Bố không chăm mẹ thì tụi con chăm - Câu chuyện nhân văn sâu sắc
Sợ chồng chửi mắng nên bà Lan có thói quen không nhờ vả gì chồng, kể cả khi ốm đau...
Bà Lam vừa đạp xe về đến nhà đã thấy con gái đứng ngay cửa gắt gỏng: "Con đã nói bao lần, mẹ muốn đi đâu thì phải nói bọn con một tiếng, bọn con đưa đi. Trời thì nắng mà cứ đạp xe ngoài đường lỡ lăn đùng ra đấy thì ai biết đâu mà cứu. Ốm đau gì phải nói chứ!".
Bà Lam đẩy cái xe đạp cũ lên hè, nói nhỏ: "Bệnh viện ngay gần, mẹ đạp xe 10 phút là tới. Các con còn bận đi làm, còn phải lo con cái. Mẹ đang khỏe, cái gì mẹ tự làm được thì để mẹ chủ động".
Con gái bà Lam vẫn bực bội: "Con đi làm nhưng thu xếp được. Cùng lắm thì bọn con chia nhau ra, người đưa người đón. Sao mẹ cứ lọ mọ 1 mình thế. Bọn con có đi làm cũng không yên tâm".
Bà Lam cười xòa gạt đi: "Không phải lo. Khi nào không đi được mẹ tự khắc gọi".
Bà và chồng có 3 con. Vợ chồng bà là công nhân viên chức nhà nước, lương thấp. Từ khi lấy chồng đến lúc ông bà về hưu, mọi việc trong gia đình 1 tay bà Lam xoay xở. Thời bao cấp, gần nhà có một điểm thu mua hàng hóa. Sáng bà đi làm, tối về theo mấy người công nhân đi bốc xếp hàng hóa. Nhiều hôm xe về quá nửa đêm, bà vẫn dậy, bốc hàng đến gần sáng, chỉ mong có thêm ít tiền trang trải cho gia đình.
Chồng bà Lam là mẫu đàn ông gia trưởng độc đoán. Ông phải nghỉ hưu non trong đợt tinh giản biên chế của cơ quan. Cảm giác thất bại ngoài xã hội khiến ông luôn kiếm cớ trút sự tức giận lên bà và con cái. Coi bà và con cái là nguyên nhân gây ra sự thất bại của ông.
Sợ chồng chửi mắng nên bà Lan có thói quen không nhờ vả gì chồng, kể cả khi bản thân và con cái ốm đau. Trừ khi ốm nặng đến mức không thể đi được mới nhờ ông, còn đi được thì 3 mẹ con dìu nhau đi. Vì chỉ cần nhờ vả, bà sẽ bị chồng chửi thậm tệ.
Thói quen đó duy trì đến tận bây giờ, khi các con đã lớn và có điều kiện hơn. Cho dù các con ngọt nhạt hay mắng mỏ, bà vẫn giữ thói quen chịu đựng và làm mọi việc một mình. Các con thương và xót cho mẹ. Vì bà chăm chỉ làm việc, tằn tiện rồi tích lũy nên họ mới được ăn học đầy đủ, ra trường có việc làm. Khi lập gia đình còn được bà hỗ trợ xây nhà cửa ra riêng.
Tuy vậy, hậu quả của việc sống tằn tiện, làm việc lao lực suốt quá trình dài là người bà đủ thứ bệnh, nay ốm mai đau triền miên, dăm bữa nửa tháng là phải vào bệnh viện. Lần nào bà cũng tự đạp xe đi, không nói gì với các con hay "người chồng khách trọ" vẫn khoẻ mạnh.
Tối hôm đó, bà Lam cùng bà con dân phố đi thăm bà Hạnh mới bị tăng huyết áp đột ngột phải vào trạm y tế phường nằm dưỡng bệnh. Bà Hạnh tầm tuổi bà Lam, chồng mất sớm, ở góa mấy chục năm nuôi con. Bà Hạnh cũng là mẫu phụ nữ tần tảo sớm hôm nên một mình lo cho 4 đứa con ăn học thành đạt. Thế nhưng không hiểu sao, khi bà Hạnh đau ốm, không thấy bất cứ đứa con nào đến hỏi thăm, chăm sóc.
Chuyện gia đình nhà người ta, bà Lam không rõ. Nhưng nhìn bà Hạnh khóc vì tủi thân, tuổi già ốm đau mà con cái không một ai quan tâm, bất giác bà Lam thấy bản thân may mắn khi mấy đứa con biết thương mẹ. Bà nhớ mấy câu chúng hay nhằn: “Bố không chăm mẹ thì tụi con chăm. Có chuyện gì mẹ phải gọi tụi con. Mẹ phải cho chúng con được quyền chăm sóc mẹ chứ!”.
Từ trạm y tế về, bà Lam gọi điện thoại cho con gái: "Mai mấy chị em thu xếp đưa đón mẹ đi trị liệu vật lý nhé. Bác sĩ nói phải điều trị liên tục 2 tuần đấy".
Đầu dây bên kia, giọng con gái bà đáp lại: "Mẹ cứ yên tâm, nghỉ ngơi sớm đi. Mai con qua chở. 2 tuần hay bao lâu con cũng chở".
Bà Lam tắt điện thoại, nước mắt rưng rưng.
Xem thêm: Lời nói của cô giáo - Câu chuyện nhận nghìn lượt chia sẻ, đầy xúc động
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận