Người tốt việc hay: Ở phòng trọ 1 triệu, chàng trai cứu người mỗi đêm

Những thành viên của FAS Angel lao đến hiện trường các vụ tai nạn nhanh nhất với 5 tiêu chí: Không bỏ rơi - Không thu phí - Không phân biệt - Không tranh cãi - Không kết án.

Đỗ Thu Nga
09:02 01/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vụ tai nạn mới đây trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) là một trong số những ca khiến anh Phạm Quốc Việt ám ảnh sau khi rời hiện trường. Bởi, trước khi nạn nhân được đưa vào bệnh viện, anh đã trót an ủi người mẹ rằng “con cô sẽ sống, cô cứ tin cháu”. Nhưng rồi, nạn nhân đã tử vong không lâu sau đó.

Anh Việt cứ băn khoăn mãi, rằng liệu người mẹ ấy có trách mình không.

Gần 5 năm nay, làm công việc sơ cứu miễn phí cho các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội, anh Phạm Quốc Việt không còn xa lạ gì với những cảnh tượng sống chết như thế. Nhưng cứ mỗi một lần chứng kiến hoặc nghe tin nạn nhân mà mình vừa sơ cứu đã tử vong, anh Việt lại thấy nhói lòng. Cảm giác nuối tiếc vì mình không thể tới sớm hơn, không thể làm tốt hơn để cứu mạng một người có lẽ những thành viên trong nhóm FAS Angel của anh là hiểu rõ nhất.

Sau 2 năm rưỡi âm thầm làm công việc sơ cứu miễn phí cho nạn nhân các vụ tai nạn mà anh gặp trên đường, người đàn ông sinh năm 1987 thành lập ra nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel chỉ với 5 thành viên vào những ngày đầu tiên.

nguoi-tot-viec-hay-o-phong-tro-1-trieu-chang-trai-cuu-nguoi-moi-dem

Thế rồi, những hành động đẹp của nhóm bắt đầu được lan toả và thu hút các thành viên tự nguyện đến với nhóm. Hầu hết họ là những xe ôm công nghệ, thường xuyên phải di chuyển trên đường, vì thế dễ dàng bắt gặp các vụ tai nạn lớn nhỏ. Họ thông báo cho nhau qua các kênh mạng xã hội, điện thoại, bộ đàm để những người đang ở gần nhất kịp thời tới hiện trường. Tới nay, nhóm đã có hơn 90 thành viên, trong đó có những thành viên cốt cán và các thành viên hoạt động ít thường xuyên hơn.

Hiện tại, vào buổi tối, các thành viên chia nhau trực chốt trên các tuyến đường từ 9h tối tới 1h sáng hôm sau. “Thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách vì Covid-19, số vụ tai nạn giảm đi đáng kể, nhưng sau đó, tình hình lại quay về như trước. Thậm chí, mấy ngày nay, tôi tiếp cận liên tục các vụ tai nạn rất nặng” - anh Việt chia sẻ.

Covid-19 cũng khiến tình hình nhân sự của nhóm có chút xáo động. Một số người về quê, một số người vì khó khăn kinh tế cũng bỏ nhóm. “Nhưng những ai đã vượt qua được những khó khăn cá nhân thì thường ở lại rất lâu”.

Anh Việt cho rằng, càng ngày sự gắn kết, chia sẻ và tinh thần hỗ trợ cứu người của các thành viên trong nhóm càng trở nên bền vững hơn. “Mọi người đến với nhau không chỉ còn một mục tiêu là sơ cứu tai nạn nữa, mà các thành viên trong nhóm còn chia sẻ khó khăn với nhau trong cuộc sống, cũng như cùng chia sẻ với những người khác khó khăn hơn mình”.

nguoi-tot-viec-hay-o-phong-tro-1-trieu-chang-trai-cuu-nguoi-moi-dem
FAS Angel đã sơ cứu cho hàng nghìn nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội

Tuy nhiên, là người sáng lập nhóm, cũng là một xe ôm công nghệ như hầu hết các thành viên, anh Việt luôn trăn trở về một hướng đi nào đó để hoạt động của nhóm có thể bền vững và lâu dài hơn.

“Ngay từ những ngày đầu, 1 trong 5 tôn chỉ của chúng tôi là Không thu phí. Thế nhưng, để một tổ chức phi lợi nhuận có thể hoạt động một cách bền vững, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về mặt vật lực của các ban ngành và xã hội. Bởi vì, hơn hết, các thành viên đều là những lao động phổ thông - xe ôm, người giúp việc, bán hàng online… Họ đã hi sinh thời gian dành cho gia đình, cho bản thân để giúp đỡ người khác, nhưng có khi cuộc sống của chính họ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Họ vẫn cần tiền để đổ xăng, để mua các thiết bị bông băng hỗ trợ. Đó là điều mà tôi vẫn luôn trăn trở cho các thành viên của nhóm”.

Hiện tại, ngoài một số dụng cụ, thiết bị được hỗ trợ bởi một vài cá nhân thì FAS Angel gần như chưa nhận được sự hỗ trợ lâu dài và chính thức từ bất cứ đơn vị nào.

Anh Việt chia sẻ, bản thân anh, thời điểm trước Covid-19, mỗi ngày luôn trích ra 50 nghìn đồng cho túi sơ cứu. Từ ngày có Covid-19, nguồn thu không còn, số tiền tiết kiệm anh cũng đã tiêu hết. Tuy nhiên, với tinh thần của người đứng đầu, anh vẫn luôn kiên trì với công việc “vác tù và”.

nguoi-tot-viec-hay-o-phong-tro-1-trieu-chang-trai-cuu-nguoi-moi-dem-0
Chiếc xe máy anh Việt được một mạnh thường quân tài trợ để tiện cất giữ túi sơ cứu

Thực ra, suốt những năm qua, anh đã quá quen với những câu hỏi, những lời cảnh báo, những trách móc của người thân, bạn bè về công việc này nhưng chưa khi nào vì thế mà anh nản chí. “Đi làm ở Hà Nội có để ra được gì không?”, “Sống cho mình đi đã”, “Rồi có ngày mang vạ”… là những câu nói mà anh đã nghe không biết bao nhiêu lần. Và mọi người nói đúng, đã không ít lần anh mang vạ vào thân.  

Anh từng bị người nhà một nạn nhân xúc phạm nặng nề và gây thương tích. Anh từng chán nản khi nạn nhân bất hợp tác, xé bỏ lớp băng bó vết thương. Anh bất lực khi chứng kiến 2 bên lao vào đánh nhau. Không phải vì thiếu tiền, mà chính những điều ấy từng khiến anh suýt từ bỏ. Nhưng rồi, sau một đêm mất ngủ, sáng hôm sau nhận được tin nhắn thông báo có tai nạn, anh lại lao đi như chưa từng có những tổn thương ấy.

Nhưng anh nói, những hi sinh của anh và các thành viên để đổi lại những điều rất xứng đáng. “Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của chính người dân - những người có mặt tại hiện trường. Nếu như trước kia mọi người có tâm lý thấy tai nạn thì tránh xa vì sợ phiền toái. Thậm chí, chính người trong cuộc không cho chúng tôi sơ cứu vì muốn giữ nguyên hiện trường để công an đến phân giải. Nhưng bây giờ, người dân đã có ý thức phối hợp với chúng tôi để ưu tiên cứu người trước”.

nguoi-tot-viec-hay-o-phong-tro-1-trieu-chang-trai-cuu-nguoi-moi-dem-8
Người sáng lập FAS Angel cho rằng, nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều trước những va chạm giao thông

Không những thế, hành động của các thành viên FAS Angel trên mỗi con phố lại thêm một lần lan toả tinh thần không bỏ rơi người bị nạn của cộng đồng. “Chúng tôi còn có tham vọng tập huấn, tuyên truyền các kỹ năng sơ cứu người bị nạn cho mỗi người dân, để ai cũng có thể cứu người trong trường hợp khẩn cấp”. Theo anh Việt, đó mới là mục tiêu lâu dài mà nhóm hướng tới.

Chính vì thế, anh rất vui khi FAS Angel đang từng bước được “nhân bản” ở cả trong và ngoài nước. Anh chia sẻ rằng, đã có những cá nhân từ Úc và Israel tới gặp anh để xin kinh nghiệm về việc thành lập nhóm. Đọc được về FAS Angel trên các phương tiện truyền thông, họ cũng nung nấu ý tưởng thành lập một hội nhóm như thế ở đất nước mình.

Còn ở trong nước, đã có một số cá nhân từng là thành viên của nhóm nhưng sau đó về quê làm ăn. Họ cũng đang từng bước lập các FAS Angel nho nhỏ ở địa phương mình, ví dụ như ở Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương, Phú Yên.

Về phía cá nhân mình, anh Việt tâm sự, có lẽ một trong những cái được lớn nhất của anh đó là đã “chinh phục” được bố mình. “Trước kia, mỗi lần về quê, tôi và bố nói chuyện với nhau không quá 10 phút. Ông có phần không ủng hộ những việc mà tôi làm. Nhưng bây giờ, tôi thấy ông đã dần có thái độ khác với con trai. Đó là một niềm vui lớn với tôi”.

Niềm vui thứ 2 của anh Việt trong thời gian này là cuốn sách do anh viết sẽ ra mắt vào cuối tháng 12 tới đây. Khi nói về quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, anh Việt tâm sự rằng, là một xe ôm công nghệ, anh không có nguồn thu từ công việc này suốt mấy tháng qua. Nhưng nhờ sống bằng tiền tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu cho những thứ không cần thiết, anh thấy mình “vẫn đầy đủ mọi thứ”.

Có lẽ tinh thần ấy giúp anh viết lên cuốn sách có tên Món quà từ những vị thần, với thông điệp chính là trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để bạn bình tâm?”.

nguoi-tot-viec-hay-o-phong-tro-1-trieu-chang-trai-cuu-nguoi-moi-dem-5

Phạm Quốc Việt là người sáng lập nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel, gồm có hơn 90 thành viên, hầu hết là các xe ôm công nghệ, chuyên sơ cứu miễn phí cho nạn nhân các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội. 

Trong suốt 5 năm qua, nhóm của anh Việt đã sơ cứu cho hàng nghìn người, trong đó nhiều nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng và cần sơ cứu khẩn cấp. Gần như toàn bộ trang thiết bị của nhóm do tiền túi cá nhân các thành viên bỏ ra.

Năm 2020, UBND TP.Hà Nội đã trao tặng anh Phạm Quốc Việt danh hiệu Người tốt Việc tốt vì sáng kiến và những đóng góp của anh cho cộng đồng.

(Theo VietNamNet)

Xem thêm: Người tốt việc hay: Người phụ nữ không lập gia đình, ở vậy nuôi mẹ U90 và giúp người già neo đơn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận