Shipper U80 từ chối nhận giúp đỡ, lý do đằng sau khiến nhiều người xúc động
Thấy ông cụ đã gần 80 tuổi vẫn làm shipper (người giao hàng) để nuôi con con ăn học, cộng đồng mạng kêu gọi ủng hộ tiền nhưng ông kiên quyết từ chối, bảo rằng: "Tôi còn sức khỏe thì còn cố gắng lao động để nuôi con".
Những ngày qua, mạng xã hội lan tỏa bức ảnh người đàn ông tóc bạc trắng làm shipper, đứng nhận hàng dưới cái nắng oi bức ở TP.HCM kèm bài viết với nội dung: “Trưa nay, em đặt shipper đến nhận hàng để giao khách. Lúc tài xế nhận cuốc xe, em xem hình trên ứng dụng thì thấy một người đàn ông tóc bạc trắng.
Đến lúc gặp ở ngoài, em nhìn bác còn thấy thương hơn. Làn da sạm đen, người gầy gầy, tay chân nhem nhuốc. Bác cầm điện thoại bấm mà tay run run. Bác khoảng chừng 76 – 78 tuổi rồi.
Hôm nay, nắng chói chang mà bác lớn tuổi vẫn chạy xe ngoài trời. Em hỏi sao con cái cho bác đi làm, thì bác thì thào rằng cố gắng làm để nuôi con trai học lớp 12”.
Bài viết nhận về lượt tương tác lớn, cư dân mạng để lại nhiều bình luận bày tỏ sự xúc động. Thậm chí dưới bài đăng nhiều người còn chủ động xin số điện thoại của ông để ủng hộ ít tiền hoặc đặt cuốc xe.

Chủ nhân của bài viết là chị Trần Thanh Vân, sinh sống ở TPHCM. Chị Vân kể, khoảng 14h30 ngày 23/6, chị đặt shipper để giao hàng cho khách. Thấy bác tài xế lớn tuổi vẫn miệt mài dưới cái nắng trưa nên chị trò chuyện và biếu thêm một ít tiền.
Sau đó, chị Vân chia sẻ câu chuyện và hình ảnh của ông với em gái, vì muốn ông có thêm đơn hàng và muốn lan tỏa câu chuyện về tình cha con ấm áp. Ít phút sau, em gái của chị đăng tải hình ảnh của ông và viết vài dòng tâm sự. Không ngờ bài viết của em gái chị Vân nhận về lượt tương tác lớn, lan tỏa trên khắp các nền tảng mạng xã hội.
“Nhiều người gọi cho ông để ủng hộ tiền hoặc đặt cuốc xe nhưng ông đều từ chối. Ông rất thẳng thắn và tự trọng. Ban đầu, tôi cũng vô tư chia sẻ câu chuyện, mong ông có thêm thu nhập. Bây giờ nghĩ lại, tôi sợ việc mình làm có thể đã gây phiền hà cho ông”, chị Vân tâm sự.
Qua tìm hiểu, ông lão shipper trong câu chuyện do chị Vân chia sẻ tên Đ.T.L. (76 tuổi, TPHCM).
Ông L. cho biết, những ngày qua, có nhiều người gọi điện, mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ ông. Tuy nhiên, ông chỉ xin ghi nhận tấm lòng của mọi người và từ chối nhận tiền ủng hộ.
“Hoàn cảnh của tôi khó khăn từ trước đến giờ chứ không phải mới đây. Tuy nhiên, tôi thấy như vậy cũng bình thường. Người ta sống được thì gia đình tôi cũng sống được. Tôi còn sức khỏe thì còn cố gắng lao động để nuôi con. Tôi còn làm được, nên vẫn có thể chăm lo cho cuộc sống cho gia đình của mình. Tôi sợ câu chuyện ồn ào trên mạng xã hội gây ra những hiểu lầm không đáng”, ông L. bộc bạch.
Thời trẻ, ông L. làm lái xe container, đến hơn 40 tuổi thì xin làm bảo vệ. Ông lấy vợ trễ, sinh con mọn khi tuổi đã cao. Từ lúc con trai đi học, ông thấy công việc bảo vệ phải tuân thủ quy định giờ giấc, không tiện đưa rước con nên chuyển qua làm xe ôm, rồi làm shipper giao hàng.
Ông nói: “Khi vào nghề shipper, tôi đăng ký giao hàng ở TPHCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu... Tôi hay nói vui, nghề shipper như con trâu cày ruộng ngoài đồng, trời nắng thì mệt, chứ mưa thì mát mẻ. Trời nắng, đi đường dài thấy mệt là tôi tấp vào bóng mát nghỉ ngơi, uống nước cho lại sức rồi đi tiếp. Nếu trời mưa, tôi mặc áo mưa, che chắn cho hàng hóa khỏi ướt rồi cứ thế chạy đến nơi cần giao".
Ở nhà, vợ ông L. làm giúp việc với mức lương ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, ông khẳng định dù thu nhập còn bấp bênh nhưng vợ chồng ông vẫn đủ chắt chiu nuôi con ăn học.
Được biết, ông L. có một người con trai duy nhất năm nay 17 tuổi. Thấy bố mẹ vất vả, em nhiều lần xin ông L. cho mình đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Nhưng ông L. không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành và tương lai sau này của con. "Cháu học cũng khá nên tôi không cho đi làm. Tôi lo khi đi làm thêm, cháu sẽ chểnh mảng khiến kết quả học tập kém đi", người cha U80 nói.
Xem thêm: Người cha 40 tuổi quyết tâm thi tốt nghiệp THPT để làm gương cho con
Tin liên quan
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.
Chỉ cao 1m25, nặng chưa tới 30kg, nam sinh “tí hon” - Nguyễn Văn Thiện, học sinh lớp 12 trường Trường THPT Krông Bông (Đắk Lắk) khiến cả phòng thi bất ngờ vì vóc dáng bé nhỏ như học sinh tiểu học.
Mang theo niềm tin của mẹ và cuốn sổ hộ nghèo vào thành phố, nam sinh Nguyễn Nhật Trường (22 tuổi) đã nỗ lực vừa học vừa làm, tốt nghiệp sớm Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM với bằng xuất sắc.
Bài mới

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.