Việc tốt quanh ta: Lớp học tình thương của vợ chồng ông bà hơn 80 tuổi
Đã ngoài 80 tuổi nhưng vợ chồng Huỳnh Văn Phê (SN 1941) và bà Huỳnh Thị Lành (SN 1943) vẫn gắn bó với viên phấn trắng và bụng giảng.
Ở tuổi ngoài 80, vợ chồng ông Huỳnh Văn Phê (sinh năm 1941) và bà Huỳnh Thị Lành (sinh năm 1943) vẫn gắn bó với viên phấn trắng và bục giảng, ngày ngày cần mẫn “gieo chữ” cho trẻ em nghèo.
Dù đứng lớp suốt 29 năm qua nhưng ông bà chưa một lần được nghe tiếng gọi “thầy cô”. Thay vào đó, hàng chục thế hệ học trò thường nhắc đến ông bà giáo già với tên thân mật là ông bà Tư.
Ngày khai giảng vắng tiếng trống trường
Giữa tháng 8, đám trẻ của lớp học tình thương ở khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng nô nức tựu trường như bạn bè đồng trang lứa. Thế nhưng, ngày đầu tiên của năm học mới lại thiếu vắng tiếng trống khai giảng. Không cặp táp, không đồng phục, những dáng người nhỏ thó trên chiếc xe đạp cũ cọc cạch chạy tới trường từ sáng sớm.
Khoảng sân trống trước lớp học lại rộn ràng tiếng nói cười. Một em lớn tiếng gọi: “Vô lớp lẹ bây ơi! Ông Tư tới rồi kìa”. Mấy đứa còn lại cũng rối rít bảo nhau nhanh chóng vào chỗ ngồi. Nơi đây có 2 phòng học, một phòng dành cho học sinh lớp 1 - 2, phòng còn lại của học sinh lớp 3 - 4.
Ồn ào một hồi, tới 7 giờ, buổi học mới bắt đầu. Sau mấy tháng nghỉ hè, “chữ thầy” lại trả cho thầy. Vì vậy, ông bà Tư dành mấy buổi đầu của năm học mới để ôn tập kiến thức cho tụi nhỏ. Các em ở lớp mẫu giáo và lớp 1 lần lượt đến chỗ bà Tư để trả bài.
Tới lượt bé Đực, nó ngập ngừng “rặn” từng chữ cái, mãi một lúc sau vẫn chưa đánh vần xong. Bà Tư với giọng run run trách: “Từ này học rồi mà sao đánh vần hoài không được? Về nhà đâu có nghe lời bà Tư ôn bài mà chỉ lo đi chơi thôi đúng không?”. Cứ thế, bà giáo đánh vần trước, thằng bé ê a đọc theo cho tới khi nào trơn tru mới được về chỗ.
Bà Tư kể học sinh ở trường chính quy mỗi năm lên 1 lớp là chuyện bình thường nhưng ở đây có đứa 3 - 4 năm vẫn dậm chân ở lớp 1. Vì thế, việc xếp lớp không phụ thuộc vào độ tuổi mà dựa trên khả năng nhận biết mặt chữ và tính toán của các em.
Trên bục giảng, với đôi tay run run và chiếc lưng khòm vì tuổi tác, ông giáo Tư vẫn nắn nót từng chữ cái trên bảng. Ở dưới lớp, dẫu đôi mắt đã mờ đi nhiều nhưng bà Tư vẫn tỉ mẩn viết chữ nét đứt vào vở để mấy đứa nhỏ tập tô những nét cơ bản. Cứ thế, ông bà giáo lặng thầm đưa đò từ ngày này sang ngày khác.
Những viên gạch đầu tiên
Trở thành những giáo viên “bất đắc dĩ”, vợ chồng ông Tư chèo lái lớp học Tân Lập này suốt 30 năm chỉ bằng tình thương dành cho trẻ em nghèo. Mảnh đất Tân Lập ngày trước vốn là một ấp nhỏ, nằm giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương.
Với mong ước tạo dựng cuộc sống mới khấm khá hơn, nhiều gia đình dắt díu nhau rời quê đến đây để mưu sinh bằng nghề công nhân, làm việc tại các lò gạch và khu công nghiệp. Do công việc và thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn nên việc học của con cái cũng ít được cha mẹ quan tâm.
Lúc bấy giờ, ông Tư được một công ty nhận vào làm bảo vệ, canh giữ 4 mẫu đất ở ấp Tân Lập. Dù cùng xuất thân từ gia đình không mấy khá giả, nhưng ông may mắn hơn mấy đứa trẻ ở khu lò gạch này vì biết đọc, biết viết. Xuất thân là học viên lớp bình dân học vụ, hơn ai hết, ông Tư hiểu được cái khổ của “nạn dốt”. Mỗi khi nhìn thấy tụi nhỏ, mong muốn “gieo chữ” lại theo đó mà lớn dần trong suy nghĩ.
Cho đến một ngày, ông Tư bàn với vợ mở lớp học tình thương để mấy đứa nhỏ vừa có nơi để học chữ, vừa không phải lêu lổng, nghịch ngợm. Bà Tư vốn là giáo viên tiểu học nhưng sau khi lập gia đình, kinh tế khó khăn, phải từ bỏ bục giảng để đi làm công nhân. Thế nên, khi nghe lời đề nghị của chồng, bà không chần chừ mà đồng ý ngay.
Tháng 8/1994, căn chòi bảo vệ lụp xụp, ọp ẹp của ông Tư trở thành lớp học tình thương và chính thức đón lứa học trò đầu tiên. Cũng từ đó, sự nghiệp “cầm phấn” gắn liền với cuộc đời của vợ chồng ông, từ lúc đầu bạc hoa râm tới khi tóc phủ màu phấn trắng.
Thuở mới lập lớp, khó khăn trăm bề. Dẫu đã qua bao nhiêu năm tháng, ông Tư vẫn nhớ như in những ngày thiếu thốn ấy: “Hồi đó, lớp học làm gì khang trang như bây giờ. Hai vợ chồng phải đi xin từng tấm ván, miếng gỗ rồi mua đinh, mua cưa về tự đóng thành cái bàn thấp để kê tập viết. Mấy đứa nhỏ thì ngồi bệt dưới đất để học chứ cũng chẳng có ghế”.
Từ đồng lương bảo vệ ít ỏi, mỗi tháng, ông bà lại tích cóp một ít để dành mua tập viết, bút phấn, sách giáo khoa cho tụi nhỏ. Ban đầu, lớp học chỉ vỏn vẹn vài ba đứa nhưng rồi tiếng lành đồn xa, sĩ số ngày càng đông, có khi lên đến cả trăm em.
Số buổi dạy cũng theo đó mà tăng lên thành 3 ca: Sáng, chiều và tối, chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày của hai vợ chồng. “Nếu dạy vào ban ngày thì chỉ có mấy đứa nhỏ chưa phải đi làm mới theo học được. Còn các cháu lớn, đứa phải theo cha mẹ mưu sinh, đứa ở nhà chăm em, chỉ rảnh được mỗi buổi tối nên vợ chồng cũng ráng dạy thêm mấy đứa được biết chữ như người ta”, ông Tư giải thích.
Đến năm 2001, lớp học được hỗ trợ di chuyển sang mảnh đất rộng hơn với 2 phòng học riêng biệt. Thế nhưng, cơ sở vật chất lúc đó cũng chưa thực sự hoàn thiện như ý nguyện của ông Tư.
Ông ngậm ngùi kể: “Hồi đó đọc báo thấy người ta xây dựng ký túc xá khang trang cho sinh viên ở Làng Đại học rồi ngẫm lại lớp học của mình còn đơn sơ quá mà thấy thương cho tụi nhỏ. Bây giờ muốn mấy đứa được đi học trong điều kiện đủ đầy như người ta thì mình phải lo thôi chứ sao mấy đứa trẻ nghèo làm được”.
Nghĩ là làm, với đồng lương bảo vệ mỗi tháng chỉ ngót nghét 2 triệu đồng, ông dành phân nửa số tiền đó trả góp trong 40 tháng để mua vật liệu xây dựng về tu sửa, gia cố lớp học. Cùng lúc đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tặng cho ông Tư mấy bộ bàn ghế và 2 cái bảng xanh. Đoàn sinh viên tình nguyện cũng góp sức vẽ tranh trên các bức tường xung quanh lớp học. Cũng nhờ đó mà lớp học khang trang hơn trước.
Dẫu là lớp học tình thương, song, ông bà Tư vẫn soạn giáo án và dạy theo chương trình sách giáo khoa hẳn hoi với sự hướng dẫn và quản lý của phòng giáo dục địa phương.
Nhờ đó, nhiều đứa trẻ “tốt nghiệp” từ mái trường này vẫn có thể tiếp tục lên lớp ở trường chính quy khi gia đình có đủ điều kiện. Còn nhớ những năm chưa ngã bệnh, bà Tư đều đặn “dắt” từng lứa học trò đến Trường Tiểu học Đông Hòa xin nhập học, để con đường học vấn của các bé không chỉ dừng lại ở lớp 4.
Hạt giống lành nảy mầm từ lớp học tình thương
Năm đầu tiên dạy học, vợ chồng ông Tư không thu của ai đồng nào. Thế nhưng thương ông bà già cả vất vả, phụ huynh cũng tự nguyện đóng mỗi tháng 15 nghìn đồng. Gần 30 năm trôi qua, giá của một ổ bánh mì tăng từ 500 đồng lên 3 nghìn đồng nhưng học phí của mấy đứa nhỏ vẫn không thay đổi.
Nhiều người thắc mắc, gợi ý thu thêm để trang trải tiền điện, nước nhưng vợ chồng ông không chịu. Ông Tư bảo: “Thu tiền học phí như vậy chủ yếu để phụ huynh có trách nhiệm với việc học của con mình. Chứ bây giờ mấy đứa nhỏ đã nghèo, giờ có tăng học phí thì tụi nó cũng có tiền đâu mà đóng”.
Chuyện mở lớp với ông bà giáo chỉ để giúp trẻ em nghèo biết đọc, biết viết chứ chẳng lấy đó làm kế sinh nhai. Dù năm 1997, ông Tư mất nguồn thu nhập chính vì công ty bị giải thể nhưng việc học của mấy đứa nhỏ vẫn không bị gián đoạn. Hàng ngày, ông vẫn nuôi thêm heo, gà, vịt rồi trồng bắp, khoai lang… để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Mấy ngày lễ như Giáng sinh hay Trung thu, hai vợ chồng lại bắt 1 - 2 con vịt về nấu cháo rồi cả lớp xúm xít ăn. Tới mùa thu hoạch bắp hay khoai lang cũng để dành một ít đặng luộc lên rồi chia cho tụi nhỏ. Ăn uống đơn sơ vậy thôi mà mấy đứa thích lắm”, ông Tư kể.
Hầu hết những đứa trẻ ở lớp học tình thương này đều bươn chải ngoài đời từ sớm để mưu sinh đỡ đần cha mẹ. Cũng vì thế, các em có phần bướng bỉnh và nghịch ngợm hơn so với mấy đứa trẻ khác. Thế nhưng, chúng lại rất nghe lời và “sợ” ông bà Tư. Sợ không phải vì đòn roi mà vì thương ông bà vất vả.
Để một đứa trẻ nên người khó hơn dạy chúng biết chữ. Cũng vì vậy, bọn trẻ đến lớp không chỉ được dạy chữ, mà còn học cách làm người. Cậu học trò tên Trần Văn Bé là niềm tự hào mà bất kể đi đâu, gặp ai, ông bà Tư đều nhắc đến như một tấm gương sáng không tham của rơi.
“Thằng Bé hồi đó mới chỉ học lớp 2. Nó nhặt được chiếc ví có 1 chỉ vàng, 96 nghìn đồng với giấy tờ tùy thân ở bụi cây cạnh lớp học rồi đưa lại cho ông Tư. Thấy vậy, ông Tư mới chạy ra hỏi mấy người công nhân đang tu sửa đoạn đường đất đá đỏ, rồi chiếc ví cũng trở về với chủ của nó”, bà Tư kể lại.
Bắt đầu con đường học vấn từ lớp học tình thương của ông bà Tư, sau đó không ít học trò vượt khó khăn, vất vả mà bước vào giảng đường của các trường đại học lớn như: Khoa học Tự nhiên, Nông Lâm, Sư phạm… Còn nhớ ngày đầu đến lớp, anh Nguyễn Trường Duy, chuyên viên công tác Đoàn Thanh niên thành phố Thủ Đức lúc đó chỉ mới 5 tuổi.
Cậu bé ngày ấy khóc òa vì bỡ ngỡ nhưng rồi nhận được sự yêu thương, vỗ về của ông bà giáo già, cũng nhờ đó mà nhanh chóng làm quen với trường lớp. Nhắc về người thầy đầu tiên ấy, anh Duy không khỏi bồi hồi với những ký ức thuở bé ùa về: “Điều tôi nhớ nhất là ông Tư viết chữ rất đẹp. Dù gắn bó với lớp học chỉ vỏn vẹn 1 năm nhưng sự tận tình của ông bà Tư là thứ luôn thôi thúc tôi tìm về thăm lớp học này”.
Tính đến nay, số lượng học sinh của lớp học tình thương ấp Tân Lập cũng hơn cả nghìn em. Thế nhưng, vợ chồng ông Tư vẫn có thể nhận ra đứa học trò nhỏ ngày nào dù đã qua nhiều năm xa cách.
Đau đáu tuổi xế chiều
Ông Tư có 5 cuốn sổ tay. Lâu lâu người ta lại thấy ông lật mở từng trang giấy, đọc lại những dòng lưu bút của học trò và những vị khách đã đến thăm lớp học tình thương ấp Tân Lập. Ông không khỏi hoài niệm về lớp học “thời vàng son”.
Mùa dịch Covid-19 đi qua, cộng với việc giải tỏa khu chợ đêm ở Khu đô thị Đại học Quốc gia khiến nhiều gia đình nhập cư phải chuyển sang nơi khác sinh sống. Cũng từ đó, số lượng học sinh vơi dần, giờ đây chỉ còn trên dưới khoảng 20 em.
Dù nhiệt huyết với “nghiệp gieo chữ” vẫn tràn đầy nhưng sức khỏe của vợ chồng ông giáo chẳng còn được như trước. Vì căn bệnh hen suyễn mãn tính và huyết áp cao, có lần bác sĩ kêu ông phải nhập viện theo dõi vài ngày. “Tôi còn lớp học ở nhà không bỏ được”, ông nói thế rồi rời khỏi bệnh viện. Các bạn sinh viên tình nguyện ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đỡ đần ông chuyện dạy học.
Thế nhưng, ông giáo vẫn không yên tâm bỏ lớp buổi nào. Ông giải thích: “Mấy cháu sinh viên thấy tụi nhỏ ở đây hoàn cảnh khó khăn nên cũng thương như em út trong nhà. Thương quá, chiều quá đâm ra mấy đứa nhỏ không sợ sinh viên. Giờ mà hai vợ chồng đi vắng là sinh viên khỏi dạy”.
Tiếng cười nói, mách nhau của những đứa trẻ đã trở nên thân thuộc và gắn bó như một phần cơ thể của ông bà Tư. Cũng vì vậy, những ngày hè vắng bóng học trò, ông bà giáo lại thui thủi trong căn nhà nhỏ ở quê, mong ngóng ngày khai giảng. “Không đi dạy mấy tháng hè thôi đã thấy nhớ, thấy trống vắng, lỡ sau này lớp học không còn nữa thì còn buồn đến cỡ nào”, ông Tư ngậm ngùi.
Vì nằm trong khu vực vành đai của Đại học Quốc gia nên sắp tới đây, lớp học tình thương ấp Tân Lập phải đứng trước nguy cơ bị giải tỏa. Ông Tư chỉ mong sẽ có nơi mới để tiếp tục mở lớp học tình thương, dạy chữ cho những trẻ em nghèo.
Với những nỗ lực nuôi dạy học trò nghèo, vợ chồng ông Tư đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ các ngành, địa phương. Trong đó, năm 2004, ông Huỳnh Văn Phê được Bộ GD&ĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Năm 2013, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) trao tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2013 dành cho các tổ chức, cá nhân vì đã có nhiều cống hiến và đóng góp xuất sắc trong phong trào tình nguyện vì cộng đồng.
(Theo giaoducthoidai.vn)
Xem thêm: Ninh Việt Trí - chàng thanh niên dành cả thanh xuân làm "sứ giả" kết nối các lớp học tình thương
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận