Người đàn ông hơn 20 năm phá núi đào đường vì tình yêu với người vợ đã khuất
Ông Dashrath Manjhi - một người đàn ông tại Ấn Độ đã bỏ công sức phá núi đào đường suốt hơn 20 năm vì thương nhớ người vợ qua đời vì không có đường đi tới kịp bệnh viện.
Trước kia, gia đình ông Dashrath Manjhi sống ở làng Gehlaur, Gây, Bihar, miền Bắc Ấn Độ. Ông Manjhi cùng nhiều người dân khác sống ở bên kia ngọn núi cao 100m, không điện, không nước, không cả trường học hay bệnh viện.
Cũng như tất cả mọi người trong làng, ông Manjhi làm việc phía bên kia ngọn núi, còn vợ ông - bà Phaguni sẽ mang cơm đến cho chồng vào buổi trưa. Do không có đường đi, họ đều phải đi vòng qua ngọn núi, mỗi chuyến đi mất tới vài ba tiếng.
Một ngày nọ, bà Phaguni trên đường đi đưa cơm đã không may vấp phải tảng đá, bị thương ở chân, bình nước mang theo cũng vỡ tan. Với đôi chân khập khiễng, bà cà nhắc đi tới chỗ chồng làm và bị muộn giờ. Thoạt đầu, ông Manjhi tỏ ra rất giận dữ, nhưng khi biết đầu đuôi sự việc thì ông cảm thấy rất thương xót cho người vợ của mình đang khóc vì vấp ngã trên đoạn đường xa.
Từ đó, Manjhi quyết định sẽ phá núi làm đường để vợ ông và người dân có thể đi lại dễ dàng hơn. Ông quyết định bán vài con dê của gia đình, sau đó mua một chiếc búa, đục và xà beng làm công cụ. Cứ thế, ông bắt đầu leo lên đỉnh và phá ngọn núi 100m chắn đường. Ông làm việc từ sáng sớm, sau đó đến giờ thì đi làm việc trên cánh đồng cho ông chủ. Đến tối, ông lại quay trở lại công việc phá núi, gần như không ngủ nhiều ngày trời để đào đường.
Ông Manjhi tâm sự: "Ngọn núi ấy đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Tôi không thể chịu được việc nó làm vợ tôi bị thương. Nếu tôi dùng cả cuộc đời mình để làm việc đó, sẽ có một con đường xuyên qua núi cho cả làng". Dân làng không khỏi nể phục trước quyết tâm của ông Manjhi, liền quyên góp đồ ăn giúp gia đình ông sinh sống. Cuối cùng, ông bỏ việc kiếm cơm của mình và dành toàn bộ thời gian cho việc phá núi.
Một lần nọ, bà Phaguni bị ốm, ông muốn đưa vợ tới gặp bác sĩ ở bên kia ngọn núi cách xa tới 75km. Không kịp đưa vợ tới bệnh viện, ông Manjhi đành chấp nhận nhìn người vợ yêu thương qua đời. Cái chết của bà Phaguni đã khiến ông Manjhi càng quyết tâm làm đường hơn cả.
Đó là công việc không hề dễ dàng, ông thường xuyên bị thương do đất đá rơi xuống. Những khi ấy, ông sẽ nghỉ ngơi vài ngày và trở lại với công việc. Xem lẫn việc đào núi, ông Manjhi cũng nhận thêm việc mang đồ cho mọi người giữa hai bên mặt núi với một khoản tiền công khiêm tốn để nuôi con.
Sau 10 năm cố gắng, một khe hở hẹp chia tách ngọn núi đã xuất hiện. Thấy vậy, người dân làng Gehlaur đã cùng nhau chung tay giúp ông Manjhi. Và cứ thế, sau 22 năm cố gắng, một con đường dài 120m, rộng 10m đã hiện ra, giúp người dân có thể qua lại dễ dàng hai bên núi.
Con đường đưa dân làng tới bên kia ngọn núi rút ngắn chỉ còn 5km. Trẻ em chỉ còn mất 3km đi bộ để tới trường. Những người dân ở 60 ngôi làng khác thuộc Atri cũng sử dụng con đường này để đi lại. Và từ đó, ông Manjhi được mọi người gọi là "Baba", một từ có nghĩa là người đàn ông đáng kính.
Chưa hết, ông Manjhi tiếp tục làm những việc phi thường để giúp đỡ người dân ở làng mình. Ông đi tới các cơ quan công quyền, gõ cửa và yêu cầu họ rải nhựa cho con người đất đá, mong muốn kết nối con đường đó với những tuyến đường lớn khác. Ông cũng đi từ làng Gehlaur tới tận thủ đô New Delhi, thỉnh cầu chính quyền để ngôi làng nhỏ của ông có đường mới, có nước sạch, có bệnh viện, có trường học.
Trước những nỗ lực phi thường của Dashrath Manjhi, chính quyền đã trao tặng cho ông một mảnh đất. Thế nhưng, người đàn ông ấy đã không ngần ngại mà trao tặng lại miếng đất cho bệnh viện. Ông Manjhi chia sẻ: "Tôi không quan tâm tới những giải thưởng, danh tiếng hay tiền bạc. Tất cả những gì tôi muốn là một con đường, một ngôi trường và một bệnh viện cho chúng tôi. Họ đã quá vất vả. Những thứ đó sẽ giúp ích cho những người phụ nữ và trẻ con trong làng".
Năm 2007, ông Manjhi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và qua đời không lâu sau đó. Ông được tổ chức lễ tang cấp nhà nước bởi Chính phủ Bihar. Ông Manjhi từng nói: "Tôi bắt đầu việc này vì tình yêu dành cho người vợ của tôi, nhưng tôi đã tiếp tục nó vì người dân. Nếu tôi không làm thì chẳng ai làm cả".
Câu chuyện của Manjhi đã trở thành chủ đề của một bộ phim tài liệu, truyền cảm hứng cho nhiều phương pháp kịch tính trong các bộ phim và truyền hình. Nhân vật dựa trên Manjhi đã xuất hiện trong bộ phim tiếng Kannada năm 1998 là Bhoomi Thayiya Chochchala Maga. Năm 2011, đạo diễn Kumud Ranjan tại Cục Điện Ảnh của Ấn Độ đã sản xuất một bộ phim tài liệu dựa trên cuộc đời ông có tên "The Man Who Moved the Mountain". Năm 2015, bộ phim "Manjhi - The Mountain Man" do đạo diễn Ketan Mehta sản xuất đã công chiếu và được người xem đón nhận nồng nhiệt.
Với thành tích của mình, ông Dashrath Manjhi đã được người đời gọi tên là "The Mountain Man" (Người đàn ông núi). Chính phủ Bihar cũng đã đề xuất đưa tên ông vào giải thưởng Padma Shree năm 2006 về lĩnh vực dịch vụ xã hội. Năm 2016, một con tem có in hình ông đã được bưu điện Ấn Độ phát hành thông qua series "Personalities of Bihar".
Người đàn ông suốt 15 năm cần mẫn trồng 10.000 cây xanh ở Ấn Độ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận