Sống chung với bố mẹ chồng – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Sau 4 năm sống chung với bố mẹ chồng tôi cảm thấy cuộc sống bí bách, ngột ngạt vô cùng, ra ở riêng thì không được nên đành phải cơi nới thêm một phòng và nấu ăn riêng. Cũng vì việc ấy mà tôi bị hàng xóm nói ích kỷ, vô tâm.
Sau kết hôn, tôi sống cùng bố mẹ chồng trong một căn nhà 2 tầng. Trước khi về làm dâu, tôi được bố mẹ nhắc nhở, dạy dỗ rất nhiều điều khi ở chung, nào là phải biết điều, phải giữ lễ, nghe lời người lớn, không gây mâu thuẫn xích mích trong nhà. Tôi cũng đã rất cố gắng dung hòa cuộc sống gia đình nhưng thực tế không hề dễ dàng chút nào. Nhất là khi giữa tôi và bố mẹ chồng có quá nhiều khác biệt về giờ giấc, thói quen sinh hoạt,… đến cả bữa ăn cũng trở thành vấn đề có thể gây mâu thuẫn.
Tôi đi làm cả ngày không thể nấu cơm tối vì thường xuyên tăng ca về muộn. Mẹ chồng là người phụ trách toàn bộ chuyện cơm nước trong nhà. Áy náy về chuyện đó nên mỗi ngày trước khi đi làm về tôi đều nhắn tin hỏi mẹ chồng đã nấu nướng gì chưa, có muốn ăn thêm gì không để tôi mua bên ngoài hoặc tôi sẽ chủ động mua thêm đồ ăn sẵn về.
Bố chồng tôi bị bệnh gout, mẹ chồng thì bị tiểu đường, việc ăn uống phải kiêng khem nhiều thứ. Có hôm tôi thèm hải sản nhưng chồng bảo không mua được vì bố mẹ không ăn được, thế là tôi đành nhịn cơn thèm. Vài lần, tôi nói với chồng xin phép bố mẹ không ăn cơm nhà để vợ chồng ra hàng ăn cho thoải mái. Chồng dù ngại với bố mẹ nhưng vì thương vợ nên cũng chiều theo. Dù vậy, việc ăn ngoài cũng chỉ lâu lâu mới thực hiện được vì bố mẹ chồng không mấy vui khi thấy các con ăn ngoài.
Ngoài việc ăn uống của bản thân thì điều khiến tôi đau đầu nhất là việc ăn uống của con cái. Có lúc tôi muốn mua riêng món này món kia tẩm bổ cho con nhưng lại ngại bố mẹ chồng ý kiến nên đành thôi. Mà mua cho cả nhà thì tốn kém nhiều quá.

Chuyện không gian sống cũng là một vấn đề lớn. Chúng tôi và bố mẹ chồng cùng sống ở tầng 2, chỉ cần nói to một chút là ông bà liền nghe thấy. Thế là sau 4 năm cố gắng sống chung, tôi bàn với chồng sửa sang lại căn phòng dưới tầng 1 để chuyển xuống ở cho riêng tư. Chồng tôi cũng hoan hỷ với việc đó vì vừa không phải xa bố mẹ, lại vừa được “ở riêng”.
Đến khi chuyển xuống tầng dưới “ở riêng” tôi lại nhận thấy việc ăn uống vẫn phụ thuộc vào giờ giấc của ông bà thì không ổn nên lại bàn với chồng nấu ăn riêng để ông bà được tự do, thích gì ăn nấy, khỏi phải đợi chờ. Chồng tôi nghe vậy thì thấy cũng hợp lý nên bàn với bố mẹ. Ban đầu ông bà không mấy thoải mái nhưng khi nghe con trai đưa ra lý do thì cũng chấp nhận. Từ ngày được ăn riêng tôi thấy cuộc sống nhẹ nhõm hẳn khi không còn cảm giác bị soi mói xem hôm nay mua gì, có hoang phí hay không. Tôi cũng không còn cảm giác phải cố ăn uống cho phù hợp với khẩu vị người già, cũng không còn những lần áy náy vì để mẹ chồng nấu ăn mỗi ngày.
Chỉ có điều, khi biết chuyện chúng tôi sống cùng nhà với bố mẹ mà ăn riêng, hàng xóm và họ hàng nhà chồng lại nói tôi ích kỷ, sống không biết điều. Họ nói chúng tôi phận làm con thì phải ăn chung để tiện chăm lo sức khỏe cho bố mẹ. Ở chung một nhà mà người nấu trước, người nấu sau, người ăn trước, người ăn sau rồi để ông bà già lọ mọ thì không ra làm sao cả.
Nhưng tôi thực sự cảm thấy cuộc sống như vậy đang rất thoải mái, vui vẻ, bớt được áp lực cho cả vợ chồng tôi và bố mẹ chồng. Chẳng lẽ việc ăn riêng để phù hợp với sinh hoạt của gia đình cũng là sai sao?
Xem thêm: Khóc cạn nước mắt vì nhà chồng – Câu chuyện đáng suy ngẫm
Tin liên quan
Minh là một học sinh trung học với mơ ước trở thành bác sỹ để cứu người. Minh nuôi ước mơ của mình từng ngày từng ngày một...
Câu chuyện “Cây cầu vô dụng nhất thế giới” là bài học đắt giá mà thiên nhiên dành cho con người. Chỉ sau một cơn bão, cây cầu cứ ở đây nhưng chẳng mang lại lợi ích gì, đẹp hoàn hảo như chỉ để ngắm.
Cẩu vĩ tục điêu và Kê khuyển thăng thiên đều là hai câu thành ngữ nổi tiếng, ý nghĩa ẩn dụ của chúng bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa.