Vị tướng nào của Lê Lợi chỉ cần nghe tên quân Chiêm Thành lập tức quy hàng?
Theo đánh giá của vua Minh Mạng, Lê Khôi xứng đáng được coi là vị tướng giỏi nhất của Lê Lợi, đã có công đánh đuổi quân Minh.
Lê Khôi (黎魁) tên thụy là Vũ Mục, là công thần khai quốc nhà Lê Sơ. Theo sách "Lam Sơn thực lục", ông là con trai của Lê Trừ, anh trai thứ hai của Lê Lợi, xét theo dòng tộc thì gọi Lê Lợi là chú. Lê Khôi tính tình độ lượng, rộng rãi, ít nói, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, lập nhiều công trạng lớn.
Tháng 12/1424, Lê Lợi cho quân tiến vào Nghệ An. Trong trận Bồ Ải, Lê Khôi cùng Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Bôi, Lê Văn An cầm quân tiên phong. Họ đã đánh thắng, tiêu diệt quân Minh không sao kể xiết, thậm chí còn bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng tiên phong đô ty Hoành Thành.
Tới tháng 9/1427, Minh Nguyên Tông, hoàng đế thứ 5 triều đại nhà Minh lúc bấy giờ sai Liễu Thăng và Lương Minh đem 10 vạn quân tới cứu viện Vương Thông - tổng binh quân Minh thời bấy giờ. Đến tháng 10, Lê Lợi sai Lê Khôi và Lê Vấn mang 3.000 quân Thiết đột, 4 thớt voi và các tướng tướng Sát, Lý, Nhân Chú, Văn An tấn công quân Minh.
Tới ngày 15/10, quân Minh đại bại, quân Lam Sơn chém hơn 5 vạn thủ cấp quân Minh, ngoài ra còn bắt sống các tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn lính Minh, tịch thu vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, quốc hiệu Đại Việt. Ông xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam sơn động chủ, sử sách gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế. Lúc này, Lê Khôi được Lê Thái Tổ phong là Kỳ Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, quyền Hành quân Tổng quản, hàm Nhập nội Thiếu úy, tước Đình Thượng hầu, sau thăng lên hàm Tư mã, được đem Kim Phù.
Tháng 5/1249, vua ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Khôi được phong tước Đình thượng hầu. Sau đó, ông được điều làm trấn thủ Hóa châu, nhiền lần cầm quân đánh Chiêm Thành và ghi được nhiều chiến tích. Tại đây, ông bỏ điếm canh, triệt giới nghiêm, khuyến khích người dân làm ruộng, huấn luyện binh sĩ. Theo nhiều tài liệu lịch sử lưu lại, Lê Khôi được đánh giá là danh tướng có võ công cao cường nhất trong hàng ngũ của quân khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1443, Lê Thái Tổ phong Lê Khôi làm Nhập nội Thiếu úy, sai đi Trấn thủ Nghệ An. Nghe danh ông đã lâu, vừa đặt chân tới xứ nghệ, người dân đã tới chào đón. Sử sách ghi rằng: "Sĩ phu và dân chúng vùng này đứng chật hai bên đường chào đón, đưa hai tay lên ngang trán mừng reo và nói rằng: Chúng tôi mong ông đã lâu, sao nay trời mới giáng phúc ban ơn cho chúng tôi".
Cuốn "Danh tướng Việt Nam" có ghi, vào năm 1445-1446, vua lại sai một loạt tướng lĩnh đem quân đi đánh Chiêm Thành. Đô đốc Lê Khả đem binh đánh Chiêm, Lê Khôi được lệnh đem quân từ Nghệ An đi tiếp ứng. Ông làm tiền quân, phá tan đồn ải quân Chiêm, vượt qua Thi Giang, tới cửa Thị Nại rồi lại vượt biển tới đất Chiêm.
Bước vào trận chiến, thoáng thấy tướng quân của Đại Việt, tướng giặc bắc loa hỏi: "Có phải ông Tư mã (chỉ Lê Khôi) đó không?". Nghe vậy, Lê Khôi cởi bỏ mũ trận, để quân địch thấy mặt. Giặc nhận ra ông, liền xuống ngựa sụp lạy, mang sản vật tới biếu tặng, không dám đánh nữa. Lê Khôi đến đâu, quân Chiêm tan vỡ đến đấy, ông đánh đến thành Đồ Bàn, bắt được cả vua Chiêm là Bí Cai.
Không may, trên đường đem quân trở về, Lê Khôi mắc bệnh nặng, sau đó mất ngày 3/5/1446 tại chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam giới, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Triều đình bãi triều 3 ngày, truy phong cho ông tước Nhập nội Đô đốc, thụy là Trung Hiển, sai quan vào tận nơi ông mất làm lễ an táng và cúng tế. Sau Lê Khôi được truy tặng Nhập nội kiểm hiệu Tư không, Bình chương sự, đổi tên thụy là Vũ mục công.
Đại Nam nhất thống chí viết về ông như sau: "Ông là người độ lượng, nhân hậu, nhã nhặn, ít nói ít cười, từng theo Vua Lê Thái Tổ đi đánh dẹp lập được nhiều công lao". Vua Lê Thánh Tông cũng từng khen ông trong bài "Quân minh thần lương", tập thơ "Quỳnh uyển cửu ca" như sau: "Vũ Mục hung trung liệt giáp binh". Câu nói này có nghĩa là, "Trong bụng Vũ Mục sắp đặt sẵn giáp binh", ý nói Lê Khôi (Vũ Mục là tên thụy của ông, giống tên thụy của Nhạc phi đời Tống).
Đến năm 1464, đời Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông truy phong tước Chiêu trưng vương, sai Nguyễn Như Đổ soạn văn bia khắc vào đá ở đền thờ. Đến năm Minh Mệnh thứ 4, vua Minh Mạng chọn Lê Khôi, cho thờ ở miếu Lịch đại đế vương, tới năm 16 cho thờ ở Võ miếu, cùng 5 vị tướng khác là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương. Dân Nghệ Tĩnh ghi nhớ công ơn của vị tướng này, lập đền thờ ông ở chân núi Long Ngâm, tổ chức lễ hội đền Lê Khôi từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng 5 âm lịch.
Việt Nam từng có 1 thời kỳ 'đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi'
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận