Ở chung với nhà chồng người Do Thái, mẹ Việt "học lỏm" loạt bí quyết dạy con về tài chính

Chị Nguyễn Phương Lan, một phụ huynh người Việt đang sống tại Mỹ, có mẹ chồng sinh trưởng trong gia đình Do Thái đã chia sẻ lại những kinh nghiệm dạy con về tài chính hữu ích.

Chi Nguyễn
10:30 29/05/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dù dân số chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng dân số thế giới, người Do Thái lại kiếm tiền rất giỏi và là dân tộc thông minh nhất thế giới. Nguyên do của điều này là bởi họ được dạy cách quản lý tài chính và kiếm tiền khôn ngoan từ nhỏ.

Chị Nguyễn Phương Lan hiện đang sống ở Mỹ, đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá từ mẹ chồng Do Thái. Mẹ bỉm sữa Việt tâm sự: "Phải nói là bản thân mình quá nể phục và muốn noi gương. Bất cứ cái gì mình mua cho con, đều đặt điều kiện và thử thách, mong con sẽ biết quý trọng những gì con may mắn có được".

Chị Lan cho biết, gia đình nhà chồng có 3 người con trai, cả 3 đều giỏi quản lý tài chính và có công việc ổn định. Người lớn nhất là bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật não cho trẻ. Người thứ hai là bác sĩ Nha khoa, có thêm bằng Cử nhân Luật. Người thứ ba là kỹ sư, làm việc trong ngành Dầu khí. 

Được biết, bố mẹ chồng là người gốc Nga và Áo, sinh trưởng trong gia đình Do Thái di dân tới Mỹ. Có thể vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, mẹ chồng chị dù đã lấy chồng là bác sĩ thành đạt, vẫn sống và dạy con tiết kiệm.

me-viet-hoc-lom-nha-chong-nguoi-do-thai-bi-quyet-day-con-tai-chinh
Mẹ bỉm sữa Việt học theo mẹ chồng Do Thái, dạy con về tiền từ sớm

Chị kể: "Ngay khi con còn rất nhỏ, bà hay dẫn con đến ngân hàng hằng tuần, cho con một ít tiền, bảo con tự tay nộp và nhận lại sổ tiết kiệm. Bà dạy con nấu ăn, không thuê người giúp việc, giao cho các con làm việc nhà, sửa chữa những thứ lặt vặt, đánh giày cho chồng. Tất cả những việc đó đều được bà trả tiền công, dĩ nhiên thấp hơn giá thị trường. 

Nhờ vậy mà cả ba người con đều trở thành những người chồng giỏi kiếm tiền và giỏi làm việc nhà. Ngay từ lúc 6 tuổi, chồng mình đã tự chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Bây giờ anh vẫn duy trì thói quen đó với vợ con".

Mẹ chồng chị không đi làm, nhưng bà lại dùng tiền chồng kiếm được để đầu tư. Bà thích chơi piano, thỉnh thoảng có tiền lại đi từ thiện. Bà giỏi đan móc lên, thích tự làm quần áo cho mình và các con. Đặc biệt, bà thích đọc sách và tiết kiệm, nhưng miễn là chi tiền cho gia đình và việc học của con, bà chẳng ngại gì.

Mẹ Việt nói thêm: "Bà cho con vay tiền (có yêu cầu trả tiền lãi, nhưng thấp hơn lãi suất ngân hàng) khi họ muốn mua nhà. Chính vì vậy, không có đứa con nào tị nạnh với nhau, đồng vốn lại được xoay vòng và tất cả các con được lựa chọn mua nhà như ý, phù hợp khả năng tài chính và phấn đấu của mỗi người. Bà chỉ thực sự cho hết tài sản sau khi bà mất đi và biết rằng các con đều ổn định về kinh tế".

me-viet-hoc-lom-nha-chong-nguoi-do-thai-bi-quyet-day-con-tai-chinh
Người Do Thái thường phân chia nhiệm vụ như sau: chồng là người lo tài chính, vợ ở nhà chăm lo việc nhà và dạy con

Chị Lan nhận định, đây là gia đình Do Thái kiểu mẫu đặc trưng. Chồng là người lo tài chính, vợ ở nhà chăm lo việc nhà và dạy con, dù cho mẹ chồng chị có bằng tốt nghiệp đại học và đi làm trước đó. Chị ấn tượng kể: "Có điều thú vị là, người con thứ hai, được giao quản lý và phân chia gia sản của cha mẹ, đã đi học luật để tìm cách hạn chế tối đa thuế thừa kế cho ba anh em. Không người con nào tị nạnh, tranh chấp mà tất cả đều tin tưởng vào sự phân chia tài sản thừa kế công bằng".

Từ những trải nghiệm bản thân sống trong gia đình Do Thái, chị Lan cũng rút ra nhiều bài học đắt giá. Chị có xu hướng thử thách và thỏa mãn nhu cầu của con với điều kiện. Nếu con tiết kiệm để mua thứ mình thích, chị khuyến khích con lên ngân sách kỹ lưỡng. Nếu chưa đủ tiền mua, dạy con cách lập kế hoạch để kiếm được tiền như làm việc nhà, làm việc tốt ở trường lớp...

me-viet-hoc-lom-nha-chong-nguoi-do-thai-bi-quyet-day-con-tai-chinh
Con có tiền tiết kiệm ống heo từ phần thưởng (không phải trả công) cho việc phụ rửa xe hơi, thực hiện các điều đã hứa/cam kết, học tốt ở trường, làm việc nhà...

Chị nói thêm: "Con có tiền tiết kiệm ống heo từ phần thưởng (không phải trả công) cho việc phụ rửa xe hơi, thực hiện các điều đã hứa/cam kết, học tốt ở trường, làm việc nhà... Một khi đã nhận được tiền này, con hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm với quyết định của con. Mình chỉ đưa ra gợi ý/lời khuyên và nghiêm cấm khi con mua đồ chơi không phù hợp hoặc nguy hiểm và thức ăn không tốt/có hại cho sức khỏe...".

Theo chị, con nên hiểu sự trả công theo phần thưởng là cách khuyến khích con làm việc nhà. Khi con làm tốt, công việc đó trở thành trách nhiệm, nên tất nhiên sẽ không được thưởng nữa. Khi con lớn hơn, chị sẽ cho con tiền trợ cấp hay tiền tiêu vặt để con tự cân nhắc, tính toán.

Chị Phương Lan tâm sự: "Mình hay nghĩ: Không có cách tốt nhất, mà chỉ là phù hợp nhất. Nên tùy cá tính của con, điều kiện gia đình... mà chọn cách dạy tương ứng. Có điều, như Suze Orman, chuyên gia tài chính của Mỹ nói: Việc sớm dạy con ý thức về cách kiếm tiền và tiết kiệm là rất quan trọng và mình hoàn toàn đồng tình".

Theo Nhịp sống Việt

Xem thêm: Trí tuệ làm giàu người Do Thái: Tâm niệm tiền chỉ là thứ yếu, bởi kiếm tiền là phục vụ người khác

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận