Dạy làm người trước, dạy làm việc sau: Nguyên tắc "vàng" trong giáo dục con trẻ

Cổ nhân cho rằng, muốn làm nên sự nghiệp lớn thì trước hết phải học cách làm người. Nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là "dạy làm người", rồi mới "dạy làm việc".

Loan Nguyễn
15:55 27/09/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Muốn làm nên sự nghiệp lớn, phải học cách làm người

Cha mẹ luôn chú trọng việc dạy kiến thức cho trẻ mà quên mất rằng việc dạy trẻ làm người cũng quan trọng không kém. Nếu cha mẹ làm tốt công việc dạy trẻ làm người thì nhiệt huyết trong trẻ sẽ ngày một nhiều lên, năng lực học tập cũng từ đó mà được phát huy. Còn nếu không thể dạy trẻ "làm người" được thì mọi sự giáo dục sẽ đều trở nên vô ích. 

Cổ nhân có câu: Muốn làm nên sự nghiệp lớn thì trước tiên phải học cách làm người. Giáo dục con cũng vậy, việc đầu tiên nên làm là "dạy làm người", sau đó mới "dạy làm việc". Đây chính là nguyên tắc cơ bản trong giáo dục một con người.

Đạo lý làm người, mỗi người sẽ có quan niệm khác nhau nhưng cha mẹ nên giúp con hiểu được bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội và quốc gia.

Trong gia đình, con cái phải biết vâng lời, biết ơn, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội thì phải lấy thiện đãi người, biết nghĩ cho người khác, không vì lợi ích của cá nhân mình mà làm tổn hại người khác. Là một người con tốt trong gia đình thì người đó nhất định sẽ làm một người có ích cho xã hội.

Xã hội hiện đại, nhiều bậc cha mẹ khi nuôi dạy con thường bỏ qua việc giáo dục đạo đức. Họ cho con đi học nhạc, học đàn, học vẽ, học toán từ rất sớm, dãi nắng dầm mưa đưa đón con vất vả vô cùng, khổ cho con khổ cho cả cha mẹ. Thế nhưng, ở trường nhiều trẻ vẫn là học sinh cá biệt. Chỉ coi trọng việc dạy kiến thức và kỹ năng mà xem nhẹ việc dạy làm người khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Đó cũng chính là nguyên nhân nảy sinh ra nhiều vấn nạn xã hội.

nguyen-tac-day-con-lam-nguoi-cha-me-nao-cung-nen-biet-1

Mục tiêu của giáo dục còn phải dạy đạo lý làm người

Tại một buổi xét tuyển sinh viên xin du học ở một trường đại học, các vị giáo sư trong quá trình phỏng vấn những sinh viên có thành tích thi cử xuất sắc đã có một đoạn hội thoại như thế này:

Giáo sư: "Em học tốt như vậy để làm gì?"

Sinh viên: "Dạ để kiếm tiền"

Giáo sư: "Em kiếm tiền để làm gì?"

Sinh viên: "Dạ để đi du lịch vòng quanh thế giới".

Giáo sư: "Ngoài chuyện đi du lịch em còn muốn làm gì khác không?"

Sinh viên: "Em muốn mua nhà".

Giáo sư: "Mua nhà để làm gì?"

Sinh viên: "Để em có một cuộc sống độc lập và tự do…"

Hội đồng phỏng vấn đã từ chối thẳng những sinh viên có câu trả lời như trên hoặc chỉ xoay quanh lợi ích bản thân. Theo nhận định của họ, không thể để những tư liệu giảng dạy quý báu và nguồn ngân quỹ của họ trở thành công cốc khi rơi vào tay những người chỉ có sự ích kỷ hèn mọn của cá nhân, không vì lợi ích xã hội, không biết đến sự cống hiến và đền ơn đáp nghĩa.

Tại cuộc phỏng vấn này, có một sinh viên mặc dù thành tích không cao bằng những sinh viên kia nhưng vì cô có những tố chất và quan niệm nhân sinh rất giá trị nên hội đồng tuyển sinh của trường đã quyết định trao học bổng cho cô.

Vị giáo sư phỏng vấn cô đã đưa ra lý do cô trúng tuyển là vì cô mong muốn cống hiến cho xã hội, biết cho đi một cách vô tư, không tính toán, đó là bản tính thiện lương đáng trân quý nhất của một con người.

Vị giáo sư này còn nói thêm rằng, ông để ý thấy khi cuộc phỏng vấn kết thúc tất cả mọi người đều đứng dậy rời đi, chỉ có cô ở lại sau cùng âm thầm sắp xếp lại ngay ngắn những chiếc bàn ghế bị xô đẩy lộn xộn.

Mục tiêu của giáo dục không chỉ dạy kiến thức cho con người, mà còn phải khiến họ trở thành người có giá trị biết cống hiến cho xã hội, biết lên tiếng và xả thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị quý báu của cội nguồn văn hóa. Đây chính là trách nhiệm của gia đình đối với xã hội và cũng chính là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái.

Cha mẹ đôi khi hao tâm tổn sức nuôi dạy con khôn lớn, chỉ mong con làm rạng danh dòng tộc. Nhưng khi con trưởng thành có cuộc sống riêng thì lại không hạnh phúc, cuộc sống không vui vẻ. Do đó, ngoài việc dạy con kiến thức thì điều quan trọng là phải dạy con "đạo lý làm người". Có như vậy thì thành công, hạnh phúc và vui vẻ mới tìm đến con cái chúng ta.

Cũng có phụ huynh cho rằng con vẫn còn nhỏ, nên cần học tập trước, còn "đạo lý làm người" sau này dạy cũng chưa muộn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu con trẻ ngay từ nhỏ đã không biết cách "làm người" thì lớn lên sẽ không biết phân biệt được phải - trái, thiện - ác, tốt - xấu và tất nhiên cũng không biết đến các chuẩn mực đạo đức và hành vi. Nếu những quan niệm lệch lạc đó ăn sâu vào tâm thức của con trẻ, khi trưởng thành trẻ sẽ không tránh khỏi thất bại trong cuộc sống.

nguyen-tac-day-con-lam-nguoi-cha-me-nao-cung-nen-biet-2

Phẩm chất đạo đức chính là giấy thông hành của một người

Một bà mẹ mỗi khi đi chợ đều cho con gái mình đi theo. Ngoài chợ, người ta bày hàng hóa la liệt mà đôi khi không có người trông coi, cô bé liền cầm lấy một thứ.

Dù phát hiện ra sự việc nhưng người mẹ không nói gì vì nghĩ con chỉ cầm chơi một lát. Về tới nhà, người mẹ phát hiện ra món đồ vẫn còn ở trong tay cô con gái. Thay vì bảo con mang trả lại đồ thì người mẹ lại tỏ ra vui vẻ, âu yếm đầy khích lệ. 

Sau này, mỗi lần đi chợ với mẹ, hễ tiện tay là cô bé lại ăn cắp một món đồ nào đó. Về sau, cô bé trở thành người có tật ăn cắp vặt, bất kể là của ai, chỉ cần có cơ hội là cô lấy trộm.

Có lần, cô bé ăn cắp đồ của bạn thì bị phát hiện, các bạn liền thưa với thầy cô giáo. Ngoài việc phê bình cô học trò, thầy giáo đã mời phụ huynh đến để nói chuyện. Lúc này, mẹ của cô bé rất bối rối, bấy giờ người mẹ mới nhận ra rằng, ngay từ đầu không nên cổ vũ con làm những chuyện như thế.

Phẩm chất đạo đức chính là giấy thông hành để một người hòa nhập xã hội. Sự nghiệp của con trẻ có thành công hay thất bại, cuộc sống có hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào hai từ "đạo đức".

Vì thế, dạy trẻ đạo làm người ngay từ khi còn nhỏ là nhiệm vụ quan trọng nhất của các bậc cha mẹ. Đây cũng là điều cần thiết nhất trong giáo dục và là nhân tố cơ bản để con trẻ có một tương lai tươi sáng. Một người có đạo đức tốt thì bản thân họ sẽ có những động lực và mục tiêu phấn đấu riêng, cuộc sống sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn.

Cách "dạy con làm người" của G. Kingsley Ward

Kingsley Ward đã dùng bốn mươi năm kinh nghiệm của mình để đúc kết nên nội dung của cuốn sách "Những bức thư của người cha doanh nhân gửi con trai". Ông coi đó là tài sản quý giá nhất mà con ông nhận được.

Trong cuốn sách này, ông viết: "Cha để lại cho các con những nguyên tắc nhân sinh của bản thân mình, hy vọng các con có thể cảm nhận điều đó cùng cha:

Nguyên tắc 1: Thái độ lạc quan,

Nguyên tắc 2: Lập mục tiêu cho bản thân,

Nguyên tắc 3: Kiên trì, bền bỉ,

Nguyên tắc 4: Thái độ nghiêm túc, thành thật,

Nguyên tắc 5: Xây dựng một đội ngũ của riêng mình,

Nguyên tắc 6: Nhanh chóng đưa ra quyết định,

Nguyên tắc 7: Sống tới già, học tới già,

Nguyên tắc 8: Coi trọng sức khỏe, 

Nguyên tắc 9: Ngoài sức khỏe, gia đình là tài sản quan trọng nhất".

Trẻ em sẽ là công dân tương lai của đất nước, của thế giới. Trẻ sau này cũng sẽ trở thành cha mẹ, sẽ gánh vác trọng trách dạy dỗ con cháu, đồng thời là chỗ dựa của cha mẹ khi về già. Việc dạy dỗ trẻ đúng đắn ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp cha mẹ có những năm tháng tuổi già hạnh phúc.

Nếu cha mẹ không coi trọng việc dạy trẻ đạo lý làm người là một việc làm thiếu trách nhiệm đối với xã hội, đối với đất nước và với chính bản thân mình. Hậu quả, cha mẹ sẽ có một tuổi già đầy vất vả và gian nan.

Xem thêm: 4 kiểu người mẹ dễ nuôi dạy nên những đứa con bất tài, bướng bỉnh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận