Trầm cảm vì chồng – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm
Vì thành kiến và sự ích kỷ mà suýt nữa tôi đã đẩy vợ vào tình huống nguy hiểm. Thật may bây giờ cô ấy đã vượt qua căn bệnh trầm cảm, sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Cách đây 1 năm tôi xin chuyển việc cho vợ về một công ty cổ phần gần nhà để làm dù trái ngành và vợ không muốn. Vợ tôi bảo chỗ làm cũ rất tốt, tuy có đi làm hơi xa nhưng mọi thứ đều thoải mái. Nhưng tôi gạt đi ý kiến của vợ, tìm kiếm sự ủng hộ từ người thân để thuyết phục vợ chuyển việc. Tôi phân tích cho vợ, bảo giờ con trẻ có thể đi xa được, chứ lớn hơn một tí chạy xe mỗi ngày gần 50km thì rất khó khăn.
Vợ tôi không thích nơi làm mới vì phải học việc lại từ đầu, đồng nghiệp cũng không thân thiện. Tôi lại không để tâm điều ấy lắm, cứ nghĩ gần nhà là tốt rồi còn làm việc thì một thời gian là quen thôi, với làm cũng chỉ để kiếm tiền, cần gì thân quen quá với đồng nghiệp.
Từ ngày chuyển sang nơi làm mới, áp lực từ tứ phía khiến vợ tôi ngày càng u uất, căng thẳng. Tôi nhớ khi ấy mỗi lần đi làm về cô ấy đều khóc, đêm đến thì trằn trọc không ngủ được. Lúc đầu khi vợ than phiền tôi còn động viên: “Em chịu khó một thời gian nữa là ổn thôi”. Nhưng lâu dần tôi bắt đầu chán ngán với những lời tâm sự của vợ. Tôi nghĩ cô ấy đang làm quá mọi chuyện lên.
Do tôi không chia sẻ, đồng cảm nên tình trạng của vợ ngày một sa sút. Đỉnh điểm chuyển việc được hơn 3 tháng, vợ tôi đã sụt mất 5kg và bày tỏ mong muốn được nghỉ việc. Tôi nghe liền giận dữ trách móc cô ấy: “Em đang được voi đòi tiên đấy. Có một công việc ổn định là mơ ước của nhiều người, tự dưng lại muốn nghỉ”.
Vợ tôi nghe xong liền khóc, nói trong làn nước mắt: “Em thấy mình khổ quá, em chán nản với mọi thứ, đi làm mà như cực hình, sức khỏe của ngày một sa sút”.
Không những phản đối, tôi còn đem chuyện vợ muốn nghỉ việc lên nhóm chat gia đình để nhờ mọi người khuyên nhủ thêm. Nào ngờ mọi người ùa vào trách móc vợ tôi. Chị gái của vợ nhắn: “Em yếu đuối vừa thôi, nợ nần chưa trả xong, con cái đang tuổi ăn tuổi học, nghỉ việc rồi lấy gì mà ăn”. Anh vợ thì mắng: “Lớn hết cả rồi, đừng hành xử như trẻ con thế kia”. Cha mẹ vợ cũng thất vọng bảo: “Nuôi ăn học bấy lâu giờ lại đòi nghỉ việc hóa ra thành công cốc à”.
Tôi không biết rằng mình đã vô tình đẩy vợ vào con đường trầm cảm. Chỉ đến khi phát hiện ra vợ tìm cách thắt dây trong nhà kho để tự tử tôi mới giật mình sợ hãi. Tôi đưa vợ đi khám tâm lý thì được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm mức độ 3, để thêm một thời gian nữa sẽ rất nguy hiểm. Khi ấy tôi hối hận vô cùng, việc tôi nghĩ là đơn giản nhưng lại quá nặng gánh đối với vợ. Tôi tìm hiểu thêm về chỗ làm của vợ mới thấy không chỉ mình vợ, mà trước đó nhiều người đã xin nghỉ việc vì không chịu được cơ chế làm việc. Vì thành kiến và sự ích kỷ mà suýt nữa tôi đã đẩy vợ vào tình huống nguy hiểm.
Vợ tôi nghỉ việc hơn một năm để điều trị bệnh, đến khi tình trạng đã cải thiện hơn. Cô ấy nói tôi là sẽ kinh doanh cà phê theo mô hình đem đi để kiếm thêm thu nhập. Tôi khuyến khích động viên vợ làm những gì mình thích và thoải mái nhất. Dù trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày vợ mình sẽ đứng ở đường bán cà phê, bởi đã quen với hình ảnh áo váy chỉnh tề đi làm công sở của cô ấy.
Sáng sớm vợ lại dọn hàng bán ngay trước nhà khoảng 3 tiếng và lượng khách ngày càng ổn định, thu nhập cũng nhờ đó mà tăng lên. Sau một thời gian vất vả gồng gánh kinh tế một mình, giờ đã có vợ sẻ chia cùng.
Tôi nhận ra, có những giai đoạn trong cuộc đời, vợ chồng cần dựa vào nhau để vượt qua sóng gió. Đôi lúc kết thúc một cánh cửa này lại mở ra một cánh cửa khác, cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, làm việc gì cũng được miễn kiếm ra đồng tiền chân chính.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận