Nhà đầu tư lâu năm nhận định: "Người dân nào có nhiều đất vườn là sướng lắm"

Hiện tại, giá đất trung tâm tăng phi mã, khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển về vùng quê săn đất, đặc biệt là đất vườn.

Chi Nguyễn
08:45 02/04/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Từ xưa đến nay, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư được người Việt ưa thích, giúp nhiều người đổi đời nhanh chóng. Những cơn sốt đất đi qua khiến cho giá cả tăng phi mã, đặc biệt là các khu đất ở trung tâm. Hiện tại, khi giá đất ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,... đã lên quá cao, vượt quá khả năng của nhà đầu tư non tay và vốn mỏng, họ đành phải dịch chuyển dần về săn đất vùng quê.

Cơn sốt đất vườn cứ thế bắt đầu xuất hiện, khiến không ít người nông dân đổi đời nhờ xẻ đất bán lại. Thậm chí, có không ít người dân đang ôm đất không chịu bán vì chờ tăng thêm giá, nhưng không thể phủ nhận đa phần bọn họ đều trông ngóng giá đất lên.

nha-dau-tu-lau-nam-cho-rang-nguoi-dan-co-nhieu-dat-vuon-la-loi-lon
Cơn sốt đất vườn cứ thế bắt đầu xuất hiện, khiến không ít người nông dân đổi đời nhờ xẻ đất bán lại

Anh T. tâm sự, hiện vợ chồng anh đang có hơn 2 ha đất vườn ở xã Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng. Cách đây hơn chục năm, vợ chồng anh mua với giá 30 triệu đồng để trồng tiêu và cà phê, đến nay mảnh đất đã có giá hơn chục tỷ. 

Vào thời điểm sốt đất vùng cao, không ít nhà đầu tư đến hỏi mua những anh chị vẫn chưa bán, chờ tăng giá. Năm 2020, đã có người hỏi mua mảnh đất của anh với giá 25 tỷ đồng, 1 năm sau lại có người hỏi mua với giá 40 tỷ đồng. Thế nhưng, anh vẫn chưa vội bán ra, vì cho rằng giá đất vẫn có thể lên nữa. Anh nói: "Nếu có bán, tôi chỉ bán tầm 1 héc-ta, còn lại để làm ăn".

Tương tự như anh T. vợ chồng chị D. đang sở hữu 1,5 ha đất vườn, view nhìn ra hồ được nhiều nhà đầu tư săn đón ở huyện Bảo Lâm. Đã có người trả giá 11 tỷ đồng, nhưng chị D. vẫn chưa muốn bán. Chị nói: "Thấy nhiều NĐT về hỏi mua lắm, chắc chắn giá đất còn lên nữa, nên cứ để đó một thời gian nữa hẵng tính".

Anh Toàn là một môi giới kiêm nhà đầu tư lâu năm ở Lâm Đồng nhận định: "Giờ người dân nào có nhiều đất vườn, là sướng lắm". Hầu hết đều là dân bản địa hay dân làm kinh tế ít nhất 10 năm, nên việc họ sở hữu 1-2 ha không phải hiếm. Năm xưa, mỗi ha đất chỉ mua bằng 1-2 chỉ vàng, giờ đây giá đất đã lên đến hàng tỷ hay thậm chí là chục tỷ. Tuy nhiên, vì nhắm được tình hình giá đất tăng mạnh, người dân chưa vội bán ra mà còn ôm hàng.

Có không ít người bán trước đó, khi giá lên cao thì không khỏi tiếc nuối. Anh Toàn cho biết, đã có trường hợp người dân đã đồng ý bán cho nhà đầu tư này mảnh đất 4.000m2 với giá 6 tỷ đồng. Nào ngờ, hôm sau có người vào hỏi mua giá 8 tỷ, thấy vậy chủ đất liền không bán nữa cho bên nào nữa, mà để đó chờ thêm thời gian. Thế rồi, hai bên (nhà đầu tư – chủ đất) xảy ra cãi vã sau đó.

nha-dau-tu-lau-nam-cho-rang-nguoi-dan-co-nhieu-dat-vuon-la-loi-lon
Không phải họ không có đất, mà họ đang canh thời điểm để bán, vì sợ bán sớm sẽ "hớ, rẻ"

Theo anh, các nhà đầu tư đi mua đất trực tiếp của người dân không còn dễ như vài năm trước. Không phải họ không có đất, mà họ đang canh thời điểm để bán, vì sợ bán sớm sẽ "hớ, rẻ". Không ít người bán đất cho nhà đầu tư cách đây vài năm đang cảm thấy tiếc nuối vì giá đã tăng gấp 2-3 lần.

Có một thực tế dễ thấy, khi sốt đất đi qua vùng quê, không ít người nông dân chỉ còn dắm chìm vào đất đai. Có người không thiết tha làm rẫy, làm vườn nữa mà chỉ ngày đêm trông ngóng giá đất nhảy vọt để cắt một phần ra bán cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như anh C. (trú huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), đang sở hữu 1 ha đất trồng tiêu mua cách đây gần 15 năm. Anh nhẩm tính, với diện tích này, anh có thể bán được 10 tỷ đồng. 

Nếu thành công, vợ chồng anh có thể về quê sinh sống, làm ăn, không còn phải nai lưng ra trồng tiêu, trồng cà phê nữa. Tính ra một năm thu hoạch tiêu chỉ được khoảng 200-300 triệu, chưa kể các chi phí đầu vào; không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, có tới 10 tỷ trong tay, cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều.

Vài năm trở lại đây, khi thị trường nhen nhóm sốt đất, những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp của người dân được mua bán lại khá nhiều trong những năm qua. Những khu vực vùng ven của tỉnh Đồng Nai hay Bình Dương, đất nông nghiệp vẫn được mua bán với giá cao ngất ngưởng. Nhiều người dân sở hữu đất nhiều có thể cắt ra bán với giá tiền tỷ, số tiền mà nhiều khi làm lụng vất vả cả năm họ cũng chưa dám nghĩ tới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam từng nhận xét về hệ lụy của việc này. Theo ông, việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. 

Hệ lụy của các cơn sốt đất vùng quê khiến giá đất tăng ảo, không ít người dân địa phương không còn yên tâm canh tác, sản xuất nữa. Có những người đang muốn đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo... và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.

Theo Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế

Xem thêm: Nhà đầu tư chuộng về quê mua đất, giá tăng phi mã khiến người dân hồ hởi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận