Vì sao người thực sự thông minh sẽ không bao giờ tranh cãi hơn thua?

Trong giao tiếp giữa người với người, việc tranh luận đúng sai là điều không thể tránh khỏi được. Tuy nhiên, người thông minh thực sự sẽ không bao giờ tham gia vào những cuộc cãi vã vô bổ.

Loan Nguyễn
10:30 26/08/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vì đâu mà con người xảy ra cãi vã?

Mọi cuộc cãi vã ở đời đều bắt nguồn từ quá trình giao tiếp giữa người với người. Quá trình này chính là việc giải mã tín hiệu của đối phương. Mỗi người có hoàn cảnh, lập trường, kinh nghiệm, văn hóa... khác nhau, chính vì thế, khó tránh khỏi việc "đọc" nhầm những thông điệp của người khác trong giao tiếp

Vì giải mã không đúng những điều mà người khác truyền đạt nên chúng ta dễ hiểu nhầm họ và có những nhận định không chính xác. Cứ tiếp tục như vậy, việc giải mã những thông tin sau đó sẽ sinh ra những hiểu lầm mới. Càng lúc, mối quan hệ càng trở nên rối ren hơn.

Liên tiếp những sự hiểu nhầm khiến cảm xúc của con người giống như bị đổ thêm dầu vào lửa. Hai bên công kích và chửi rủa lẫn nhau, giao tiếp biến thành cãi vã.

Con người luôn đề cao và bảo vệ giá trị của bản thân. Vì thế, chúng ta thường có tâm lý đề phòng người khác đánh giá thấp hoặc phủ nhận đối với mình. Trong khi đó, ai cũng đều kỳ vọng được những người khác thừa nhận.

Khi cuộc cãi vã xảy ra, nhiều người chọn cách công kích về đạo đức và nhân phẩm nhằm nhanh chóng "hạ bệ" đối phương. Khi giá trị của bản thân bị ảnh hưởng, lúc này không còn là phân định ai đúng ai sai nũa, mà đã trở thành cuộc chiến công kích về nhân cách và bảo vệ nhân cách.

Điều đó dễ nhận thấy trong các cuộc cãi vã, đến mức độ nhất định, chúng ta không cãi nhau để phân rõ ai đúng ai sai mà chỉ là tranh giành hơn thua. Chúng ta bị cảm xúc của mình dẫn lối, vì thế, cãi vã thực ra là quá trình chúng ta đấu tranh với cảm xúc của bản thân.

vi-sao-nguoi-thong-minh-khong-bao-gio-tranh-cai-hon-thua-1

Khi chúng ta xảy ra cãi vã, kẻ thù thực sự không phải là đối thủ mà là cảm xúc của chính mình. Đây mới là kẻ thù lớn nhất trong mỗi con người. Cảm xúc chi phối khiến con người có nhiều hành vi kích động. Thậm chí, có thể gây ra hàng loạt những việc khiến hối hận cả đời.

Chính vì vậy, khi cảm thấy bản thân bị kích động, chúng ta tuyệt đối không nên vội vã đáp trả mà hãy rèn cho mình sự bình tĩnh. Hãy thử áp dụng cách kiềm chế cảm xúc cá nhân bằng cách đếm từ 1 đến 10, khi đã bớt cơn nóng giận mới tiếp tục giao lưu và trò chuyện.

Thế gian này không có cuộc cãi vã nào giành phần thắng

Con người cãi vã nhằm mục đích phân định đúng sai, tôi đúng, anh là người sai. Thế nhưng, họ không hiểu rằng, khi cãi nhau, thứ mà hai bên nhận được đều là thua cuộc.

Trên thế gian này, mọi cuộc cãi vã, không có người thắng, chỉ là ai thua thảm hơn ai mà thôi. Bản chất của cãi vã thực ra là dùng sai lầm của người khác để trừng phạt bản thân mình. Vậy cớ sao ta lại tự làm mình khổ sở? Người thông minh hiểu rõ điều này, vì thế họ chẳng bao giờ tham gia vào các cuộc cãi vã vô bổ. 

Sống ở đời, chỉ cần nhớ rằng, làm việc đừng quá tuyệt tình, tuyệt đối đừng bao giờ tùy tiện mở miệng làm tổn thương người khác. Lúc tranh cãi, hãy bàn đúng việc cần bàn, nói đúng trọng tâm vấn đề, đừng để bản thân rơi vào trạng thái mất kiểm soát.

Trước khi nói chuyện với ai đó, hãy tự hỏi câu bạn định nói có đúng trong tâm hay không. Đừng nói chỉ để cho sướng miệng mà bỏ qua cảm nhận của người khác. 

Trong giao tiếp, gặp phải tình huống đối phương hiểu nhầm thông điệp từ phía chúng ta. Để tiếp tục cuộc trò chuyện, bạn phải thật sự tỉnh táo. Chẳng hạn, khi đối phương bắt đầu nói: "Bạn thật là ích kỷ!". Nếu bạn phản kích lại: "Vậy anh thì sao? Anh thì có gì tốt đẹp?". Nếu bạn đáp lại như vậy, chẳng mấy chốc trở thành cuộc đấu tranh nhân cách.

Thay vì thế, hãy bình tĩnh và hỏi đối phương: "Sao anh lại cảm thấy vậy, tôi đã làm điều gì khiến anh cảm thấy như vậy sao?". Sau đó, tiếp tục lắng nghe tín hiệu tích cực từ phía đối phương. Chúng ta chỉ lựa chọn những tín hiệu tích cực từ đối phương, hãy bỏ qua những ngôn từ mang tính cảm xúc hóa.

Trong trường hợp đối phương có sự nhầm lẫn hoặc hiểu lầm, bạn nên giải thích đâu mới là sự thật chân chính. Hãy khiến đối phương nói ra chi tiết điều khiến họ bất mãn. Tóm lại, bạn phải tìm hiểu một cách chi tiết cụ thể vấn đề gây ra mâu thuẫn.

Khi chúng ta giữ thái độ bao dung độ lượng, bình tĩnh ôn hòa trong giao tiếp, người khác muốn mượn cớ nổi giận cũng khó. Cách giải quyết vấn đề khôn ngoan như vậy tốt hơn so với việc cứ cố gân cổ lên cãi nhau.

vi-sao-nguoi-thong-minh-khong-bao-gio-tranh-cai-hon-thua-2

Mọi việc ở đời chẳng có gì to tát, do con người tự chuốc lấy phiền não

Trong cuộc sống, sẽ khó tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy vô cùng đau khổ. Sau mỗi lần trải qua đau khổ, bạn sẽ thấy nội tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hãy cảm ơn những người khiến bạn đau khổ bởi họ đã giúp bạn trưởng thành hơn. Mọi nghịch cảnh ở đời vốn chỉ là để thử thách bạn. Ai hiểu thấu đạo lý này ắt cuộc sống ung dung, tự tại.

Bạn thấy đó, mọi việc ở đời vốn chẳng hề to tát, đều có cách để giải quyết. Chỉ khác biệt ở chỗ, con người chọn thái độ đối phó thế nào mà thôi. Có những người khi bị quấy nhiễu, hơi một chút là mở miệng chửi rủa người khác, chuyện gì cũng phải tranh luận đến cùng để nhận phần thắng về phía mình. Bạn đừng để ý đến họ, chỉ cần mỉm cười, vẫy vẫy tay, chúc họ gặp may mắn, rồi tiếp tục đi trên con đường của bạn, tin chắc rằng, làm như vậy sẽ khiến bạn thêm vui vẻ.

Cũng có những người không muốn cãi nhau với bạn. Hãy bình tĩnh, không phải họ không biết cãi nhau mà họ không muốn đặt mình vào trạng thái của một người nóng nảy. Đó mới là cách đối nhân xử thế của người thông minh.

Khi còn tồn tại quá trình giao tiếp giữa người với người thì sẽ khó tránh khỏi hiểu lầm. Cách duy nhất để chúng ta ngăn chặn cãi vã đó là phải học cách bao dung, biết đứng trên lập trường của người khác để suy xét vấn đề.

Trong giao tiếp, người thông minh thực sự sẽ có thể bỏ qua những bình luận tiêu cực từ đối phương, đồng thời có thể nhẫn nại quan sát, thậm chí có thể chăm chú tìm kiếm, khuếch đại ưu điểm của đối phương. Họ sẽ chẳng bao giờ mất thời gian vào những cuộc tranh cãi vô bổ, càng không chỉ trích nhân cách của người khác.

Xem thêm:Muốn cuộc sống hạnh phúc, hãy học cách phớt lờ đúng lúc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận