Bốn thuyết khác nhau về cái chết đầy bí mật của Trần Cảo - vị vua bù nhìn do Lê Lợi dựng lên

Với chủ trương giải phóng đất nước ít tốn xương máu nhất, Lê Lợi đã lập Trần Cảo làm vua. Tuy nhiên, chỉ 1 cái chết của vị vua bù nhìn này mà Toàn thư có đến 4 thuyết khác nhau. Điều này đủ thấy đây là 1 việc rất nhạy cảm, bí mật.

Đỗ Thu Nga
07:00 24/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Cảo là ai?

Trần Cảo (? - 1428), tên thật là Hồ Ông (hoặc Trần Địch), không rõ là người ở đâu. Trong bộ sách sử triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám mục do phải kị húy nên chép ông là Trần Cao (陳高), nhưng có dùng mở chữ (拆字法 sách tự pháp) để miêu tả chữ phải kị huý là "cựu thượng tòng nhật, hạ tòng cao" (舊上從日, 下從高), nghĩa là trước đây viết bên trên là bộ Nhật (日), bên dưới là bộ Cao (高), tức chữ Cảo (暠).

tran-cao-la-ai-ma-khien-quan-he-giua-le-loi-va-tran-nguyen-han-ran-nut-8
Thân thế của Trần Cảo vẫn còn nhiều điều bí ẩn (Tranh minh họa)

Còn theo Đại Việt Sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử, Trần Cảo vốn tên Hồ Ông, là con một người ăn mày, lánh nạn trốn đến châu Ngọc Ma. Hồ Ông là con một người xin ăn, trốn theo Cầm Quý, giả xưng con cháu họ Trần. Vậy nên mới có chuyện được Lê Lợi đưa về lập làm vua. 

Trần Cảo với nghĩa quân Lam Sơn

Nói về chuyện này, theo sách "Lam Sơn thực lục", bấy giờ vào cuối thời thuộc Minh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành thắng lợi quan trọng trên các chiến trường; thành lũy của giặc Minh bị thất thủ khắp nơi. Khi ấy, về cơ bản toàn lãnh thổ đất nước Việt đã được giải phóng, quân Minh chỉ còn sức co cụm ở một số tòa thành lớn. Trước tình thế này, tên Tổng binh Vương Thông tìm cách kéo dài thời gian để chờ viện binh cứu nên bèn nghĩ ra kế giảng hòa.

Vương Thông đề nghị lập con cháu nhà Trần làm vua và xin bãi binh. Vương Thông dựa vào tờ chiếu của vua Minh ban ra năm Đinh Hợi (1470) khi đem quân xâm lược nước ta với danh nghĩa "phù Trần diệt họ Hồ" để đề nghị tướng lĩnh Lam Sơn tìm lập con cháu họ Trần. 

tran-cao-la-ai-ma-khien-quan-he-giua-le-loi-va-tran-nguyen-han-ran-nut-6
Khởi nghĩa Lam Sơn (Tranh minh họa)

Lê Lợi đón Trần Cảo về lập làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh, vì “khi ấy người trong nước khổ vì những chính lệnh ngặt nghèo của giặc, mong tìm được người làm chủ, mà nhà vua thì nóng lòng muốn diệt giặc cứu dân”, “cho là dân nước ta vẫn còn nhớ họ Trần”, “vả lại muốn mượn tiếng đáp lại người Minh để làm tin”. Hà Nhậm Đại cho biết Trần Nguyên Hãn có vai trò rất lớn trong quyết định này. Lê triều khiếu vịnh thi tập tiết lộ: “Ông [Trần Nguyên Hãn] nhất trí với Lê Thái Tổ lập Trần Cảo để thỏa lòng mong muốn của dân”.

Theo sử sách ghi chép, Trần Cảo được lập vào tháng 11 năm Ất Tỵ (1425). Lê Lợi đã tế cáo với vong linh các vua triều Trần vào đêm giao thừa năm đó. Lê Quý Đôn nói rõ thêm, sau khi lập Trần Cảo, Lê Lợi tự xưng là Kiểm hiệu Thái sư. Nói cách khác, vào cuối năm 1425, một triều đại Hậu Trần đã được thành lập với hoàng đế là Thiên Khánh (Trần Cảo) và Thái sư đầu triều là Lê Lợi.

Lê Lợi liên tục đàm phán với tướng Minh nhằm thúc đẩy quân Minh chấp nhận rút lui. Quân trung từ mệnh tập còn chép 2 tờ biểu cầu phong cho Trần Cảo, một tờ tấu cáo của Kiểm hiệu Thái sư Lê Lợi báo lên các tiên đế triều Trần về việc lập Trần Cảo làm vua, đều do Nguyễn Trãi chấp bút. 

tran-cao-la-ai-ma-khien-quan-he-giua-le-loi-va-tran-nguyen-han-ran-nut-7

Bản văn hội thề Đông Quan cho thấy có ít nhất 5 vị đại thần được ban quốc tính (họ Trần): Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bi, Trần Lý, Trần Văn An. Cuối năm Thiên Khánh thứ 3 (1427), vua Minh sai Lý Kỳ và La Nhữ Kính sang nước ta sách phong Trần Cảo làm An Nam quốc vương.

Nếu mọi việc cứ thế diễn ra, thì nhà Trần sẽ được tái lập và Lê Lợi trở thành đệ nhất công thần trung hưng. Tuy nhiên, lịch sử đã không diễn ra theo chiều hướng đó. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Thuận Thiên thứ 1 - thực chất phải là năm Thiên Khánh thứ 4 nhà Hậu Trần (1428), vào tháng giêng ngày 10 “Trần Cảo uống thuốc độc chết”.

Trần Cảo chết mờ ám và thái độ của Trần Nguyên Hãn

Chỉ một cái chết của Trần Cảo thôi mà Toàn thư chép đến 4 thuyết khác nhau. Điều này chứng tỏ đây là một việc nhạy cảm, bí mật. Bốn thuyết này điểm chung đều nói Trần Cảo chạy trốn rồi chết. Nguyên nhân là do lo cho địa vị của mình. Hình ảnh Lê Lợi thì chỗ ác, chỗ hiền rất khác nhau:

1. Bấy giờ, bề tôi đều dâng sớ lên Lê Lợi, nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Lê Lợi cũng biết là phải, nhưng còn không nỡ, đối đãi với Cảo càng hậu. Trần Cảo biết lòng dân không phục, ngầm trốn ra biển để về châu Ngọc Ma. Chạy đến Ma Cảng (Nghệ An), bị truy binh của Lê Lợi bắt được, đem về Đông Quan. Trần Cảo uống thuốc độc chết.

2.  Trần Cảo nói: Trời không thể có hai mặt, nước không thể có hai vua, ta không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không liệu sớm, sợ có hối hận về sau. Rồi lén đi thuyền ra biển mà chết.

tran-cao-la-ai-ma-khien-quan-he-giua-le-loi-va-tran-nguyen-han-ran-nut-5
Đoạn về cái chết của Trần Cảo trong Đại Việt sử ký toàn thư

3. Trần Cảo cùng với bọn Văn Nhuệ đi thuyền trốn đến ải Cổ Lộng. Lê Lợi sai người đuổi theo giết chết, ném xác vào trong bụi gai. Lúc chết, Cảo có câu khấn trời, ai nghe cũng phải thương xót.

4. Lê Lợi nói kín rằng: Ta trăm trận mới lấy được thiên hạ, mà Cảo thì giữ ngôi cao. Trần Cảo sợ hãi chạy đến ải Cổ Lộng. Lê Lợi sai người đuổi theo giết chết, ném xác vào trong bụi gai.

Sau cùng tạm nhận định: Sau khi dẹp yên quân Minh, vấn đề người làm vua trở nên gay gắt. Nhiều người bên phe Lê Lợi yêu cầu loại bỏ "vua bù nhìn" Trần Cảo. Điều này khiến Trần Cảo lo sợ đã cùng Văn Nhuệ (Văn Duệ) khởi sự trước ở thành Cổ Lộng, nhưng thất bại. Trần Cảo trốn về châu Ngọc Ma, bị người của Lê Lợi truy đuổi, bắt giết.

Về sự việc này, Trần Nguyên Hãn có phải ứng rất gay gắt. Lê triều khiếu vịnh thi tập cho biết: “Đến khi Thái Tổ lên ngôi, Trần Cảo bị giết, Hãn rất bất bình, nói: “Nhà vua tướng mạo như Việt vương Câu Tiễn, không thể nào cùng nhau chung hưởng yên vui…”, bèn xin về hưu”. Điều đó có nghĩa Trần Nguyên Hãn từ chức vì phản ứng trước việc Lê Lợi giết Trần Cảo, việc đáng lý hóa giải được mâu thuẫn. Vậy, tại sao cuối cùng Trần Nguyên Hãn vẫn bị giết? 

Theo một số ghi chép khác, sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi cho làm tang lễ rất hậu theo nghi thức của một vị vua. Theo ghi chép của sử nhà Minh, Lê Lợi báo với triều Minh rằng Trần Cảo bị bệnh mà chết vào ngày 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428).

Theo sử cũ, Vương Thông (nhà Minh) yêu cầu lập con cháu nhà Trần làm vua để đợi viện binh đến cứu. Đồng thời nếu không có viện binh hoặc viện binh bị đánh bại từ bên ngoài thì Vương Thông có lui binh cũng không bị nhục. Hiểu rõ ý đồ ấy, Lê Lợi vì đại cuộc, muốn quân Minh nhanh chóng rút về nên đồng ý. Ông sai người tìm được Trần Cảo bèn lập làm vua, còn ông tự xưng là Vệ quốc công.

 Tuy nhiên, suy cho cùng Trần Cảo cũng chỉ là con bài chính trị để Lê Lợi đối phó với nhà Minh trong một giai đoạn cần thiết. Bởi vì ngay nhà Minh, khi tiến quân vào nước ta lấy lý do lập lại con cháu nhà Trần, nhưng thực chất chỉ là cái cớ để xâm lược Đại Việt. Vì vậy, nhắc lại chuyện xưa là để hậu thế đừng bao giờ quên phương sách cứu nước và giữ nước của tổ tiên.

(Theo Báo Thanh Niên, Báo Bình Phước, Wiki)

Xem thêm: Vị tướng nào của Lê Lợi chỉ cần nghe tên quân Chiêm Thành lập tức quy hàng?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận