20 quy tắc đối nhân xử thế trong cuộc sống giúp tâm an nhiên

Hiểu được những quy tắc đối nhân xử thế sẽ giúp bạn luôn có tâm thái an nhiên và sớm đạt được thành công trong sự nghiệp.

Loan Nguyễn
14:25 20/05/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đối nhân xử thế là gì?

Đối nhân xử thế là cách đối xử với mọi người ở đời. Hành xử, ứng xử sao cho phải, cho vừa lòng người là chuyện không phải dễ dàng và mỗi người cần tu dưỡng hàng ngày.

Cổ nhân coi “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của một người là cao hay thấp. Năm đức ấy cũng được coi là nguyên tắc để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, sao cho hợp luân lý đạo đức.

“Thuyết văn giải tự” có ghi rằng: “Thiên địa chi sinh, tối quý giả dã”. Ý nói, “Nhân” là điều quý giá nhất, là giá trị cốt lõi bên trong con người. 

quy-tac-doi-nhan-xu-the-giup-an-nhien-va-thanh-cong-trong-cuoc-song-1

Khổng Tử cũng có rất nhiều cách lý giải về ý nghĩa của “nhân”. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về “Nhân”, Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?”.

Trọng Cung - một học trò khác của Khổng Tử hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cho rằng: “Những cái gì mà mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác - đó là đức hạnh của người nhân”.

Khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử giảng giải rằng: “Khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung; khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ dạ trung thành".

Trong “Luận ngữ Nhan Uyên”, khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cũng giảng rằng: “Nhân là yêu thương người khác!”.

Khổng Tử còn giảng: “Người nhân là người có thể làm cho năm điều đức hạnh phổ cập trong thiên hạ”. Năm đức ấy là ‘cung, khoan, tín, mẫn, huệ’. Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì mình thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tính thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân bố đức gia huệ thì mình sai khiến được người”.

quy-tac-doi-nhan-xu-the-giup-an-nhien-va-thanh-cong-trong-cuoc-song-2

Dùng lòng nhân từ để đối đãi nhau không chỉ đúng với xã hội ngày xưa mà còn được duy trì trong xã hội ngày nay. Trong cuộc sống có rất nhiều mối quan hệ tồn tại, nếu mỗi người chỉ biết đề cao lợi ích bản thân mà không thấy được quyền lợi của người khác thì sẽ xảy ra mâu thuẫn.

Nếu mỗi người biết quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khác thì không những bản thân thấy yên ấm, hạnh phúc mà cả cộng đồng sẽ có sự gắn kết bền vững.

Trong cuộc sống, người biết đối nhân xử thế luôn được mọi người xung quanh quý mến và tôn trọng. Đặc biệt trong công việc, họ đều là những người có mối quan hệ công sở tốt đẹp. Nhờ vậy, họ tập trung chuyên môn và nhận được nhiều hỗ trợ từ đồng nghiệp nên rất thuận lợi tiến đến thành công.

Quy tắc đối nhân xử thế trong cuộc sống

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là bản lĩnh.

2. Luôn đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu trong vị trí đó, bạn thấy đau, có lẽ người kia cũng sẽ cảm thấy như vậy.

3. Hãy cảm ơn người nói cho bạn biết khuyết điểm của bạn, chỉ có người nói cho bạn khuyết điểm của bạn một cách chân thành mới là người đối tốt với bạn.

4. Hãy tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được nhận điều đó, mà là vì bạn xứng đáng được hưởng bình yên.

quy-tac-doi-nhan-xu-the-giup-an-nhien-va-thanh-cong-trong-cuoc-song-3

5. Khi bạn tặng hoa hồng cho người khác, tay bạn tự khắc cũng sẽ thơm. Cần lĩnh hội được rằng “yêu người khác thực ra là yêu chính mình”.

6. Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hòa. Một lời độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn. Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc thật sự.

7. Đừng nên dễ dàng tin vào những gì bạn nghe, đừng tiêu xài hết tiền bạn đang có, không nên muốn ngủ bao lâu thì ngủ.

8. Thỉnh thoảng bạn cần đi xa, không phải để cho ai đó nhận ra vị trí của bạn trong lòng họ. Mà để chính bạn hiểu và nhận ra giá trị của chính bản thân mình.

9. Làm người phải tự tin, nhưng không được tự tin đến mức tự phụ. Làm người nên khiêm tốn, nhưng không được khiêm tốn đến mức đánh mất lòng tự tin của mình.

10. Duyên phận là một cuốn sách, nếu lật giở mà không để tâm sẽ bị lướt qua, đọc quá chăm chú sẽ khiến người ta rơi nước mắt.

11. Quản lý tốt cái miệng, không nên ăn nói hàm hồ, vì một phút vui vẻ nhất thời mà tùy tiện phát ngôn.

12. Bạn bè bạn sẽ không cần bạn phải giải thích gì cả, còn với kẻ thù thì dù bạn có giải thích bao nhiêu họ cũng chẳng tin đâu. Hãy cứ làm những gì mà thâm tâm bạn biết là đúng.

quy-tac-doi-nhan-xu-the-giup-an-nhien-va-thanh-cong-trong-cuoc-song-4

13. Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và hỏi: “Tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”.

14. Đừng cho rằng người khác có nghĩa vụ phải giúp bạn, hơn nữa còn đương nhiên như lẽ phải, dù sao người đó tồn tại không phải để hầu hạ bạn.

15. Hãy ghi nhớ ba chữ “trọng”: tôn trọng mình; tôn trọng người khác; giữ lấy tôn trọng, phải có trách nhiệm đối với hành vi của mình.

16. Cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho bạn khóc, bạn vẫn phải tìm một triệu lý do để giữ nụ cười.

17. Không tranh luận với kẻ ngốc, nếu không sẽ không thể biết rõ ai là kẻ ngốc.

18. Có ba thứ cần lãng quên: Tuổi tác, quá khứ và ân oán.

19. Những lời không nói được trước mặt, vậy cũng đừng nói nó sau lưng.

20. Có chuyện gì thì phải nói ra, đừng chờ đợi đối phương hiểu ra, vì đối phương không phải bạn, làm sao biết bạn nghĩ gì, đợi chờ nhiều, tới cuối cùng có khi chỉ nhận lại đau lòng và thất vọng, nhất là trong chuyện tình cảm.

Xem thêm: Ghi nhớ 15 lời Phật dạy để cuộc sống luôn an nhiên

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận