Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại: Biết nhượng bộ sẽ không bao giờ thất bại
Người xưa có câu nói rằng: "Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại", một người trưởng thành biết nhượng bộ khi cần sẽ không bao giờ thất bại trên đường đời.
Trong cuộc sống, con người không tránh khỏi việc đối mặt với khó khăn, vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua. Thực ra, hãy coi những khó khăn này giống như cánh cửa, trên đời sẽ chẳng có cánh cửa nào vừa vặn với cơ thể và chiều cao của ta, mà thường thấp hơn một chút hoặc chật hơn một chút. Người thông minh sẽ biết cách khom lưng, nghiêng người để đi qua, còn kẻ cố chấp thì lại tìm cách đục phá, hay đôi khi là bỏ dở.
Người xưa có câu nói rằng: "Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại", bông lúa càng chín hạt thì càng chắc nặng, đầu rủ xuống, còn cỏ dại vì quá mãnh liệt và hiên ngang mà lúc nào cũng ngẩng đầu. Thực ra, đó cũng chỉ là cách ví von, ý nói biết cách cúi đầu, nhượng bộ cũng là một loại trí tuệ mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Ta thường tôn trọng cái tôi, tự cao tự đại, nghĩ rằng lúc nào cũng cứng đầu là tốt. Trên thực tế, mềm nắn rắn buông, biết khi nào nên nhường nhịn mới là điều tốt.
Con người sống trên đời vốn đã không hề dễ dàng, vì thế ta phải tìm cách sống thật tốt, sống theo cách mà mình mong muốn. Đừng chỉ chăm chăm lấy lòng người khác, luồn cúi nịnh bợ, như vậy là hạ thấp tự tôn của mình. Thay vào đó, hãy chọn cách sống theo ý mình, nếu có cúi đầu cũng là vì tôn trọng người khác.
Cách sống khác nhau sẽ đem đến các kết quả không giống nhau. Nếu cuộc sống của ta chỉ biết đến tiền tài, đời ta sẽ không bao giờ biết đủ. Nếu cuộc sống của ta lấy tình yêu là trung tâm, đời ta sẽ mãi đắm chìm trong mơ mộng tình ái, dễ dàng bị tổn thương. Nếu cuộc sống của ta lấy sự ganh tị làm trung tâm, đời ta sẽ vô cùng khổ sở. Sống một đời chỉ biết tham sân si, khi ấy khó mà tìm được an nhiên, viên mãn.
Một lần, Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng: “Thầy Khổng Tử đi qua các nước đều được tham dự việc chính sự của các nước ấy. Đó là do người ta chủ động yêu cầu hay là do thầy cầu xin vậy?”. Thấy vậy, Tử Cống nói: “Thầy Khổng ôn hòa, lương thiện, cung kính, cần kiệm, khiêm tốn nên được tư cách như vậy.” Người như Khổng Tử, học rộng biết nhiều nhưng vẫn giữ bản tính ôn nhu, khiêm nhường, không bao giờ kiêu ngạo, tự mãn.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta đều nỗ lực hết mình vì muốn một cuộc sống hoàn hảo, bất chấp một thực tế đau lòng rằng, trên đời không có gì tuyệt đối hoàn hảo cả. Mặt trời vừa lên đến đỉnh, lập tức sẽ ngả về hướng Tây. Vầng trăng kia vừa tròn, lập tức sẽ lại khuyết. Vì thế, không phải cứ làm gì cũng hoàn hảo, trọn vẹn là tốt, đôi khi vấp ngã, sai lầm một chút lại rất đáng trân trọng, có sai sót mới biết mình cần tiến bộ chỗ nào.
Người biết cúi đầu sẽ vĩnh viễn không va vào cửa, kẻ không mưu cầu nhiều mới có thể dễ dàng thỏa mãn. Ta phải học được cách biết cúi đầu trước những "khung cửa" cuộc đời, biết khi nào nên nhượng bộ, khi nào nên lùi lại mà tìm cách khác để đi qua. Biết nhường nhịn cũng là một năng lực, đó không phải tự ti, cũng chẳng phải nhu nhược hay hèn nhát. "Một điều nhịn là chín điều lành", biết cúi đầu, nhượng bộ vừa là một loại trí tuệ, vừa là một ý chí ngoan cường.
8 điều đàn ông phải chấp nhận buông bỏ nếu muốn đạt tới đỉnh cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận