Một ly nước - Câu chuyện đáng suy ngẫm về thái độ sống

Từ một ly nước tưởng chừng như vô tri vô giác, vị giáo sư đại học Harvard đã chỉ ra một triết lý về thái độ sống vô cùng sâu sắc.

Chi Nguyễn
17:00 29/09/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Một giáo sư của đại học Harvard đang có một buổi diễn giảng trong hội trường chật kín chỗ ngồi. Ông cầm một chiếc cốc đựng nước lên và hỏi các thính giả: “Mọi người hãy đoán xem, chiếc cốc này nặng bao nhiêu?”

Mọi người trả lời: “50 gam”, “100 gam”, “125 gam”.

“Tôi không biết nó nặng bao nhiêu, nhưng tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi cầm nó”, giáo sư nói.

“Bây giờ, câu hỏi của tôi là: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi giữ nó như thế này trong vài phút?”

mot-ly-nuoc-cau-chuyen-dang-suy-ngam-ve-thai-do-song
Một giáo sư của đại học Harvard đang có một buổi diễn giảng trong hội trường chật kín chỗ ngồi. Ảnh minh họa

Mọi người đều trả lời: “Sẽ không có gì xảy ra cả.”

Giáo sư nghe xong, lại đề ra một câu hỏi nữa: “Được, vậy nếu ta cứ tiếp tục giữ nó như thế này trong một giờ thì sao?”

“Khi đó cánh tay sẽ hơi mỏi” – một thính giả trả lời.

Vị giáo sư nói tiếp: “Đúng. Vậy nếu tôi giữ nó như thế này trong cả ngày thì sẽ thế nào?”

“Cánh tay chắc chắn sẽ bị tê cứng, nói không chừng còn có thể bị chuột rút, đến lúc ấy khó tránh khỏi sẽ phải đến bệnh viện một chuyến để điều trị” – Một thính giả khác lên tiếng. 

“Rất tốt. Trong lúc tôi cầm ly nước, không kể thời gian dài ngắn bao nhiêu, trọng lượng của ly nước có thay đổi hay không?

“Sẽ không thay đổi”.

mot-ly-nuoc-cau-chuyen-dang-suy-ngam-ve-thai-do-song
Thực ra, những nỗi đau trong cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng giống như ly nước trên tay tôi

Vị giáo sư dừng lại và hỏi: “Nếu thế, tại sao cánh tay cầm cốc lại bị nhức mỏi? Tại sao bắp thịt lại bị co rút?”

“Tôi không muốn bị đau tay, cũng chẳng muốn bị chuột rút, vậy tôi nên làm thế nào?”

“Rất đơn giản, ngài nên đặt chiếc cốc ấy xuống.” – Một vị thính giả nhanh miệng đáp.

Vị giáo sư tiếp lời: “Chính xác! Thực ra, những nỗi đau trong cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng giống như ly nước trên tay tôi. Chúng ta đau khổ trong vài phút thì không sao; nhưng nếu cứ mãi nghĩ đến nó mà không buông bỏ, nó có thể sẽ làm mất đi sức mạnh tinh thần của bạn. Ngày qua ngày, tinh thần của bạn sẽ đứng bên bờ vực sụp đổ. Đến lúc đó, dù bạn có muốn cũng chẳng thể làm gì được”.

Bên cạnh bạn có những người như thế hay không? Cả ngày u buồn sầu não, lúc nào cũng treo lên gương mặt như bị cuộc đời bắt nạt. Thực tế, những thứ khiến họ xoắn xuýt rối rắm, thống khổ, khó chịu đều không phải là cái gì to lớn đến mức chẳng thể vãn hồi. Ngược lại, chúng có khi chỉ là những việc vặt vãnh, nhỏ nhặt, hết sức tầm thường trong cuộc sống.

Có một câu rất hay: đời người ngoại trừ sinh và tử, ngoài ra chẳng còn việc lớn nào khác. Thế nhưng, mặc dù đa số mọi người đều hiểu đạo lý này, lại chẳng có mấy ai làm được.  

Kỳ thực, trong cuộc sống của mỗi người, những chuyện không được như ý có rất nhiều. Chuyện lớn thì như: sức khỏe suy nhược, công việc của con cái không thuận lợi, xích mích gia đình, cha mẹ ốm đau bệnh tật. Chuyện nhỏ thì như: vài cọng rau, một chén cơm, muối gạo củi dầu. Hầu như bất cứ điều gì cũng có thể làm cho người ta cảm thấy không thoải mái. Cuối cùng, thứ đánh sập một con người không phải là tình huống tệ hại đến mức bản thân họ không cách nào gánh vác, mà lại là những cảm xúc tiêu cực chẳng thể buông bỏ được của chính họ. 

mot-ly-nuoc-cau-chuyen-dang-suy-ngam-ve-thai-do-song
Học cách buông bỏ có nghĩa là không nghĩ về quá khứ và không sợ hãi về tương lai

Người lạc quan không phải là người chưa từng nếm trải đắng cay của cuộc sống, mà là những người dù thân ở tại bùn nhơ, vạn điều chẳng được như ý nhưng vẫn giữ được tâm thái bình ổn. Việc có thể gánh vác liền gánh vác, việc có thể nhẫn nhịn liền nhẫn nhịn, nếu không đủ sức thay đổi thì buông xuống, chỉ cần còn có đường đi nhất định sẽ nỗ lực hết mình. 

Thái độ hành xử như vậy không phải là thứ dễ dàng học được trong một sớm một chiều. Bạn cần phải đọc hàng ngàn cuốn sách, đi hàng ngàn dặm, gặp gỡ vô số người, không ngừng sửa đổi và hoàn thiện bản thân từ những thất bại. Cuối cùng, bạn mới có thể tôi luyện ra một bản thân bình hòa, cởi mở và khoáng đạt.

Chuyện quá khứ là cái kết đã qua, chuyện tương lai là điều không cách nào đoán định, thứ duy nhất chúng ta có thể nắm giữ chính là hiện tại. Hãy sống thật tốt ở hiện tại, bạn sẽ phát hiện: không có gì là không thể quên lãng, không có chuyện nào là không thể vượt qua, đã qua rồi thì để nó qua đi, trân quý hiện tại mới là điều quan trọng.

Học cách buông bỏ có nghĩa là không nghĩ về quá khứ và không sợ hãi về tương lai. Học cách buông bỏ là để tha thứ cho người khác và hòa giải với chính mình. Học cách buông bỏ không chỉ là gánh vác cùng tiếp nhận, mà còn là bắt đầu làm lại và tiến bước thêm một lần nữa. Biết cách buông bỏ, an thân an tâm, cuộc sống mới càng thêm vui vẻ, hạnh phúc.

Xem thêm: Ở đời đùa giỡn chớ nên quá trớn, kẻo "vui quá hóa bi thương" thật tai hại

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận