Khi thầy giáo vùng cao hành động: Tự nghiên cứu, sáng chế hệ thống ủ nước nóng giúp học trò thoát cảnh tắm nước lạnh mùa đông

Không đành lòng nhìn học trò tắm nước lạnh mùa đông, phòng ở có mùi hôi vì không được vệ sinh sạch sẽ, thầy Quế đã thúc dục bản thân phải hành động...

Đỗ Thu Nga
08:00 18/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhìn học trò tắm nước lạnh vào mùa đông, phòng ở có mùi hôi vì không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, thầy Quế vô cùng trăn trở và thúc giục bản thân phải hành động.

Xót xa nhìn học trò tắm nước lạnh vào mùa đông

Trường THCS & THPT Bát Xát nằm cách trung tâm xã Mường Hum huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai 800m. Ngôi trường nằm trên đồi cao, gió thổi lồng lộng ngày đêm. Vào mùa đông, thầy và trò của trường phải chịu cảnh giá rét, nhiệt độ thường rơi vào khoảng 8-10 độ C. 

Trời rét căm căm nhưng buổi sáng, các em học sinh nội trú phải đánh răng, rửa mặt bằng nước lạnh buốt. Nếu muốn được tắm bằng nước ấm, các em phải lên rừng kiếm củi hoặc mang củi từ nhà đi. Con đường đi kiếm củi cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy. 

Vất vả vậy nhưng các em vẫn phải tranh nhau mới được tắm vì lượng nước đun ra chẳng đáng là bao. Có em không được tắm nên trong phòng ngủ của học sinh nội trú lúc nào cũng có mùi hôi.

Thầy Quế đã nghiên cứu, sáng chế ra hệ thống ủ nước nóng, giúp học trò bớt cực trong những ngày mùa đông giá rét.

thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-9

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của vài năm về trước. Bởi giờ đây, mùa đông không còn là nỗi ám ảnh của thầy trò trường THCS & THPT Bát Xát nữa. Những dòng nước nóng đã có đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của học sinh. Hàng ngày, những cô cậu học trò phấn khởi mang xô, chậu đi lấy nước nóng về đánh răng, rửa mặt, tắm gội,... một cách thoải mái. Để có được điều này là nhờ công của thầy Vũ Xuân Quế (38 tuổi) - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Bát Xát. 

Thầy Quế bắt đầu phụ trách trường từ năm 2020, chứng kiến học sinh của mình chịu nhiều vất vả, bất tiện vì thiếu nước nóng, trong lòng thầy đầy trăn trở, xót xa. Là một thầy giáo, một người lãnh đạo nhà trường, thầy Quế tự nhủ bản thân cần phải hành động, phải làm gì đó để cuộc sống đi học xa nhà của học trò bớt cực, sức khỏe của các em được đảm bảo, thêm yêu trường, yêu lớp. 

Sáng kiến từ “nồi cám tuổi thơ”

Vốn là giáo viên dạy Vật lý, thầy Quế đã vận dụng kiến thức chuyên môn để tìm cách đưa nước nóng về trường. Và rồi, nguyên lý ủ nước nóng được thầy nghĩ ra. 

Trong ký ức tuổi thơ, thầy Quế vẫn còn nhớ những ngày giúp bố mẹ vùi cám cho lợn. Chỉ với nửa bao trấu mà sáng hôm sau, nồi cám từ 50-80 lít đã nhừ hẳn, vẫn còn sôi ùng ục, không cần phải có người trông bếp. Từ đó, người thầy quê ở Thái Bình bắt tay vào nghiên cứu và cùng các thầy cô trong trường xây dựng hệ thống ủ nước nóng. Mất 3 tháng, hệ thống được hoàn thiện gồm 3 phần chính: Hệ thống bơm nước, hệ thống bếp ủ và hệ thống bình bảo ôn nước nóng. 

thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-8

Bếp ủ gồm có khay trấu, ống cấp khí buồng ủ, khay trấu bằng thép được thiết kế dạng đĩa nhiều tầng, lõi nước được đặt sát với ống cấp khí. 

Bếp ủ hoạt động dựa theo nguyên tắc hấp thụ nhiệt. Trấu khi ủ cháy từ từ, ống nước bên trong (ruột gà) hấp thụ nhiệt dần dần truyền sang hệ thống bảo ôn. Nước được bơm một chiều từ bể lạnh, qua lõi nước của bếp ủ sẽ hấp thụ nhiệt và tạo nên nguồn nước nóng. Sau đó, nước nóng được dẫn đến bình bảo ôn để cung cấp lượng nước lớn cho học sinh sử dụng hằng ngày. 

thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-7

Công nghệ ủ giữ nhiệt giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp, đồng thời không cần người trông coi trực tiếp quá trình đun nước. Hệ thống của thầy Quế còn điều chỉnh được nhiệt độ của nước đầu ra là 50-70 độ C để đưa vào téc bảo ôn. Téc nước của trường có thể tích 4000 lít, các em học sinh có nước nóng dùng 24/24 giờ, vừa dùng vừa tích trữ trung bình khoảng 6000 lít/ngày.

Qua 2 năm sử dụng, thầy Quế tiếp tục khắc phục những tồn tại xảy ra trong quá trình vận hành và dần có được hệ thống hoạt động ổn định. 

“Tự hào một chút thôi, nhưng hạnh phúc là chủ yếu”

Không còn cảnh vất vả đi kiếm củi, nghiến răng tắm nước lạnh hay tranh nhau nước ấm để tắm, học sinh của thầy Quế phấn khởi vô cùng. Hơn 300 học sinh bán trú, nội trú của trường có nước ấm dùng trong mùa đông. Được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, môi trường sống tốt hơn, sức khỏe của các em cũng được cải thiện, tinh thần vui vẻ, từ đó việc học tập cũng đạt được hiệu quả. 

Từ ngày có hệ thống nước nóng, tỷ lệ chuyên cần tại trường THCS & THPT Bát Xát tăng lên khi số học sinh bỏ học giảm hẳn so với những năm học trước. 

thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-6
thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-5

Thầy cô còn hướng dẫn các em học sinh tận dụng nguồn tro bếp thải ra để chăm bón, trồng cây xanh, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày. 

Các em học sinh cảm thấy biết ơn, hạnh phúc vì được thầy cô quan tâm, chăm sóc. Thầy Quế cũng rất vui vì điều mà thầy quan tâm, trăn trở cơ bản đã được giải quyết. 

Học sinh của trường phấn khởi đón những dòng nước nóng, sử dụng thoải mái 24/24 giờ.

20-25 triệu đồng là chi phí lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống cấp nước nóng giống như của thầy Quế tại thời điểm đó. Đây được đánh giá là mức chi phí mềm, rất phù hợp với khả năng của các trường học vùng cao, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-4
thay-giao-vung-cao-va-cong-trinh-co-ich-cho-hoc-tro-vung-cao-2

Công trình ý nghĩa của thầy Quế được nhiều trường trong và ngoài tỉnh như Hà Giang, Lạng Sơn,... nghe danh, đến tham quan và nhờ thầy hướng dẫn, tư vấn xây dựng công trình. Thầy Quế đã đến nhiều trường để lắp đặt hệ thống, chuyển đổi công nghệ với nhiều phương pháp khác nhau. Tổng cộng, hàng ngàn học sinh vùng cao đã không còn chịu cảnh giá rét.

Khi được hỏi có cảm thấy tự hào về những điều mình đã làm được hay không, thầy Quế điềm đạm: “Tự hào một chút thôi, nhưng hạnh phúc là chủ yếu”. 

Nhiều hệ thống ủ nước nóng tại các trường học ở vùng cao, vùng xa được xây dựng theo công nghệ của thầy Quế.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

(Theo Đời sống Pháp luật)

Xem thêm: Thầy giáo Kiên Giang tranh thủ đi làm MC kiếm tiền giúp đỡ học sinh nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận