”. Tâm người cũng thế, không khi nào yên được, cứ suy nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác, từ quá khứ đến tương lai, đó là "tâm viên". Tâm này sẽ đưa con người đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não. Bởi vậy, tâm chúng ta bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác, ít hướng thiện.
Tư tưởng "ba không" đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.
Tại Nhật Bản, bức tượng này có có ý nghĩa thâm sâu: "Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện.
Trong xã hội xô bồ này, bức tượng "khỉ tam không" càng có ý nghĩa hơn. Bởi mỗi con người chúng ta đang tự làm khổ chính mình, Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Bản chất con người vốn tò mò nên cứ có chuyện gì là bắt đầu đi tìm hiểu, nghe ngóng người khác kể lại. Chúng ta luôn cố tìm ra khuyết điểm của người khác để chờ dịp nói lại họ, giành phần thắng về mình. Nhưng rồi lại thấy việc ghét bỏ và để ý người khác thật mất thời gian và tự khiến bản thân mình trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, không chịu nghĩ điều tốt đẹp cho người mà chỉ nhìn thấy những thói hư, tật xấu ở những người xung quanh.
Bởi vậy, sống ở đời nên biết tu tâm dưỡng tánh, nhìn lỗi của người khác như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh mình. Từng bước hoàn thiện bản thân.
Xem thêm: Triết lý sống vô vi và tâm thái làm như không làm, thuận theo tự nhiên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận