Bố cộc cằn, nóng nảy ảnh hưởng đến chỉ số IQ của con
Sự phát triển và trí thông minh của trẻ phụ thuộc nhiều vào môi trường sống. Nếu bố mẹ cộc cằn, ít tiếp xúc với con, chỉ số IQ của con sẽ thấp hơn với các bạn đồng trang lứa.
Các nhà khoa học chứng minh rằng, môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trí thông minh. Theo đó, những đứa trẻ được bố quan tâm, yêu thương và chăm sóc thường xuyên sẽ sở hữu chỉ số IQ cao hơn hẳn. Ngược lại, nếu bố càng ít tiếp xúc với con, thường xuyên cộc cằn, nóng nảy, con cũng sẽ kém thông minh hơn so với bạn bè.
Vì thế, việc chăm sóc, yêu thương, giáo dục con cái là chuyện của cả hai vợ chồng. Các ông bố đừng bao giờ ỷ lại chuyện chăm con vào vợ. Cũng đừng bao giờ mang bức xúc, áp lực ở công ty về trút lên con trẻ.
Một tiến sĩ tại trường Đại học Harvard từng thực hiện một nghiên cứu. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ có ông bố cộc cằn, nóng tính, hay tức giận và quát mắng con, con sẽ có chỉ số IQ thấp hơn những bạn khác khoảng 12 điểm. Nguyên nhân được xác định rằng, tâm lý trẻ nhỏ rất mỏng manh, yếu đuối, tinh thần dễ bị tổn thương.
Khi bố thường xuyên quát mắng sẽ để lại bóng ma tâm lý trong con. Trẻ sẽ thường xuyên cảm thấy sợ hãi, lo lắng. Cơ thể cũng theo đó mà nảy sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Ngày ngày, cảm xúc tiêu cực càng thêm tích tụ. Trẻ luôn cảm thấy mình là một đứa trẻ hư, kém thông minh, thường xuyên phạm lỗi nên mới hay bị quát mắng như thế.
Những đứa trẻ hay có cảm giác tiêu cực sẽ ngày càng tự ti. Trẻ không bao giờ dám thể hiện bản thân, thể hiện quan điểm của mình trước mắt mọi người. Con càng ngày càng đánh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống, tương lai sẽ trở thành một người thất bại.
Điều đáng nói, ông bố cộc cằn, nóng nảy không chỉ ảnh hưởng xấu tới cảm xúc và chỉ số IQ của trẻ. Tính cách tiêu cực của người bố còn khiến trẻ bị tiêm nhiễm, sau này cũng trở thành một người cộc cằn và nóng nảy.
Bên cạnh đó, việc không thể gần gũi với bố khiến những đứa trẻ cảm giác không an toàn, thường xuyên sợ hãi lo lắng. Khoảng cách bố con cũng ngày càng xa cách. Cảnh tượng này chắc không ông bố nào mong muốn.
Vì vậy, những người mẹ, người vợ hãy tích cực động viên chồng thường xuyên trò chuyện và vui chơi với con nhiều hơn. Với những ông bố có tính cộc cằn, nóng nảy hoặc tệ hơn là thường xuyên la mắng con, hãy sửa đổi sớm nhất có thể. Nên tâm sự, lắng nghe con nhiều hơn, để con thể hiện quan điểm của mình. Tất nhiên, khi trẻ phạm lỗi các ông bố có quyền phê bình. Tuy nhiên, hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn, giải thích cho con hiểu. Lúc đó, trẻ sẽ biết lỗi sai của mình và thấu hiểu lời của bố mẹ.
Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra trên đời cũng muốn được bố mẹ yêu thương, quan tâm chăm sóc. Trẻ xứng đáng được trải qua một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc, được phát triển toàn diện về mọi mặt. Một vài lời quát mắng, thái độ hời hợt với bố mẹ chỉ là chuyện nhỏ, nhưng những đứa trẻ sẽ phải mất một thời gian dài để tự chữa lành những tổn thương.
Người xưa có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Thực tế, việc nuôi dạy con cái không hề dễ dàng, đó là cả một hành trình dài cần bố mẹ phải đồng tâm hiệp lực. Mỗi ngày, bố mẹ sẽ học hỏi thêm nhiều điều để hỗ trợ con phát triển một cách tốt nhất. Hãy là những người đồng hành vững chắc trên con đường trưởng thành của con.
Xem thêm: Cha mẹ hay nổi nóng, hậu quả của con cái sẽ ra sao?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận