Tìm vợ cho chồng – Câu chuyện nhân văn xúc động

Nuốt nước mắt, cắn răng dằn lòng, tự nguyện đội lễ tìm vợ cho chồng. Đến khi biết nguyên nhân phía sau ai cũng xót xa, ngậm ngùi cho một kiếp người.

Diệu Nguyễn
16:00 19/05/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau khi kết hôn, người phụ nữ lần lượt sinh ra những đứa con tật nguyền. Vì thương chồng, muốn giúp gia đình khỏi cảnh tuyệt tự, người phụ nữ quyết tìm vợ hai cho chồng. Và rồi một “hiệp nữ” xuất hiện, chấp nhận điều tiếng, làm vợ lẽ người cựu chiến binh lắm bệnh để gánh vác gia đình. Câu chuyện tưởng chừng như cổ tích ấy lại có thật tại xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Sau đám cưới vài ngày, ông ông Nguyễn Văn Thư (SN 1944, chồng bà Trương Thị Bích, SN 1946) tiếp tục vào chiến trường, thi thoảng nghỉ phép mới về thăm vợ.

Năm 1970, vợ ông Thư, bà Bích sinh con gái đầu lòng, nhưng từ lúc lọt lòng đứa bé đã ốm ngặt nghẽo, 5 tuổi vẫn chưa biết đi, tay chân thì teo tóp, co quắp cả lại. Đến năm 1974, bà Bích lại tiếp tục sinh đứa thứ hai. Đứa bé gầy yếu, nuôi được 1 năm thì mất. Đứa con thứ 3, thứ 4 của bà Bích cũng chịu số phận hẩm hiu như các anh chị. Tất cả đều không có trí khôn, sống đời thực vật.

Chồng bà Bích sau khi đi lính về trở thành thương binh, mắc nhiều bệnh, sức khỏe rất yếu, chẳng đỡ đần bà được việc gì. Bản thân bà cũng nhiều bệnh, lại phải gánh thêm ba đứa con tật nguyền với một mẹ già. Thấy bà lần lượt sinh ra những đứa con tật nguyền, gia đình chồng hắt hủi nói bà không biết sinh con, hàng xóm cũng nói ra nói vào. Một ngày, bà Bích nén lòng nói với chồng cứ đi lấy một người đàn bà khác, để còn có người lo hương khói sau này, bà chẳng dám oán một lời. Nhưng ông Thư một mực từ chối.

Tim-vo-cho-chong-cau-chuyen-nhan-van-xuc-dong
Hai người mẹ với những đứa con đầu tật nguyền của bà Bích (Ảnh: CAND)

Bà Bích nghĩ đến một ngày khi ông bà mất đi, ai sẽ chăm sóc những đứa con tật nguyền của mình. Vì thế, bà càng quyết tâm tìm vợ cho chồng, để có người gánh vác gia đình. Nói là làm, bà Bích đi khắp nơi phao tin “tuyển” những bà, những chị góa chồng tốt tính, có sức khỏe để chăm sóc chồng. Còn về mình, bà sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ để chăm sóc. Nhưng nghe đến một gia đình như thế, người ta đều sợ “chạy mất dép”.

Năm 1986, khi nghe mọi người nói ở xã Tuyết Nghĩa có một người phụ nữ không có chồng, tuổi đã lớn, gia đình nghèo khó nhưng có sức khỏe, chịu thương chịu khó. Thế là bà Bích hối hả đạp xe đến gặp và thổ lộ tâm tình. Sau một ngày tâm sự, bà Dương Thị Duệ (SN 1946) quệt nước mắt nói: “Đời chị đã khổ như thế, em cũng chẳng sung sướng gì, thôi em sẽ về giúp chị trông nom các cháu”. Khi biết tin, gia đình ông Thư phản đối kịch liệt, còn gia đình bà Duệ thì để mặc bà tự quyết. Còn bà Bích lúc đó một mực khẳng định với mọi người xung quanh: “Tôi sẽ làm cho gia đình đoàn kết, không để ai phải chịu thiệt cả!”.

Ngày cưới, ông Thư ốm nặng, thế là bà Bích một mình đạp xe đón bà Duệ về. Thế là, suốt bao nhiêu năm nay, họ ăn cùng mâm, cùng phục vụ chồng và chăm sóc những đứa con. Đôi khi, hai bà cũng tức nhau, tranh cãi vài câu nhưng xong rồi thì thôi, không ai để bụng, cũng chẳng cãi nhau to tiếng bao giờ.

Ông trời thương, cho 3 đứa con của bà Duệ với ông Thư đều thông minh, khỏe mạnh. Lúc biết tin bà Duệ có thai, bà Bích vui mừng khôn xiết, bà tranh làm hết những việc nặng nhọc để bà Duệ được dưỡng thai. Ngày đứa con đầu lòng của chồng và vợ hai bập bẹ gọi bà là mẹ, bà đã rơi nước mắt. Bà từng sinh 4 đứa con, nhưng chưa một lần bà được nghe tiếng gọi thân thương và thiêng liêng ấy. Từ nhỏ đến lớn, bà chỉ được nghe những tiếng ú ớ, tiếng cười hềnh hệch của các con. Thế nên khi nghe tiếng gọi mẹ cất lên từ đứa con đầu lòng của bà hai thì bà Bích biết sự hy sinh của mình có ý nghĩa.

Đã hơn mười hai năm kể từ ngày ông Thư ra đi vì di chứng chất độc da cam, hai người đàn bà ấy cứ lặng lẽ nương tựa vào nhau, làm lụng chăm sóc những đứa con của họ.

Theo Công an Nhân dân

Xem thêm: Dám làm dám chịu – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận