Nghị lực phi thường của chàng trai bị liệt: Từ nạn nhân vụ tai nạn đến ông chủ 2 công ty
Từ chỗ tuyệt vọng, tìm mọi cách để giải thoát bản thân sau biến cố tai nạn liệt toàn thân, anh Nguyễn Ngọc Hà nỗ lực vươn lên trở thành ông chủ 2 công ty.
15 năm trước, ở giai đoạn hoang mang nhất cuộc đời, chàng trai Đồng Nai tìm cờ đọc được cuốn sách "Hạt giống tâm hồn" nói về những tấm gương vươn lên từ nghịch cảnh và biết tới câu chuyện của hiệp sĩ thông tin Nguyễn Công Hùng - người bại liệt toàn thân chỉ nặng 20 kg nhưng mở công ty giúp đỡ hàng trăm thanh niên khuyết tật.
Cảm hứng đó đã vực dậy Nguyễn Ngọc Hà để rồi 15 năm sau, chàng trai sinh năm 1987 đã là chủ hai công ty về thiết kế xây dựng và mua bán sửa chữa ôtô, tạo việc làm cho hàng chục nhân viên.
Hà sinh năm 1987 trong một gia đình thuần nông ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Năm lớp 6 vì nhà quá nghèo nên anh phải xin nghỉ học chăm em. Ba năm sau Hà xin học lại cấp 2 theo chương trình bổ túc văn hóa với ước mơ vào đại học, bởi coi đây là cơ hội duy nhất để đổi đời.
Nhưng vụ tai nạn giao thông tối 30 Tết năm 2009 đã khiến mọi dự định của chàng tân sinh viên Đại học Lạc Hồng đổ sụp. Bác sĩ kết luận Hà bị thương tật 98%, chấn thương đốt sống cổ, chèn ép tủy dẫn tới liệt toàn thân.
Hai tháng sau ngày phẫu thuật đốt sống, chàng trai 22 tuổi được chuyển từ Chợ Rẫy về bệnh viện huyện gần nhà. Suốt ngày nằm một chỗ, lâu dần anh bị nhiễm trùng bàng quang, sốt liên miên, chỉ còn da bọc xương. Không thể chữa trị, bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự.
Không cam tâm để mất con trai, bố mẹ gửi Hà vào một viện đông y với hy vọng "còn nước còn tát". Sau ba tháng, những vết nhiễm trùng dần lành, anh được chuyển sang vật lý trị liệu. Thay vì chỉ nằm một chỗ, chàng trai bắt đầu rướn mình lên tập ngồi, tập đứng. Bàn tay dù luyện tập tích cực cũng chỉ hoạt động được hai ngón trỏ.
Cố gắng được 9 tháng, gia đình phải xin con trai về vì kinh tế đã khánh kiệt.
Ở nhà một mình, Hà rơi vào trầm cảm. Nhiều lúc, anh cố lết trên sàn nhà định làm vài việc vặt, nhưng chỉ được vài mét phải dừng lại vì đau. Ngoài đường luôn có ánh mắt kỳ lạ nhìn anh. Tất cả giống như một cơn lốc có lưỡi dao, xoáy qua và ghim sâu vào tâm trí. "Nhiều lúc chỉ muốn chết nhưng sức tàn chẳng thể làm gì", Hà nhớ lại.
Mọi việc chỉ thay đổi khi chàng trai biết tới câu chuyện của hiệp sĩ thông tin Nguyễn Công Hùng. "Nếu chết không được thì sống cho ra sống, chỉ cần cố gắng sẽ làm được mọi thứ", Hà tự nhắc mình.
Thời điểm này, người mẹ kể với con trai về tấm ảnh được phục chế lại của ông ngoại. Cầm bức ảnh trên tay, một ý tưởng lóe lên trong đầu chàng trai về cơ hội việc làm mới. Hà nhờ bố mẹ mua giúp một chiếc đĩa dạy chỉnh sửa ảnh rồi ép mình học bằng hai ngón tay còn hoạt động. Sau hai tháng, anh tự học xong chương trình.
Nhờ người xin việc tại các hiệu ảnh không ai nhận, Hà muốn lên mạng tìm cơ hội mới. Anh vay tiền người bạn để đăng ký thuê bao Internet, hứa kiếm được việc sẽ trả lại.
Năm 2011, Hà chia sẻ hoàn cảnh lên một số diễn đàn, có người tư vấn nên học thêm lập trình thiết kế web. Thấy hợp lý, nửa năm tiếp theo anh gắn chặt với chiếc máy tính tự học rồi nhận vá lỗ hổng miễn phí một số trang web. Từ kinh nghiệm này, Hà được nhận vào làm kỹ thuật viên tại một công ty khởi nghiệp với mức lương 2,5 triệu đồng.
Nhận lương con trai đưa, dù không giấu nổi vui mừng, nhưng bà Nguyễn Thị Hiệp - mẹ Hà- vẫn lo lắng: "Không biết công việc này có được bền lâu?".
Dự đoán của người mẹ thành sự thật bởi sau nửa năm công ty phá sản, Hà lại thất nghiệp. Nhận thấy năng lực của chàng trai khuyết tật, vị giám đốc cũ giới thiệu anh tới những khách hàng có nhu cầu thiết kế website. Nhận việc đều, mỗi tháng thiết kế 2-3 sản phẩm, thu nhập của Hà dần tăng, từ 5 triệu, 7 triệu rồi lên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Càng đi sâu vào lập trình, Hà nhận ra có nhiều kiến thức phải bổ sung. Anh tự học thêm về SEO (tối ưu hóa website theo các công cụ tìm kiếm) rồi marketing online. Vừa học vừa làm, Hà còn tích cực lên các diễn đàn chia sẻ kiến thức. Được mọi người biết tới, cơ hội việc làm nhiều lên, thu nhập vì thế cũng tăng 30-40 triệu đồng mỗi tháng.
Từng tham gia thiết kế website cho các công ty xây dựng, Hà nhận thấy tiềm năng. Năm 2015, anh cùng một người bạn mở công ty chuyên về lĩnh vực này.
Không có kiến thức về quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sau 8 tháng công ty lỗ 800 triệu đồng.
"Khóc một lần có người thông cảm, nhưng nếu khóc cả ngày sẽ bị người khác chê cười, kể cả đó là người thân", Hà tự nhủ phải tiếp tục đứng dậy bởi nếu bản thân không tự cứu mình, chẳng ai có thể cứu nổi.
Hiểu rằng nếu không có kiến thức về kinh doanh và quản trị sẽ nhanh chóng thất bại, chàng thanh niên 29 tuổi năm đó vừa đi học thêm vừa gầy dựng lại công ty. Áp dụng những kiến thức đã học, Hà muốn thay đổi ngay cách vận hành doanh nghiệp, đề ra nội quy nghiêm ngặt cũng như quy trình cứng nhắc với nhân viên khiến mọi người lũ lượt xin nghỉ.
Liên tục ngồi ký đơn cho nghỉ việc, Hà tự vấn bản thân đã làm sai ở đâu. Sau này anh rút kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo, lúc nào cần thực hiện đúng quy tắc, lúc nào cần mềm mỏng với nhân viên. Thay đổi tư duy và cách làm, sau một năm công ty hoạt động ổn định, trả hết nợ và bắt đầu có lãi.
Năm 2022, nhận thấy thị trường ôtô có nhiều tiềm năng, Hà tiếp tục mở thêm công ty chuyên về mua bán ôtô cũ cùng các gara sửa chữa. Từ một gara hiện tại anh dự định mở thêm 3-5 điểm nữa trong thời gian tới, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công với mức lương trung bình 8-9 triệu đồng mỗi người.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều năm qua Nguyễn Ngọc Hà đã mở các lớp đào tạo chủ doanh nghiệp từ chính kinh nghiệm của mình với mục tiêu "trao đi nhiều hơn những gì đã nhận được". Ngoài ra anh còn trực tiếp dạy miễn phí lập trình, SEO cho những người khuyết tật khác.
Cũng nhờ những hoạt động này mà anh gặp được cô gái sau này thành vợ mình và cùng chào đón ba thiên thần nhỏ cuối năm 2023.
Anh Trương Khắc Bản, sống tại xã Cẩm Mỹ, Đồng Nai một người liệt hai chân từng là học viên của Hà không thể quên được tấm chân tình của người bạn cùng hoàn cảnh.
"Hà từng trả giúp tiền mạng, dạy học và nhận tôi vào làm bằng sự tận tâm hết mực", anh Bản nhớ lại. Giờ đây khi có thu nhập ổn định, xây được nhà, mua ôtô và có công ty riêng, anh Bản cũng học theo bạn mình khi "trao đi yêu thương và sự sẻ chia" bằng cách giúp thêm nhiều người yếu thế khác.
Hiện tại, trong những buổi chia sẻ kinh nghiệm hay là diễn giả truyền cảm hứng tại các trường học, trại giam Nguyễn Ngọc Hà luôn đề cao tinh thần tự học và không ngừng nỗ lực "Người khác làm được, mình cũng làm được", dù là người khuyết tật hay bình thường.
"Tôi chỉ là một con người, nhưng tôi tin nếu mình có thể tác động lên một người khác, điều tốt sẽ được nhân lên", anh nói.
Xem thêm: Nghị lực phi thường và ý tưởng nhân văn của cô gái bại não 9x
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận