Lan tỏa việc tốt: Đến từng nhà đèo học trò đi học tiếng Anh miễn phí
Suốt 2 năm nay, mỗi chiều thứ ba, năm, bảy rất đông các em người M’Nông tụ tập về góc nhà homestay "Y Sôl House" trong buôn Cuôr Tăk (xã Yang Tao, Lắk, Đắk Lắk) để học tiếng Anh.
Lớp học được tổ chức miễn phí, rất vui nhộn và thỉnh thoảng còn được giao tiếp với người nước ngoài ghé thăm homestay này.
"Em biết tiếng Anh một chút ít nên rất muốn học thêm và biết nhiều thêm về tiếng Anh", em H Cam.
Đến từng nhà đèo trò đi học tiếng Anh miễn phí
Chị H Bin Kuan (27 tuổi, trú buôn Cuôr Tăk), người đứng lớp dạy chính cho học trò nơi đây, cho biết cơ duyên mở lớp học này cũng rất tình cờ. Theo chị, năm 2021, vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị phải ở nhà dạy online. "Chị H Huyn Surk có con học tiểu học ở gần nhà nên nhờ mình dạy kèm tiếng Anh cho cháu. Rảnh rỗi nên mình cũng sang homestay này dạy cháu, cũng đỡ nhớ nghề vào giai đoạn dịch", chị H Bin nhớ lại.
Lớp học "1 kèm 1" duy trì được ít lâu, H Hằng (con gái chị H Huyn Surk) ngỏ ý với cô và mẹ muốn rủ bạn bè trong buôn và lân cận đến học cho vui. Chị H Bin đồng ý vì có lớp học rồi, có thêm trò cũng vui, giúp ích thêm cho các cháu.
"Nhưng để có trẻ đến lớp học lại là cả một câu chuyện đầy thú vị. Mình phải đi khắp bon (làng - PV) vận động người dân cho con đi học tiếng Anh miễn phí. Nhiều người phấn khởi chở con đi học, nhưng có người nói bận đi nương rẫy nên tôi đi chở những cháu này đến lớp, học xong lại chở về", chị H Huyn nhớ lại.
Cũng theo chị H Huyn, lúc các con chưa đi học tiếng Anh rất rụt rè, ít giao tiếp, nhưng học về được vài tuần thì rất mạnh dạn và hoạt bát. "Đa phần con em ở trong buôn sau khi học trên trường thường ít khi học ở nhà. Nhưng có lớp dạy tiếng Anh của cô H Bin tôi thấy mừng vì con được học thêm một ngôn ngữ sẽ giúp ích cho các con sau này. Đã nhiều lần tôi cùng cô đi thuyết phục các phụ huynh khác cho con em đi học", chị H Huyn chia sẻ.
Chị H Bin thấy tiếng Anh có nhiều điểm tương đồng với tiếng của người M’Nông nên việc học sẽ dễ dàng hơn. "Trong tiếng của người M’Nông, Ê Đê, Jrai... đa phần đều có phụ âm đôi giống tiếng Anh nên việc phát âm đều na ná giống nhau. Mình tự nhận thấy có một lợi thế rất lớn trong việc học nên cố duy trì lớp học này để các cháu có nền tảng tốt từ nhỏ" - chị H Bin cho biết.
Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị H Bin nói cũng chưa khá giả, nhưng được đi dạy miễn phí cho các cháu, chị cũng có thêm niềm vui. Chị kể mình đã trải qua nhiều công việc từ khi ra trường như phiên dịch cho một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại nước Úc. Nhiệm vụ chính là dẫn các đoàn du lịch, giới thiệu về các địa điểm văn hóa nổi tiếng tại Đắk Lắk nói riêng.
"Mình làm công việc online nên có nhiều thời gian cho lớp học này", chị H Bin chia sẻ.
Chị H Bin kể thêm, vừa qua chị đã thi đậu công chức, công việc sẽ bận hơn nhưng cũng cố gắng duy trì lớp học này để các em có thêm một không gian, niềm vui trong học tập. Theo chị, lớp học tiếng Anh không đặt nặng kết quả nên học sinh rất thoải mái, vui vẻ. "Nhiều lúc mình đã nói đùa với các em là "không dạy nữa", mặt em nào cũng buồn hiu, nhưng khi nhận ra trò đùa ai nấy đều hớn hở trở lại. Những ngày sau đến giờ học, thấy cô chưa đến lớp các em lại thi nhau đến nhà gọi cho bằng được mới thôi", chị H Bin hạnh phúc khoe.
Học và giao lưu cùng người nước ngoài
Cũng theo chị H Bin, xã Yang Tao còn nhiều gia đình khó khăn do không có công việc ổn định nhiều. Phần nữa nhiều em học sinh đã từ bỏ học sớm vì không theo kịp các bạn, nhất là môn tiếng Anh. Vậy nên mình mong sẽ có thêm nhiều lớp học tiếng Anh để tạo nguồn cảm hứng giúp các em theo đuổi học tập", chị H Bin tâm sự.
Nhận thấy việc học tiếng Anh không chỉ cần chăm chỉ mà còn cần nhiều trải nghiệm giao tiếp, anh Y Sol Surk (chủ homestay "Y Sôl House") đã tận dụng không gian làm du lịch của gia đình để các em nhỏ có nơi học và có thể gặp, giao tiếp với người nước ngoài đến lưu trú.
"Là một người con sinh ra và lớn lên bên bờ hồ Lắk, mình hiểu được sự thiếu thốn và khó khăn của học sinh không chỉ ở buôn Cuôr Tăk nói riêng. Nhiều em đã phải đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình mà bỏ học. Đây là động lực để mình phát triển lớp tiếng Anh, muốn tiếng Anh là nguồn động lực để các em nhìn thấy được nhiều cơ hội hơn", anh Y Sol chia sẻ.
"Ngoài học tiếng Anh, mình cũng có hướng dẫn các em học hát và đánh cồng chiêng. Khi có các đoàn khách du lịch đến lưu trú, các bạn nhỏ sẽ hòa chung để nói chuyện với người nước ngoài. Mặc dù các em nói được ít nhưng cũng góp phần tạo nên niềm vui để các em tự tin hơn trong cuộc sống", anh Y Sol nói.
Em H Cam Surk (lớp 4, Trường tiểu học Lê Hồng Phong, xã Yang Tao) cho biết những ngày không đi học tiếng Anh trước đó thường đi chơi với bạn bè nên vốn ngoại ngữ rất ít. Từ khi theo học lớp tiếng Anh, em rất vui khi được cô giáo chỉ bảo và được gặp người nước ngoài.
Chia sẻ về câu chuyện lớp tiếng Anh dành cho các em người M’Nông tại huyện Lắk, anh Trần Doãn Tới - phó bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk - cho biết mô hình dạy thêm tiếng Anh cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số rất đáng được nhân rộng ở nhiều địa phương. "Tiếng Anh là một loại ngôn ngữ rất cần thiết học bởi sau này các em có thể làm nhiều việc khác nhau. Tại huyện Lắk, nếu làm hướng dẫn viên du lịch vừa có thu nhập vừa được thỏa sức đam mê phát triển ngôn ngữ", anh Tới chia sẻ.
(Theo Tuổi trẻ)
Xem thêm: Lan tỏa việc tốt: Kết nghĩa anh em sau lần tái sinh một cuộc đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận