Chuyên gia tài chính về hưu sớm ở tuổi 35 tiết lộ 3 sai lầm khiến người nghèo khó tiết kiệm tiền
Steve Adcock là một chuyên gia tài chính nổi tiếng với câu chuyện về hưu sớm ở tuổi 35 cùng khoản tiết kiệm 1 triệu USD. Anh đã tiết lộ 3 sai lầm khiến người nghèo khó tiết kiệm tiền.
Steve Adcock là một cựu kỹ sư phần mềm, chuyên gia tài chính và blogger viết về cách đạt được tự chủ tài chính. Anh nổi tiếng với câu chuyện về hưu sớm ở tuổi 35 cùng khoản tiết kiệm gần 1 triệu USD.
Bí quyết kiểm soát tài chính của anh được nhiều tờ báo nổi tiếng đăng lại như Forbes, US News, Business Insider,... Triệu phú tự thân này đã chỉ ra 3 sai lầm khiến người nghèo khó tiết kiệm tiền:
"Năm 2016, tôi quyết định nghỉ công việc trong lĩnh vực phần mềm có mức lương 6 con số, về hưu sớm ở tuổi 35 sau khi tự chủ tài chính. 1 năm sau đó, vợ tôi (Courtney - 31 tuổi) cũng đã nghỉ hưu sớm như tôi.
Quyết định nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30 không phải là một điều dễ dàng. Chúng tôi đã phải lập ra kế hoạch quản lý chi tiêu hàng năm, đầu tư vào thị trường chứng khoán để tài sản liên tục sinh lời. Toàn bộ tiền lương của vợ tôi được dùng thẳng vào việc đầu tư, chúng tôi không hề động đến 1 đồng nào trong đó. Bằng việc đầu tư kết hợp với cắt giảm chi tiêu, gia đình nhỏ của tôi đã thực hiện kế hoạch nghỉ hưu sớm dự định.
Theo báo cáo của công ty dịch vụ bảo hiểm nhân thọ Ladder năm 2019, người Mỹ trong độ tuổi trưởng thành chi khoảng 1.497 USD/tháng cho những thứ không cần thiết. Số tiền này tương đương với khoảng 18.000 USD bị lãng phí mỗi năm. Đó là lý do khiến 78% người làm công ăn lương tại Mỹ đang "chật vật" đạt tự do tài chính dù có thu nhập tương đối ổn định.
Cắt giảm chi tiêu vừa là phương pháp tiết kiệm hiệu quả nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm, vừa là khởi đầu tốt cho con đường làm giàu. Đây là 3 sai lầm lớn khiến nhiều người không thể tiết kiệm đủ tiền dù có thu nhập ổn định:
Thường xuyên đi ăn ngoài
Theo một cuộc khảo sát khoảng 2000 người Mỹ, gần 70% trong số đó cho biết họ thường xuyên đi ăn nhà hàng. Hẳn nhiên, việc hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè ngoài nhà hàng rất tuyệt vời, nhưng chi phí của những bữa ăn này không hề rẻ.
Trước kia, vợ chồng tôi thường chi khoảng 750 USD/tháng cho việc đi ăn ngoài, khiến chi phí ăn uống tăng thêm 9.000 USD/năm. Khi cắt giảm khoản đi ăn nhà hàng và tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà, bạn có thể tưởng tượng vợ chồng tôi đã tiết kiệm được cỡ nào. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn dắt nhau ra ngoài ăn tối, nhưng chúng tôi thường cắt giảm đồ uống, món khai vị hoặc tráng miệng.
Đồng thời, vợ chồng tôi cũng không lãng phí đồ ăn thừa mà cố gắng cất trữ để dùng cho ngày hôm sau. Nhờ đó, chúng tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ và đổ vào đầu tư.
Nâng cấp điện thoại
Thật khó để chối bỏ sức hấp dẫn của những chiếc smartphone Apple hay Samsung thế hệ mới. Dù vậy, hầu hết các sản phẩm smartphone đều được cải tiến để có thể sử dụng trơn tru trong nhiều năm mà không gặp vấn đề. Việc mua một chiếc điện thoại mới không sai, nhưng chúng không làm thay đổi cuộc sống của bạn đến thế.
Trong hầu hết trường hợp, việc nâng cấp điện thoại chỉ nên thực hiện nếu cái bạn đang dùng bị hỏng hóc hoặc có sự cố. Tuy nhiên, bạn nên mang chúng tới cửa hàng sửa chữa để tiết kiệm chi phí, tốt hơn nhiều so với việc mua một chiếc điện thoại mới có giá ngàn đô.
Hai vợ chồng tôi đều dùng một chiếc điện thoại trong suốt 4 năm, tiết kiệm được khoảng 1.500 USD/năm nhờ việc không nâng cấp. Thay vì sở hữu món đồ công nghệ với tính năng tương tự điện thoại sẵn có, chúng tôi để số tiền đó để đầu tư chứng khoán.
Mua sắm
Theo báo cáo năm 2019 từ GOBankingRates, trung bình mỗi người Mỹ chi tới 1.866 USD/năm để mua sắm quần áo và phụ kiện. Việc bắt kịp xu thế thời trang không xấu, nhưng thời trang thường gắn liền với thời gian. Dù có bỏ ra cả ngàn đô cho một chiếc áo hay đôi giày hàng hiệu thì chúng cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời sau vài tháng, và khi đó bạn lại cần "nâng cấp" chúng. Trước khi xuống tay mua một món gì đó, hãy tự hỏi xem chúng có thực sự cần thiết không.
Quy tắc mua quần áo của tôi rất đơn giản: Hãy cố gắng mua ít hơn nhu cầu. Tôi chỉ mua những cần thiết, một khi đã mua thì tôi sẽ sử dụng nó cho tới khi chúng bị rách, hỏng hay không vừa nữa. Trung bình mỗi năm tôi chỉ tới trung tâm thương mại khoảng 2-3 lần, mua sắm từ 50-100 USD/lần."
Học cách quản lý chi tiêu như Bill Gates: Tiết kiệm như kẻ bi quan, đầu tư như người lạc quan
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận