Việc tốt quanh ta: Mang hơi ấm của mẹ những đứa trẻ bị bỏ rơi
Căn phòng 20m2 là cơ sở bảo trợ trẻ em, Trung Trinh quấn vải chun ngang ngực, đưa tay đón một trẻ sinh non, áp bé vào người mình để da chạm da.
Hơi thở chị chậm lại khi cảm nhận đôi tay bé xíu khẽ cựa, mắt khép và thiếp dần vào giấc ngủ.
Đây là lần thứ hai chị Trinh (33 tuổi) gửi đứa con bốn tháng tuổi của mình ở nhà để chạy xe 15 km đến Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, phường Long Trường, TP Thủ Đức ấp cho những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bằng phương pháp Kangaroo (da chạm da).
Chị là một trong 10 mẹ tình nguyện đang ấp ba bé sinh non 30, 31 và 35 tuần tuổi theo lời kêu gọi giúp đỡ của chị Ngô Thủy (36 tuổi), một chuyên viên chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở TP HCM.
Chị Thủy kể, sau khi bị mẹ bỏ rơi, ba em bé được các tình nguyện viên tiếp nhận, đưa vào điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM hai tháng trước. Trong số này, một bé chào đời với cân nặng chỉ 1,1 kg, bị nhiễm trùng máu, phổi không giãn nở. Một bé bị hoại tử phải cắt 60 cm ruột, sử dụng hậu môn giả. Sau khi điều trị ổn định, các em được xuất viện và chuyển về Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.
Ngày 16/10, chị Thủy đến viện đón ba đứa trẻ bé xíu được đưa ra khỏi lồng ấp trong tình trạng da mỏng và tái nhợt. Rút ống xông hỗ trợ thở oxy, chị bắt đầu đút những muỗng sữa non đầu tiên cho các bé.
Bản năng làm mẹ của người phụ nữ 36 tuổi trỗi dậy. Chị đến Bệnh viện Từ Dũ mua vải địu con và đến ấp các bé theo phương pháp Kangaroo một tuần vài lần. Đây là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non bằng cách cho tiếp xúc da kề da trước ngực mẹ, giúp các bé ổn định nhịp tim, hệ tiêu hóa, ngủ ngon giấc và điều hòa thân nhiệt.
Nhưng công việc bận rộn và phải ấp ba bé cùng lúc khiến Thủy phải nhờ thêm người người hỗ trợ. Trong vài giờ, bài đăng trên mạng xã hội của chị nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng và 10 bà mẹ đang nuôi con nhỏ tình nguyện đến thay chị ấp các bé. Họ lập nhóm để phân công nhau thay phiên, mỗi lần một đến ba tiếng, tùy thời gian rảnh của mỗi người. "Họ không nề hà xa xôi và đến với trái tim người mẹ", Thủy kể.
Cùng với chị Trung Trinh, chị Huỳnh My, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, cũng đến chăm các con. Chị nói bản thân xúc động khi bước vào căn phòng có gần chục em bé nằm trong nôi. Cô bảo mẫu không thể quán xuyến hết nên có lúc chúng thức giấc và tự chơi. Chị áp sát đứa trẻ sinh non khát bầu sữa mẹ vào lồng ngực, nhớ đến con gái một tuổi ở nhà, cũng rất thích được ôm và xoa lưng cho dễ ngủ. "Tôi thương bé thiệt thòi từ lúc lọt lòng nên muốn truyền chút hơi ấm của mình", My nói.
Chị Ngọc, ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8, nơi cách cơ sở 30 km tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần để đến ấp bé. Mỗi khi các em cựa mình thức giấc, Ngọc massage, thay tã, cho bé uống sữa non.
Chị Ngô Thủy cho biết, họ đã góp tiền để tặng tủ đông trữ sữa non riêng cho các bé. Sữa được xét nghiệm kỹ càng. Sau hai tuần được các mẹ thay nhau ấp, da của ba đứa trẻ đã hồng hào, ăn sữa ngon và tăng cân. Họ dự định kết thúc công việc khi các bé cứng cáp như những đứa trẻ bình thường chào đời lúc 40 tuần tuổi khác.
Bà Võ Dung Hạnh, quản lý cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, cho biết từ năm 2010, cơ sở đã cưu mang trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Họ tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sinh non trong tình trạng sức khỏe yếu, có em da tím tái và nhiễm trùng nặng. Chị Ngô Thủy là một tình nguyện viên đồng hành với cơ sở trong hoạt động xin sữa non từ các mẹ mới sinh cho bé.
Hai tuần trước, cơ sở tiếp nhận ba trường hợp trên và được chị Thủy gợi ý chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo. Bà Hạnh đánh giá cao sự hỗ trợ của tình nguyện viên từ khắp TP HCM và nhìn thấy sự chuyển biến tích cực của các em.
"Chúng tôi hy vọng những tình thương đầu đời giúp các em phát triển mạnh khỏe", bà Hạnh nói.
(Theo VnExpress)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận