Cổ nhân dạy: Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc

“Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc”, đó là cách đối đãi giữa vợ và chồng. Người vợ kính yêu người chồng, người chồng quý trọng người vợ, đôi bên cùng tôn kính lẫn nhau, không xuề xòa, không thất lễ.

Nguyễn Thanh Thủy
19:00 03/05/2021 Nguyễn Thanh Thủy
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nói đến mối quan hệ vợ chồng thời cổ đại, rất nhiều người có cách nghĩ rằng đó là mối quan hệ giữa người bề trên và người bề dưới, người chồng ở trên cao, ăn trên ngồi trước, người vợ khúm núm ở bên dưới, khom lưng khụy gối hầu hạ người chồng. Đó thực ra là cái nhìn sai lầm, bởi đạo vợ chồng mà cổ nhân coi trọng không phải như vậy mà chính là vợ chồng “tương kính như tân”. 

Chồng và vợ “tương kính như tân” – là mỗi lời hứa đều được ghi nhớ bằng tấm lòng, và được thực hiện, từ chuyện nhỏ bé tí xíu, đến chuyện hệ trọng quyết định cả một tình yêu, cả một hạnh phúc… vì đó là tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người chia sẻ cuộc đời với mình…

chia-khoa-vang-trong-hon-nhan-vo-chong-tuong-kinh-nhu-tan
Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc

Thời Xuân Thu, Tấn Văn Công nổi danh là một trong Ngũ Bá (5 vị bá chủ). Em trai của ông là Tấn Huệ Công có thầy giáo tên Khích Nhuế. Sau khi Tấn Huệ Công qua đời, Tấn Văn Công về triều chấp chính, không nhường quân vị cho con trai của Huệ Công.

Khích Nhuế vốn phụng sự Tấn Huệ Công lo sợ sẽ bị Tấn Văn Công hãm hại, bèn cùng một lão thần bí mật âm mưu sát hại Tấn Văn Công, nhưng sự việc không thành. Khích Nhuế bị xử tử, cả gia tộc của ông cũng bị giáng thành thường dân. Một ngày nọ, Cữu Quý, một vị quan đại thần của Tấn Văn Công phụng mệnh đi tuần, trên đường đi ngang qua vùng Hà Bắc, gặp một nam thanh niên đang làm cỏ ngoài ruộng. Cữu Quý nhận ra người này chính là con trai của Khích Nhuế, Khích Khuyết.

Lúc này, vợ của Khích Khuyết đem cơm trưa ra ngoài ruộng, hai tay bưng lấy cơm, kính cẩn mà đưa cho chồng; người chồng cũng trang trọng mà nhận lấy cơm canh, cung kính chúc nhau, cảm ơn ân huệ của trời xanh, sau đó bắt đầu dùng bữa.

chia-khoa-vang-trong-hon-nhan-vo-chong-tuong-kinh-nhu-tan
Vợ chồng “tương kính như tân”

Trong lúc Khích Khuyết đang dùng cơm, vợ của ông đứng cạnh bên, cung kính đợi ông ăn xong, sau đó dọn dẹp chén bát. Trong suốt thời gian này, cả hai đối đãi đoan trang lễ phép như khách. Cữu Quý về triều, gặp Tấn Văn Công trịnh trọng tiến cử Khích Khuyết, nói: “Tôn trọng người khác là biểu hiện điển hình của đức hạnh. Khích Khuyết tôn trọng người khác, nhất định là người có đức hạnh. Xin quân vương trọng dụng ông ta”.

Tấn Văn Công có chút không yên tâm, dù sao cha của Khích Khuyết là Khích Nhuế từng âm mưu tạo phản, tuy vậy Văn Công vẫn trọng dụng Khích Khuyết. Tấn Văn Công bổ nhiệm Khích Khuyết làm Hạ quân đại phu.Thời kỳ Tấn Tương Công, Khích Khuyết trên chiến trường lập được công lớn, chiến thắng trở về, Tấn Tương Công đem đất Ký ban cho Khích Khuyết. Cữu Quý cũng nhờ tiến cử Khích Khuyết mà xem như lập được công.

Về sau, Khích Khuyết trở thành trọng thần của nước Tấn, thay Triệu Thuẫn lo liệu triều chính. Khích Khuyết cũng là Tổ tiên của họ Ký.Có câu thành ngữ: “Tương kính như tân”, ý nhắc đến câu chuyện phu thê tôn trọng lẫn nhau của Khích Khuyết và vợ.

Có lúc mọi người hiểu nhầm rằng chỉ cần mối quan hệ của hai người tốt đẹp, thì gọi là tương kính như tân. Thực ra là do không biết điển cố trong câu thành ngữ này, từ mấy ngàn năm nay, đó là từ ngữ chỉ mối quan hệ phu thê ở cảnh giới tốt đẹp nhất.

Tương kính như tân có phải là kính trọng nhau như khách mà giữ khoảng cách? Đương nhiên không phải, tương kính như tân chính là vợ kính yêu chồng, chồng quý trọng vợ. Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ.

Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái”  thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái”  cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão.

Cho nên, vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân”, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.

Thấm thía lời dạy của cố nhân: "Chọn vợ không chọn gái ngẩng đầu, lấy chồng không lấy trai cúi mặt”

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận