Nạn nhân duy nhất sống sót trong thảm án cuồng ghen bằng "bom thư" 18 năm trước: Cuộc sống rơi vào kiệt quệ, cần giúp đỡ

Nỗi đau thể xác và tinh thần không bao giờ có thể nguôi ngoai dù ai cũng nói anh Nguyễn Văn Thơ là "thật may mắn vì giữa được mạng" sau thảm án cuồng ghen năm xưa.

Đỗ Thu Nga
13:58 16/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ký ức kinh hoàng năm 16 tuổi

Ở tuổi 34, anh Nguyễn Văn Thơ (trú tại thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ cao chừng 1m50, giọng nói và ngoại hình chẳng khác nào học sinh cấp 2. Bên cạnh đó, anh còn bị mù lòa vĩnh viễn, hai tai mất khả năng nghe, cuộc đời rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Đó là hậu quả sau vụ thảm án cuồng ghen bằng "bom thư" xảy ra tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) vào năm 2003.

Ngồi bên cạnh con trai trong căn nhà cấp 4 tại thôn Kim Hạ, bà Nguyễn Thị Sính (65 tuổi, mẹ anh Thơ) nhìn xa xăm nhớ lại ký ức kinh hoàng năm xưa. Bà Sính kể, bà có 4 người con, anh Thơ là con út, trên còn 3 chị gái. Anh Thơ sinh ra bụ bẫm nhưng khi lớn lên chiều cao chẳng phát triển mấy. Năm học lớp 10 chỉ cao 1,1 - 1,2 mét, thân hình nhỏ bé hơn các bạn bè cùng trang lứa. 

tinh-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-cuong-ghen-18-nam-truoc-4
Thảm án kinh hoàng đó đã cướp đi tươi lai tươi sáng của anh Thơ

Trong kỳ thi tuyển lớp 10 năm đó, anh Thơ đỗ vào trường THPT Sóc Sơn (cách nhà 10km). Sợ con vất vả, vợ chồng bà Sính bàn nhau thuê trọ nhà họ hàng là anh Nguyễn Văn Viện (xã Tiên Dược) cho con ở. 

Theo một bài viết đăng trên Thời đại plus, anh Thơ từng kể: Khi trọ tại nhà anh họ, anh ở chung phòng với Nguyễn Văn Thắng (em trai anh Viện), cũng đang học phổ thông. Sau 2 tháng ở trọ, vợ anh Viện là chị Trần Thị Nhàn sinh em bé nên ảnh hưởng đến việc học vì cháu nhỏ hay khóc. Ngày 31/10/2003, anh Thơ thu dọn đồ đạc để hôm sau chuyển đi chỗ khác trọ. Khi đó có người gửi một gói đồ đến cho anh Viện rồi đi ngay.

"Sáng hôm đó, tôi đi chợ về thì thấy chị Nhàn và anh Thắng đang lúi húi trước cửa nhà. Trên thay chị Nhàn là vật trông giống hộp bánh. Khi hỏi thì chị Nhàn nói: Có vật gì người ta gửi cho anh trai mày, chị thấy cứ ghê ghê".

tinh-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-cuong-ghen-18-nam-truoc-5
Đây chính là hai kẻ đã gây nên thảm án kinh hoàng năm 2013

Khi bóc vỏ hộp là một chiếc đài radio to hơn viên gạch một chút, kèm theo một tờ giấy có ghi: "Nhờ anh Viện sửa giúp, mai lấy ngay". Sau đó, anh Thơ thấy anh Thắng bật công tắc rồi xoay cái núm thì một tiếng nổ lớn phát ra. Sau tiếng nổ đó, 3 người gồm 1 cháu nhỏ đã tử vong, anh Thơ là người duy nhất sống sót nhưng thương tật theo anh suốt cuộc đời. 

Ngay sau khi vụ án xảy ra, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra, xác định, nguồn cơn bắt nguồn từ mối quan hệ yêu đương không thành giữa Lại Thị Kiều Lan (44 tuổi, quê Thái Nguyên) và anh Viện. Sau đó anh Viện kết hôn, còn Lan thành bạn gái của Ngô Mạnh Hùng (sinh năm 1971, quê huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). 

Một lần nghe người yêu tâm sự, Hùng nổi cơn ghen, cho rằng anh Viện đã dùng lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm Lan. Cả hai bàn nhau cách trả thù. Vốn am hiểu về thuốc nổ, Hùng đã chế ra quả bom dưới vỏ bọc một chiếc đài radio rồi gửi đến nhà anh Viện gây ra thảm án cuồng ghen bằng "bom thư" khiến 3 người chết, 1 người bị thương nặng.

Vào tháng 6/2004, TAND TP Hà Nội tuyên án Hùng tử hình về tội Giết người, Chế tạo sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ. Còn Lan lĩnh án chung thân. 

Những năm tháng "sống không bằng chết"

Quay lại câu chuyện "sinh - tử" của anh Thơ, bà  Sính kể: Khoảng 19h ngày hôm đó, vừa ăn xong bữa cơm tối, hàng xóm hớt ha hớt hải chạy sang báo tin "thằng Thơ gặp nạn rồi, có vụ nổ thấy bảo 3 người chết". Chân tay bà Sính bủn rủn, không đứng vững. 

Gia đình vội vã chạy lên nhà anh Viện, chứng kiến thi thể 3 người xấu số, bà Sính dáo dác tìm con thì thấy con trai ngất lịm được người ta đưa vào trạm y tế. Và phải 1 tuần sau, bà Sính mới được vào Bệnh viện Xanh Pôn thăm con. Anh Thơ nằm trên giường bệnh, băng trắng băng bó khắp người. Lúc ấy, bà Sính chỉ biết gào khóc trong tuyệt vọng: "Con trai tôi đã làm nên tội?".

tinh-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-cuong-ghen-18-nam-truoc-0
Dù đã ở tuổi lục tuần nhưng bà Sính lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về người con số khổ của mình

Sau 14 ngày hôn mê, anh Thơ tỉnh lại hỏi mẹ: "Con đang ở nhà anh Viện cơ mà?", "Sao tai con cứ nghe thấy tiếng ù ù khó chịu quá?", "Sao họ lại bịt chặt mắt con?", "Sao con không thể cử động?"... Lúc đấy, anh Thơ đã rơi vào cảnh mù lòa, thính giác suy giảm. Bà Sính chỉ ước có thể hiến mắt cho con, nhưng không được vì anh Thơ bị khoét cả 2 mắt rồi, không còn cơ hội ghép giác mạc.

Để chữa trị cho con trai, bà Sính phải bán rẻ cặp trâu, bò dù chưa đến ngày xuất chuồng. Bên cạnh đó còn phải vay lãi hàng xóm để nộp tiền viện phí và mua thuốc thang cho con. Sự việc này không chỉ khiến anh Thơ bị tổn thương mà kinh tế gia đình bà Sính cũng rơi vào kiệt quệ.

Sau thời gian dài điều trị, anh Thơ được cho về nhà an dưỡng. Biết bản thân không còn như xưa, anh Thơ sốc nặng, tự nhốt mình trong phòng kín. Mỗi lần nghe thấy tiếng động lớn, tiếng sấm hay tiếng máy cưa gỗ là anh lại co rúm người lại vì sợ hãi, thậm chí la hét. 

Nhờ có sự động viên của gia đình, anh Thơ dần quen với bóng tối, tập những thói quen chăm sóc bản thân. Thỉnh thoảng còn giúp bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

tinh-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-cuong-ghen-18-nam-truoc-9
Trong căn nhà nơi hai mẹ con anh Thơ sinh sống chẳng có thứ già đáng giá cả

"Thật không dễ dàng chấp nhận bản thân mất đi đôi mắt. Nhiều đêm mình bật khóc vì bất lực, vì trở thành gánh nặng của bố mẹ, rồi tự an ủi bản thân, cố gắng từng bước", anh Thơ nói.

Có lần anh còn khóc van xin mẹ "quyền được chết". Bà Sính đau đớn trong bất lực chỉ biết ôm con nói: "Mẹ xin con, dù thế nào cũng hãy ở bên bố mẹ. Cả nhà sẽ cố chữa trị và đồng hành cùng con".

Nhìn con trai sống trong bóng tối bà Sính đã đủ quặn tim rồi vậy mà ông trời không nương tay, 3 năm sau ngày kinh hoàng ấy, bà nhận tin sét đánh: Chồng bị ung thư vòm họng. Để có tiền cứu chồng, bà Sính lao vào cày thuê cuốc mướn, rảnh rỗi đạp xe xuống Đồng Kỵ (Bắc Ninh từ 6h sáng đến tối muộn đánh giấy ráp gỗ. Dù mệt nhưng bà Sính cố làm, chỉ mong có tiền.

Biết mẹ vất vả, vào năm 2011, anh Thơ xin xuống học chữ nổi ở Hội người mù huyện Sóc Sơn. Năm 2012, sau 9 năm tự nhốt mình ở nhà, anh đăng ký học bổ túc, hoàn thành chương trình lớp 12 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chỉ học hai ngày cuối tuần.

Tốt nghiệp cấp 3, Thơ dự định thi một trong 3 ngành: Công tác xã hội, Giáo dục đặc biệt hoặc Tâm lý học. Chi phí học đắt đỏ ước tính khoảng 50 triệu/năm, lại không thể một mình sống trên thành phố, thương bố mẹ thêm phần vất vả, anh bỏ thi Đại học. Về nhà, Thơ tham gia các hoạt động tình nguyện của Hội người mù, động viên và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2015, bố qua đời, 3 chị gái lập gia đình, căn nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Số lần anh Thơ nhập viện nhiều không nhớ nổi, mỗi lần một lý do khác nhau như vôi hóa màng nhĩ, trào ngược mũi họng, tai có vấn đề… Tất cả đều là di chứng sau vụ nổ bom kinh hoàng cách đây 18 năm.

Được biết, vài năm trước, anh Thơ đã lập gia đình. Nhưng sau 1 năm chung sống, hai vợ chồng đã đường ai nấy đi vì không có sự cảm thông, chia sẻ. Từ đó, khao khát có gia đình với tiếng cười trẻ thơ là điều vô cùng xa xỉ với người đàn ông số khổ này. 

Bệnh tật bủa vây

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, hiện tai trái của anh Thơ chỉ có khả năng nghe 5%, tai phải 15 - 20%. Người đối diện phải nói thật lớn thì anh mới nghe thấy mang máng. Nhiều lúc nhà có khách đến chơi, nói bé anh chẳng nghe thấy gì. Tủi thân, anh chỉ biết lủi thủi đi vào góc buồng ngồi.

Hồi tháng 12/2020, anh Thơ nhập viện sau trận đau đầu, bệnh tình chuyển biến nặng. Tai phải bắt đầu ù, không nghe rõ. Trong đầu anh lúc này văng vẳng tiếng ve sầu, tiếng nhạc đám ma... Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm mũi, trào ngược mũi họng, viêm họng suy amidan mãn tính, gan nhiễm mỡ, huyết áp thấp, tai ù…

tinh-canh-dang-thuong-cua-nan-nhan-vu-cuong-ghen-18-nam-truoc-8
Giờ đây, bệnh tật bủa vây khiến anh Thơ sống vô cùng khó khăn

Bác sĩ còn nhấn mạnh "anh chỉ có thể sống chung với căn bệnh này cả đời. Tình huống xấu nhất là mất khả năng nghe". Thơ bật khóc như đứa trẻ, than trách ông trời đã lấy đi đôi mắt, giờ khả năng nghe ít ỏi cũng có thể chẳng còn.

Sau lần điều trị đó, anh Thơ thường xuyên mất ngủ. Anh sợ ngủ rồi sẽ không dậy được nữa. Gần đây, bác sĩ tư vấn anh mua máy trợ thính có mức giá từ 50 đến 80 triệu đồng. Một người chị trong Hội người mù cũng khuyên, nếu trong trường hợp cả 2 tai "hỏng", có thể mua máy hiện chữ nổi, mức giá còn cao hơn máy trợ thính gấp nhiều lần. Nhưng số tiền quá lớn khiến anh chần chừ.

"mẹ già yếu, giờ lại thêm bệnh u tuyến giáp, nợ còn chưa trả hết, lấy đâu ra tiền để mua", anh nói.

Hiện cuộc sống của hai mẹ con anh Thơ chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, cặp bò cùng khoản tiền trợ cấp 700.000 đồng/tháng cho người khuyết tật và 350.000 đồng/tháng tiền chăm sóc của anh Thơ. 

Năm nào bà Sính cũng cố chắt bóp để tích tiền mua máy trợ thính cho con trai nhưng tiền thuốc thang, tiền viện phí khiến bà chẳng còn đồng nào. Giờ đây, gia đình thật sự rơi vào cảnh kiệt quệ. 

Nhìn con trai "sống mòn", bà lại rơi lệ thốt lên "giá như". Giá như năm đó kẻ thủ ác không gửi "bom thư" thì 3 người không chết oan, con trai bà cũng không bị như thế này. Và có thể giờ đây anh đã lấy vợ, sinh con, có công việc ổn định. 

Mọi sự giúp đỡ anh Thơ xin quý độc giả gửi về địa chỉ:

Anh Nguyễn Văn Thơ, thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Số điện thoại: 034.808.9268.

Số tài khoản: 9704229258078406. Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Thơ. Ngân hàng Quân đội MB Bank.

Hoặc số tài khoản: 3160205594528. Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Thơ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank.

Xem thêm: Ước nguyện hiến tạng và nỗi day dứt gặm nhấm tâm can của cựu quân nhân nằm liệt giường sau tai nạn giao thông

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận