Tủi hờn khi sống nhờ đất nhà vợ – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Tôi từng là trụ cột gia đình, từng được bố mẹ vợ quý mến. Nhưng giờ thì mọi thứ đã thay đổi, họ nhìn tôi như thể tôi là kẻ ăn bám, sống trên đất nhà họ, ăn cơm họ nấu, để con gái họ gồng gánh kinh tế gia đình.
Tôi làm công nhân giày da được gần 20 năm qua, đã quen với tiếng máy, bụi, mồ hôi,… Mỗi ngày đi làm về, soi mình trong gương tôi luôn cố mỉm cười động viên bản thân cố gắng hơn nữa để lo cho vợ con được cuộc sống đủ đầy.
Tôi được bố mẹ vợ chấp nhận cho cưới con gái ông bà cũng bởi tôi hiền lành, làm việc ở quê vợ. Ông bà muốn tôi lập nghiệp ở đây để vợ được sống gần bố mẹ.
Ngày cưới bố mẹ vợ cho chúng tôi mảnh đất nhỏ gần nhà ông bà để tiện bề qua lại. Khi ấy vợ chồng tôi thu nhập còn thấp nên được cho đất thì mừng lắm, ở gần nhà ngoại cũng có thêm người đỡ đần mỗi khi cần.
Tôi nghĩ có một ngôi nhà nhỏ, có vợ có con thế là đủ đầy, hạnh phúc rồi. Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi. Vợ tôi lên chức, thu nhập cao hơn tôi gấp mấy lần, công việc cũng bận rộn hơn trước nhiều. Còn tôi thì bao năm vẫn vậy, vẫn là anh công nhân giày da.

Cô ấy về muộn, tôi ở nhà lo cơm nước, đón con đi học về, rồi lại chở con đi học thêm. Cô ấy bận rộn, không có thời gian chăm sóc gia đình tôi cũng chẳng lời oán trách mà chỉ cố gắng san sẻ, đỡ đần mong cô ấy đỡ mệt mỏi.
Có lúc thương vợ, muốn chia sẻ áp lực công việc với vợ, nhưng vừa mở miệng vợ đã gạt đi: “Việc của em toàn con số, anh biết gì mà nói”. Tôi bảo vợ làm ít thôi để còn thời gian nghỉ ngơi thì cô ấy quắc mắt ngay: “Em không làm thì anh lo nổi cho cái nhà này à?”.
Tôi hiểu trong ý vợ tôi là kẻ kém cỏi, không lo nổi cho gia đình.
Dần dần vợ chồng tôi không còn nói chuyện với nhau nhiều như trước. Những bữa cơm cũng lặng lẽ trôi qua. Cô ấy không cáu gắt nhưng ánh mắt lại đầy sự xa cách. Trong lòng cô ấy tôi ngày càng nhỏ bé.
Tôi từng là trụ cột gia đình, từng được bố mẹ vợ quý mến. Nhưng giờ thì mọi thứ đã thay đổi, họ nhìn tôi như thể tôi là kẻ ăn bám, sống trên đất nhà họ, ăn cơm họ nấu, để con gái họ gồng gánh kinh tế gia đình.
Mỗi lần gia đình vợ có việc, người chị vợ giàu có luôn được nhắc đến đầu tiên. Chị ấy giàu, sẵn sàng cho người này, người kia vay vài trăm triệu trong cái chớp mắt. Còn tôi xuất thân ở quê nghèo, bố mẹ già yếu, vài triệu gửi lên cũng là cố gắng lắm rồi. Tôi chẳng giúp gì được nên bị nhà vợ coi thường. Họ hàng bên vợ cũng nhìn tôi với ánh mắt khinh khi, bảo tôi là “gã ăn bám”.
Càng sống lâu trong ngôi nhà này, tôi càng cảm thấy... đây không phải nhà mình. Dù chính tôi là người tự tay xây dựng, vun vén cho nó nhưng không có cảm giác thân quen. Tôi chỉ mong một cuộc sống yên ổn, có một mái nhà đúng nghĩa, một bữa cơm ấm áp bên những người thân yêu với sự sẻ chia, san sẻ. Nhưng đến cả điều đó, hình như tôi cũng đang đánh mất.
Có lúc, tôi nghĩ đến việc rời đi nhưng đi đâu? Trở về quê tay trắng, bỏ lại con cái bơ vơ, tôi không làm được. Tôi vẫn là một người cha, người chồng dù có là người chồng không xứng đáng trong mắt vợ.
Tôi viết ra những dòng này, không phải để than vãn. Mà chỉ để tự nói với chính mình, tôi muốn lựa chọn cuộc sống bình an như vậy, không sóng gió, không bon chen, không cần quá mệt mỏi để kiếm tiền.
Xem thêm: Không nghèo nhân cách – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Tin liên quan
Lúc đang đánh bắt cá ở bờ sông Bằng thuộc phường Ngọc Xuân, TP Cao Bằng, nghe thấy tiếng tri hô kêu cứu, bác Hà Thanh Toàn (1953) đã không quản ngại nguy hiểm lao xuống dòng nước cứu 2 cháu nhỏ bị đuối nước.
Trong ngàn vạn tội ác ở đời, ác nghiệp này là lớn nhất, báo ứng nặng nề vô cùng. Vì thế, nhất định phải biết để tránh xa nhé!
Dù không được đền bù tiền xe nhưng tôi vẫn thấy vui lạ kỳ vì họ đã không nói dối và càng không có ý định xù mình, dù họ nghèo nhưng nhân cách, lòng tự trọng rất cao.