Người làm việc lớn không thể thiếu “4 thủ” này: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ thời và thủ tín

Người làm việc lớn thường uyển chuyển trong cách đối nhân xử thế, rèn luyện được “4 thủ” này sẽ giúp bạn thu phục nhân tâm, thành công sớm đến!

Diệu Nguyễn
08:05 08/05/2022 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1.   Người làm việc lớn phải “thủ ngu”: Người tài thường hay giải ngốc

Trong cuốn “Sử Ký” có ghi chép, Khổng Tử khi còn trẻ đã tới thỉnh giáo Lão Tử đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo ngược nhu”. Ý muốn nói rằng, một thương nhân khôn khéo thường là người rất biết cách che dấu khối tài sản của mình. Trông bề ngoài không ai nghĩ họ là người có nhiều tiền như vậy. Còn một chính nhân quân tử phẩm cách cao thượng lại là người rất biết giữ gìn cái đức, giấu cái tài của mình. Nên nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ họ ngốc nghếch, chậm chạp.

Nguoi-lam-viec-lon-khong-the-thieu-4-thu-nay-1

Phải biết bỏ đi cái kiêu ngạo và lòng tham, có như vậy mới trở thành thánh nhân, người làm việc lớn. Đây cũng chính là cái mà chúng ta thường gọi là “đại trí nhược xuẩn”, ý là người có tài thường trầm tĩnh, khiêm tốn nên trông có vẻ bề ngoài hơi ngốc.

“Giả hồ đồ” từ xưa đến nay luôn là một trong những đạo xử thế cao minh. Người giỏi luôn biết lúc nào nên thể hiện mình, lúc nào nên nói, lúc nào nên khiêm tốn, nên giả ngu. Làm người kỵ nhất là kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất, không chừa cho người khác đường lui. Quá “sắc bén” đôi khi lại dễ trở thành mục tiêu cho người khác ghen ghét, công kích.

2.   Người làm việc lớn phải “thủ tĩnh”: Đối mặt với vấn đề phải giữ bình tĩnh

Tĩnh từ trước đến nay luôn là một loại trí tuệ. Trong “Đạo đức kinh” có nói “Tĩnh vi táo quân", ý muốn nói, "tĩnh" có thể khắc phục sự nóng vội, bồng bột trong tính cách của con người. Còn trong cuốn “Đại học” cũng nói rằng “tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc", đại ý "tĩnh" là nền tảng của sự an định, của suy nghĩ chu toàn và cả sự đạt được.

Nguoi-lam-viec-lon-khong-the-thieu-4-thu-nay-3

Người xưa có câu “Tâm thu tĩnh lí tuần chân lạc, nhãn phóng trường không đắc đại quan", một người nếu nội tâm không "tĩnh" sẽ rất khó để suy nghĩ vấn đề. Người như vậy làm việc gì cũng nóng nảy, vội vàng, bốc đồng. Người an tĩnh luôn biết cách quan sát tỉ mỉ thời thế, biết tư duy sâu, tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất. Từ đó tìm được niềm vui đích thực, mở rộng được tầm mắt, tầm nhìn của bản thân.

Ở đời, chỉ những người biết cách “tĩnh” mới có thể phát hiện ra hạnh phúc và vẻ đẹp của cuộc sống. Người vội vàng, bước chân hối hả sẽ dễ bỏ lỡ những điều đáng quý. Trong cuộc sống, ai cũng phải trải qua thử thách, sẽ có lúc gặp phải khó khăn. Nhưng nếu giữ cho mình một tâm thái an định, thản nhiên với cuộc đời sẽ giúp bạn tìm lại được những khoảng lặng đẹp đẽ trong cuộc sống. Đồng thời, giúp bạn cân bằng được áp lực với cuộc sống hối hả, để rồi có cuộc sống tích cực và an yên hơn.

3.   Người làm việc lớn phải “thủ thời”: Quân tử gặp cơ hội phải xông lên

“Thủ thời” có nghĩa là biết nắm bắt cơ hội. Trong “Chu dịch” có nói: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thời nhi động”. Đại ý muốn nói rằng, người quân tử có tài năng hơn người nhưng không khoe khoang khắp nơi mà chờ đợi thời cơ thích hợp để thể hiện. Câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, ngày thường cần không ngừng trau dồi rèn luyện bản thân, đến khi thời cơ xuất hiện phải lập tức nắm bắt nó, thể hiện những gì mình “tu luyện” được ra.

Nguoi-lam-viec-lon-khong-the-thieu-4-thu-nay-4

Nắm bắt cơ hội, nắm bắt thời thế, tất cả đều là cái khách quan. Bởi chúng ta không thể tạo ra thời cơ, chỉ có thể làm tốt việc nên làm, đợi thời cơ xảy đến thì lập tức nắm bắt lấy nó, đây chính là “thủ thời”. Một người nếu biết thế nào là “thủ thời” nhất định là người làm nên việc lớn!

4.   Người làm việc lớn là người “thủ tín”: Cái nền cơ bản nhất của một người chính là giữ chữ tín

Trong “Luận ngữ” có nói: "Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt. Kỳ hà dĩ hành chi tài?”. Ý muốn nói, con người mà không biết giữ chữ tín, giữ lời hứa, cũng giống như xe mà không có cái chốt nối cây gỗ ngang với càng xe (xe ngựa thời cổ đại), không thể nào đi được.

Ở thời Xuân Thu, tại nước Ngô có một đại thần tên Ngô Quý Trát. Trong lần đầu tiên đi xứ nước Tấn, Ngô Quý Trát đã đi qua nước Từ ở phương Bắc. Vua nước Từ thấy thanh kiếm của Ngô Quý Trát thì rất yêu thích, nhưng ông lại không nói ra. Ngô Quý Trát trong lòng biết rõ điều này, như vì quãng đường đi sứ còn rất dài nên ông không tặng vua nước Từ thanh kiếm đó. Sau này, khi kết thúc cuộc đi sứ, Ngô Quý Trát lại đi qua nước Từ nhưng vua Từ lúc này đã qua đời. Thấy vậy, Ngô Quý Trát đã tháo thanh kiếm của mình ra rồi treo nó lên cành bên cạnh mộ của vua Từ.

Nguoi-lam-viec-lon-khong-the-thieu-4-thu-nay-5

 Tùy tùng đi theo thấy thắc mắc, liền hỏi ông: “Vua Từ đã qua đời rồi, thanh kiếm này là Ngài tặng cho ai?”

Ngô Quý Trát đáp rằng: “Không phải như vậy, năm xưa ta sớm đã quyết định sẽ tặng thanh kiếm này cho vua Từ, làm sao có thể vì Ngài ấy qua đời mà nuốt lời được chứ!”.

Ngô Quý Trát vốn chỉ âm thầm lập ra lời hứa với chính mình chứ không hề hứa hẹn trực tiếp với ai. Thế nhưng, ông vẫn hết mực thực hiện lời hứa ấy. Đọc câu chuyện này, có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi, bây giờ bao nhiêu lời nói ra, thậm chí là viết ra nhưng có mấy điều là thành hiện thực?

Giữ chữ tín, giữ lời hứa là cái nền cái gốc của mỗi người. Đường đường chính chính làm người, minh bạch trong làm việc. Tuyệt đối đừng bao giờ phá hoại sự tín nhiệm mà người khác dành cho bạn. Bởi lẽ, người ta tin tưởng bạn, trao hết niềm tin yêu cho bạn. Nhưng nếu bạn thất tín, tất cả sự tin yêu tín nhiệm ấy cũng sẽ mất theo. Mà một khi lòng tin mất đi rồi sẽ rất khó lòng mà lấy lại.

Xem thêm: Nguyên tắc thoát thân: Cách xử trí khó khăn đầy thông minh của người Do Thái

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận