8x Tây Nguyên 10 lần hiến máu, 50 lần hiến tiểu cầu: Hiến máu cứu người là lẽ sống

Ở tuổi 35, anh Lê Văn Bình (Tây Nguyên) đã có tới 10 lần hiến máu, 50 lầ hiến tiểu cầu, luôn tâm niệm hiến máu cứu người là lẽ sống.

Chi Nguyễn
09:15 02/06/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cống hiến sức trẻ cho phong trào hiến máu nhân đạo

Anh Lê Văn Bình (35 tuổi, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, anh đã có gần 10 năm gắn bó với việc hiến máu tình nguyện. Hiện anh là điều phối viên Câu lạc bộ hiến máu khu vực Tây Nguyên, bản thân đã có 10 lần hiến máu, 50 lần hiến tiểu cầu.

Anh tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 18 tuổi, đến năm 2016 thì bắt đầu hiến tiểu cầu. Lần đầu tiên hiến tiểu cầu, anh suýt ngất xỉu, tê hết người vì bị rút máu ra với cường độ lớn. Tuy vậy, anh vẫn không quản ngại, mà tiếp tục tham gia hiến tiểu cầu, cứ thế đã được 50 lần.

ne-phuc-8x-tay-nguyen-co-10-lan-hien-mau-50-lan-hien-tieu-cau
Anh Lê Văn Bình (35 tuổi) tham gia hiến máu nhân đạo gần 10 năm, là điều phối viên CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Tiền Phong

Dù đã tham gia CLB được 10 năm, nhưng khoảng 1 năm nay anh mới đảm nhận vai trò điều phối viên. Thông thường, sau khi nhận tin có người cần hiến máu, anh sẽ đăng bài lên trang của CLB để tìm người, nếu cần gấp sẽ trực tiếp gọi điện.

Khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, anh vô cùng thấu hiểu việc khan hiếm máu, các y bác sĩ gặp khó khăn, nhiều bệnh nhân đứng trước ranh giới cửa tử. Mỗi ngày 8x Tây Nguyên điều phối khoảng 40 tình nguyện viên lên hiến, ngày nhiều nhất con số này có thể lên tới 80 người.

Anh tâm sự: "Là người điều phối máu nên tôi là đầu mối để người cho và người nhận thông qua, bất kể lúc nào cũng có thể lên đường. Nhiều đêm đang ngủ, điện thoại đổ chuông, nhận tin ai đó cần máu khẩn cấp, tôi điều phối tình nguyện viên đến hiến và lúc này mình lên bệnh viện, ở cạnh tình nguyện viên để động viên tinh thần và phòng nếu xảy ra sự cố sẽ hỗ trợ kịp thời. Trường hợp khẩn cấp, nhiều tình nguyện viên dù ở xa vẫn sẵn sàng đến bệnh viện cho máu, có người phải dắt theo cả con nhỏ".

Anh giở điện thoại ra, mở danh sách gồm 60 tình nguyện viên có nhóm máu hiếm. Anh giải thích, đây là đội dành riêng để hiến tiểu cầu cho trường hợp nguy cấp. Bởi tiểu cầu chỉ nam giới mới hiến được nên phải dự trữ riêng, khi cần là luôn có người sẵn sàng.

Gần như túc trực ở bệnh viện cả ngày, chứng kiến cảnh các bệnh nhi ốm đau chờ truyền máu, anh biết mình phải gắn bó với công việc này lâu dài. Bên cạnh đó, khi biết những trường hợp bệnh nhân quá khó khăn, CLB của anh còn đăng bài kêu gọi nhằm hỗ trợ phần nào chi phí.

Anh khẳng định: "Có rất nhiều cách để mỗi người có thể đóng góp việc làm thiện nguyện cho xã hội. Trong đó tôi và rất nhiều người đã chọn sẻ chia giọt máu hồng cứu người. Nhiều năm qua, hàng nghìn đơn vị 'máu sống' được các thành viên trong câu lạc bộ hiến tặng và vận động, kịp thời cấp cứu giành lại sự sống cho người bệnh".

Làm việc tử tế không màng danh lợi

Công việc bận rộng, lại thêm phải trải qua nhiều cùng bậc cảm xúc, trông anh Lê Văn Bình nom tiều tụy, mệt mỏi đến lạ. Thế nhưng, khi kể về những câu chuyện mình đã trải qua trong hành trình hiến máu, anh lại như bừng lên sức sống. Có lúc, nhìn thấy bệnh nhân được hiến tiểu cầu qua cơn nguy kịch và hồi phục, anh cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Nhưng cũng có lúc, anh lại cảm thấy đau khổ khi nghe tin bệnh nhân không qua khỏi.

ne-phuc-8x-tay-nguyen-co-10-lan-hien-mau-50-lan-hien-tieu-cau
Bản thân 8x Tây Nguyên đã có 10 lần hiến máu, 50 lần hiến tiểu cầu. Ảnh: Tiền Phong

8x Tây Nguyên nhớ lại, năm 2021, có một ca bệnh nhà ở huyện Ea H’leo, bị suy tủy cấp độ 3 cần truyền tiểu cầu để duy trì sự sống. Gia đình hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, nhưng vẫn quyết cố gắng, còn nước còn tát. Anh Bình là người hiến tiểu cầu liên tiếp 10 tháng, nhưng bệnh nhân đã mất sau đó. "Khi nhận tin, tôi cảm thấy buồn, bất lực", giọng anh nghẹn lại.

Thời gian gần đây, anh vô cùng tất bật với công việc điều phối máu, chỉ đến ngày cuối tuần mới về nhà. Ban đầu bố mẹ phản đối, vì khi đó anh đang mở tiệm làm tóc ổn định, vừa phụ giúp gia đình nuôi cá. Thế nhưng, gia đình dần hiểu việc làm tử tế của anh, ủng hộ và giúp đỡ anh. 

Bản thân anh Bình cũng dần cân bằng công việc - cuộc sống. Mỗi ngày của anh bắt đầu từ 4 giờ sáng, dậy đánh cá cho mẹ đi chợ bán, sau đó lên bệnh viện điều phối máu. Thông thường đến chiều tối anh trở về nhà, nhưng hôm nào có ca cần tiểu cầu trong đêm anh nán lại bệnh viện đến tận khuya mới về.

Theo Nguyễn Thảo/Tiền Phong

Xem thêm: Tâm sự người hùng cứu gia đình đi xe máy đổ đèo Tam Đảo bị mất phanh: "Ai cũng hành động giống tôi thôi"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận