Cổ nhân tôn sùng người quân tử, bởi gặp cảnh khốn cùng vẫn giữ đức hạnh

Gặp cảnh khốn cùng, có người nhẫn nhịn vượt qua, có người phóng túng đánh mất bản thân. Hai cách đối đãi ấy thể hiện 2 cảnh giới tu dưỡng đạo đức khác nhau, ấy là sự phân biệt giữa quân tử và người thường.

Đỗ Thu Nga
17:00 11/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Ngại bần yêu phú”, ngại cảnh khốn cùng, thích được phú quý, đó có lẽ là tâm lý mà mỗi người ít nhiều đều có. Cũng bởi vì “ngại bần yêu phú”, mong muốn được an nhàn, mà nhiều người “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nhưng những người có tu dưỡng thì theo đuổi: “Quân tử ưu đạo bất ưu bần”, người quân tử lo việc bản thân không phù hợp với Đạo, chứ không lo nghèo. Đối mặt với sóng gió cuộc đời, họ dùng thái độ “an bần lạc đạo”, dù trong hoàn cảnh khó khăn, bần hàn vẫn lấy việc giữ vững đạo lý làm niềm vui. Chính nhờ vậy mà cảnh giới tinh thần và đức hạnh của người quân tử sẽ càng ngày càng cao.

Chuyện kể rằng khi Khổng Tử đi đến nước Trần, bởi vì chiến loạn nên phải đi về phía nam để đến nước Sở. Lúc thầy trò Khổng Tử bị vây hãm ở vùng đất Thái, gặp cảnh lương thực cạn kiệt. Các học trò đi theo Khổng Tử có người vì đói khát mà lâm bệnh, không thể dậy nổi. Tử Lộ thấy Khổng Tử liên tục bôn ba, đi khắp nơi mà vẫn không được như ý, liền hỏi: “Người quân tử vì sao vẫn gặp phải cảnh khốn cùng?”

Khổng Tử đáp: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ”, ý nói người quân tử cũng không thể tránh được sẽ có lúc gặp phải cảnh khốn cùng, nhưng người quân tử gặp cảnh khốn cùng thì chịu đựng, không tự coi nhẹ mình, còn kẻ tiểu nhân vô đức một khi gặp khốn cùng thì sẽ không chịu được mà phóng túng, làm điều xằng bậy.

“Quân tử cố cùng” khiến một người có tu dưỡng tìm thấy được sự bình yên tinh thần khi gặp cảnh khốn khó. Gặp khốn cùng mà oán Trời trách Đất, thậm chí bỏ Đạo cầu tài, đấy là điều mà bậc quân tử không làm.

Người quân tử khi gặp khốn khó vẫn có thể giữ vững được mình mà không hối tiếc, điều này làm được rất là khó. Người như vậy phải có nghị lực kiên trung hơn người, có thể vượt qua được những cám dỗ ham muốn vật chất của người thường, có thể không so đo với vinh hoa phú quý của người khác, có thể nhìn thấy người khác hơn mình mà trong tâm không thấy bất bình.

co-nhan-ton-sung-nguoi-quan-tu-boi-gap-canh-khon-cung-van-giu-duc-hanh

Người như vậy còn phải có năng lượng cảm hóa người khác, khiến những người thân, hoặc những người trong gia đình như cha mẹ vợ con hiểu biết lễ nghĩa, có thể lượng giải được hành vi của bản thân.

Học trò Nhan Hồi của Khổng Tử sống cuộc sống đạm bạc với một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong nhà nhỏ khốn cùng mà vẫn không thay đổi tâm cầu học Đạo. Điều này cho thấy, sự tuyệt vời trong nhân cách của Nhan Hồi, và cũng thể hiện rõ rằng những người nhà sinh sống cùng Nhan Hồi đều là những người hiểu Đạo, không tầm thường.

Hiền sĩ Kiềm Lâu của nước Tề thời Xuân Thu là người tu thân thanh lễ, không muốn tiến thân bằng con đường làm quan. Lúc còn sống, Kiềm Lâu làm quan thanh liêm chính trực lại là người con vô cùng hiếu thảo. Khi Kiềm Lâu mất, mọi người đến phúng viếng thấy thi thể của ông dưới song cửa, đầu gối trên hòn gạch chưa nung, nằm trên cỏ rơm, trên mình phủ cái chăn vải thô. Có điều cái chăn vải thô này không che kín đầu và chân vì nó ngắn quá, nếu như che đầu thì chân thò ra, còn nếu che chân thì đầu lại lộ ra, chính là khốn đến vậy.

Có người thấy cảnh ấy bèn khuyên vợ Kiềm Lâu đắp lệch chăn đi, để che được đầu và chân chồng. Vợ của Kiềm Lâu đáp rằng: “Tiên sinh khi sống không nghiêng lệch, khi chết lại đắp chăn lệch thì không hợp ý chí”. Mọi người nghe xong không nói gì được nữa. Kiềm Lâu là một ẩn sĩ đạo đức cao thượng, vợ ông cũng là một người phụ nữ đức hạnh, hiểu biết lễ nghĩa. Bởi thế mà người đời khen hai vợ chồng ông rằng: “Có người chồng như vậy, có người vợ như thế”.

Mạnh Tử từng giảng: “Dân vô hằng sản, tắc vô hằng tâm”, đối với một người bình thường mà nói, việc duy trì đạo đức vững chắc phải dựa trên một cuộc sống ổn định. Quản Trọng cũng nói: “Thương lẫm túc nhi hậu tri lễ nghĩa, y thực túc nhi hậu tri vinh nhục”, nghĩa là một người thường phải có đủ lương thực rồi mới biết lễ nghĩa, no ấm rồi mới biết vinh nhục. Nhưng mà đây là nói về người thường.

Mạnh Tử lại giảng: “Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng”, nghĩa là không có của cải sinh sống bình thường mà có lòng thiện lâu bền thì chỉ có kẻ sĩ mới làm được. Gặp cảnh khốn cùng mà vẫn giữ được đức hạnh của bản thân, vẫn vững tâm theo đuổi con đường đã lựa chọn là điều mà một người bình thường khó làm được, chỉ có người coi trọng tu dưỡng đạo đức, xem nhẹ vinh hoa phú quý mới dưỡng thành được. Đó chính là đức hạnh của người quân tử.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.

Xem thêm: Cổ nhân dạy: Quân tử phải có đại khí, thế mới làm nên đại nghiệp

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận