Tử tế không kể giàu nghèo: Vượt lên tật nguyền giúp người cùng cảnh ngộ

Chị Nguyễn Thị Năm là người phụ nữ tật Nguyền nhưng rất năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt việc đứng lớp để truyền đạt kỹ năng, cảm hứng sống cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ.

Đỗ Thu Nga
08:59 09/01/2024 Đỗ Thu Nga

Chị Nguyễn Thị Năm (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) rót bát nước chè xanh đặc quánh mời tôi và chậm rãi kể về cuộc đời mình. Câu chuyện chị kể như thước phim quay chậm, đầy những buồn, vui. Khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, trong một trận ném bom của máy bay giặc, chị không may bị thương nặng. 

Khi chị được cứu chữa tỉnh lại, biết khắp cơ thể mình đều có vết thương, cánh tay trái thì cụt đến gần tận vai, chị cảm thấy chới với và hoảng loạn, muốn gào khóc nhưng toàn thân đau đớn không thể cựa quậy được, chỉ có nước mắt chảy xuống gối ướt đẫm. Mẹ chị ngồi bên con gái đau đớn và tuyệt vọng, song vẫn cố gắng động viên chị bình tĩnh. 

“Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi lúc đó, dù hoảng loạn, song bà nhẹ nhàng ôm lấy tôi dỗ dành trong tiếng nấc, con còn có ba mẹ và cả gia đình, rồi sẽ không sao đâu con!”, chị Năm rưng rưng nhớ lại chuyện cũ.

Và từ đó, chị Năm nỗ lực vượt lên nỗi đau khuyết tật bằng tình yêu thương thiêng liêng của người thân. Sau khi học xong cấp 3, chị nuôi khát vọng tiếp tục học lên cao, nhưng không ít người khuyên chị nên dừng, kiếm một công việc phù hợp với bản thân mình. Chị biết lời khuyên ấy là chân thành, nhưng chị vẫn tin rằng, bằng sự nỗ lực học hành, tương lai sẽ có cánh cửa nào đó riêng cho chị. 

Sau khi ra trường, làm việc ở địa phương một thời gian, chị được lãnh đạo huyện Vĩnh Linh chú ý, đánh giá cao những kết quả công việc mà chị đạt được, đồng thời rút chị lên công tác tại Huyện đoàn, Văn phòng UBND huyện, rồi Phòng LĐ-TB&XH huyện. 

nguoi-phu-nu-vuot-len-tat-nguyen-giup-nguoi-cung-canh-ngo
Chị Năm (thứ 3 từ trái sang) đang thảo luận, truyền đạt kiến thức cho các học viên

Đặc biệt những năm làm việc ở đơn vị này, chị dành phần lớn thời gian tìm đến với người dân, tìm hiểu, hướng dẫn họ thực hiện các giấy tờ, chế độ liên quan đến quyền lợi của mình và tư vấn pháp lý cho người lao động ở các nhà máy, xí nghiệp đảm bảo chế độ tiền lương, các chế độ khác kèm theo đúng quy định pháp luật.

Sau 30 năm đóng góp, cống hiến cho xã hội, chị nghỉ hưu. Nhưng rồi chị quyết không sống nhàn hạ, khi Tổ chức Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tìm đến thuyết phục, động viên, chị lại tham gia vào những đóng góp mới cho xã hội, đặc biệt cho những người không may bị khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống. 

Sau thời gian tập huấn ngắn ở Đà Nẵng, và trải qua chỉ một tuần làm việc thực tế, chị đã trở thành giảng viên chính, đứng lớp để truyền đạt kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho người khuyết tật trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Anh Nguyễn Tuấn Minh, một người khuyết tật ở phường Đông Thanh, TP Đông Hà (Quảng Trị) tâm sự rằng, anh rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ đã lớn tuổi bước vào lớp học với vai trò giảng viên chính của khóa học. Nhưng, nghe chị giảng dạy, truyền đạt kiến thức, rồi chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống, anh và toàn thể học viên càng thấy cuốn hút. Nhờ chị mà những người không may mắn bị khuyết tật như anh trở nên tự tin hơn trước những khó khăn của cuộc sống, không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm như trước đây. Vì thế, sau mỗi buổi học, các học viên đều muốn nán lại để được tiếp tục trò chuyện với chị. 

Anh Hồ Văn Giăng, ở thôn 8, xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Linh cũng nhắc đến chị với những ấn tượng tốt đẹp: “Chị Năm không chỉ giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho chúng tôi bằng sự hiểu biết của chị, mà còn bằng con tim và sự khuyến khích, động viên rất từng trải. Tôi ấn tượng rất sâu sắc câu nói của chị: “Chúng ta chỉ khác nhau ở những ranh giới. Nếu đủ dũng khí để bước qua thì tự khắc cuộc đời ta sẽ thay đổi. Hãy cho chúng tôi thấy các bạn bước qua ranh giới ngay tại lớp học này”. Nhờ đó, tất cả chúng tôi đều mạnh mẽ hẳn lên và tự nêu cao quyết tâm rằng, chúng ta tàn nhưng không thể để mọi người nghĩ rằng, thấy rằng chúng ta phế!”.

Trở lại chuyện đứng lớp, chị Năm bộc bạch: “Ban đầu nhận công việc, tôi cũng có thoáng chút lo lắng. Hồi còn làm cơ quan nhà nước, tôi hay trò chuyện trước đông người, hướng dẫn mọi người cách triển khai, thực hiện các thủ tục, giấy tờ liên quan đến quyền lợi của họ. Nhưng công việc mới chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, hơn nữa sợ sức khỏe của mình không còn được đảm bảo. Tuy nhiên, cuối cùng con tim tôi mách bảo, nếu tôi cố gắng thì sẽ làm được. Vậy là tôi xóa hết mọi lo nghĩ, bắt tay ngay vào công việc”. 

Đúng như chị nhận định, trong lớp tập huấn, mỗi học viên có một dạng khuyết tật khác nhau, việc kéo họ vào hoạt động chung vì thế không đơn giản. Những rào cản ấy đòi hỏi chị cùng những đồng sự của mình phải vừa là giảng viên, bác sĩ tâm lý, vừa là hoạt náo viên bất đắc dĩ…

Đến nay, chị Năm không nhớ hết số lần chị đã đứng lớp giúp đỡ những người khuyết tật. Hiện tại, chị vẫn đang ngày đêm tiếp tục đèn sách để mở rộng, nâng cao kiến thức cho việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức tới các học viên được hiệu quả hơn. Bên cạnh là công việc thực hành đầy vất vả nhưng thú vị và về phần mình chị cũng được nhận rất nhiều tình cảm tốt đẹp từ họ…

(Theo cand)

Xem thêm: Tử tế không kể giàu nghèo: Gom nước uống, lái xe vào tâm chấn động đất hỗ trợ đồng hương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận