Mẹ già hối hận vì chia tài sản cho các con quá sớm - Câu chuyện đáng suy ngẫm

Cha mẹ có thể hi sinh cho con cái bao nhiêu cũng được, vất vả thế nào cũng xong. Nhưng phận làm con, người nhớ người quên, tệ hại hơn là họ có thể đẩy cha mẹ còn đường cùng...

Đỗ Thu Nga
16:00 08/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cụ thể, có cụ bà đã có đôi dòng tâm sự: “Tôi ở tuổi xế chiều rồi, đau ốm bệnh tật nhiều không còn khả năng đỡ đần con cái, nhưng cũng chưa đi luôn được theo ông theo bà. Nhìn các con đùn đẩy nhau nuôi mẹ, thực lòng tôi rất buồn.

Hồi ấy nuôi con đơn giản, không đầu tư học hành nhiều như bây giờ. Các con tôi lớn lên cũng chỉ theo nghề buôn bán, không có đứa nào thành tài hay đỗ đạt. Chúng lớn lên rồi lần lượt dựng vợ gả chồng. Con gái lấy chồng xa, hai con trai tôi lấy vợ đều ở chung trong ngôi nhà do tôi xây cất được từ bao nhiêu năm tảo tần dành dụm. Cảnh mấy gia đình ở chung trong một ngôi nhà kiểu gì cũng có va chạm, huống hồ hai đứa con dâu tôi đều ghê gớm, không đứa nào chịu đứa nào.

Lúc tôi còn trẻ khỏe, còn đỡ đần được chúng nó thì cũng chưa đến nỗi nào, nhưng khi tôi bắt đầu có những trận ốm đầu tiên, ra vào bệnh viện thì mới rõ lòng các con. Chúng bắt đầu tỵ nạnh, so bì nhau, kêu mình phải trông, phải chăm mẹ quá nhiều trong khi đứa kia thì trốn việc, lười biếng. Chúng gọi cho cả em gái ở xa về "có trách nhiệm" với mẹ.

Con gái tôi sốt ruột sức khỏe của mẹ cũng vượt đường xa xôi để về nhà, nhưng nó về cũng có ở lại được đâu, vài ngày vẫn phải quay lại nhà chồng. Nó về thì tôi vui, có người chăm sóc chu đáo, tỉ tê chuyện trò, nhưng chẳng giải quyết được gì, nó đi tôi lại tủi thân đến trào nước mắt.

Mấy đứa sợ tôi chết, nên thuyết phục tôi lập di chúc phân chia tài sản rõ ràng. Tôi nghĩ thôi thì tư duy như vậy cũng là hiện đại văn minh, nhỡ tôi có mệnh hệ gì mà tài sản chưa phân chia, rồi sau này anh em chúng nó lại trở nên mâu thuẫn. Nhưng tôi không lập di chúc mà chia nhà cho các con luôn.

Căn nhà phân làm ba phần, thằng cả được phần nhiều hơn một chút vì sẽ chịu trách nhiệm chăm lo cho mẹ, thằng hai với con gái út hai phần bằng nhau. Con gái út ở nơi khác không có nhu cầu ở nhà này thì quy ra tiền, hai anh sẽ góp lại đưa phần tiền của nó cho nó.

me-gia-hoi-han-vi-chia-tai-san-cho-cac-con-qua-som-0

Phân chia xong xuôi, tôi nghĩ các con đứa nào đứa nấy có phần rồi thì sẽ hết nhìn nhau tỵ nạnh mà tập trung báo hiếu mẹ, nhưng hóa ra tôi đã tính sai lầm. Thằng hai không chịu vì thằng cả được nhiều hơn, nó cho rằng thời nào rồi mà còn phân biệt con cả con thứ.

Hai thằng cũng không chịu vì con út ở xa không có công gì lại được nhận nhiều quá. Các con tôi ngăn nhà chia làm hai căn, mỗi thằng ở một bên, riêng biệt hoàn toàn và trở nên xa cách hơn. Tôi ở bên nhà thằng lớn nhưng đến cả tuần không thấy nhà thằng hai sang chơi.

Nhớ các cháu tôi lại phải chủ động sang nhà nó. Nhưng con dâu cả không thích tôi qua lại nhà dâu thứ, thế là nó lại khó chịu với tôi. Tôi với con dâu không hợp nhau nên ở với nó tôi cũng phải nhìn thái độ nó mà sống, vì bây giờ tôi không còn tài sản, phụ thuộc các con hoàn toàn.

Nhà nó ở là nhà tôi cho, nhưng nó lại không vì thế mà đối xử nương tay với tôi một chút. Có gì khó chịu với mẹ chồng là nó về nhà đá thúng đụng nia. Dăm bữa nửa tháng nó lại bóng gió bảo tôi sang nhà thằng hai mà ở.

Có đợt tôi giận quá sang nhà thằng hai ở thật. Nhưng được ít bữa vợ chồng thằng hai lại tỉ tê hay tôi làm chuyến đi chơi tới nhà em gái út của chúng nó cho đỡ buồn. Tôi biết vợ chồng nó lục đục vì tôi sang ở cùng nên muốn đá khéo sang cho em gái.

Nhưng con gái tôi đang ở với nhà chồng, bố mẹ nó còn cả, tôi làm sao mà sang ở với nó được dù chỉ có con gái là thương tôi. Có phải tôi đã sai rồi không khi phân chia tài sản cho các con quá sớm, để đến bây giờ, khi tôi không còn gì trong tay mà cũng chưa đến ngày tàn hơi mà ra đi theo ông bà được, thì đứa con nào cũng coi tôi là gánh nặng?".

Lại thêm một câu chuyện đầy chua chát, đớn đau về thực trạng ‘bất hiếu’ trong xã hội. Giá như cụ bà chỉ có 1 đứa con thì không nói, đằng này có tận 3 đứa nhưng người có hiếu thì không có điều kiện chăm sóc, kẻ sát bên thì lúc nào cũng thờ ơ.

Hóa ra, câu nói "1 mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi 1 mẹ" lại là thực tế phũ phàng đến thế! Và câu chuyện của cụ bà nói trên là một minh chứng đau buồn. Nhưng quy luật cuộc đời, ở ác gặp họa vì ai rồi cũng sẽ già. Mỗi gia đình đều thường có ít nhất một người lớn tuổi. Và chỉ đến khi ta già ta mới hiểu được, làm người già khổ tâm và bất lực ra sao. Thế cho nên cần nhớ rằng người đang làm trời đang nhìn. Mọi hành động trên đời đều có nhân quả. Mỗi người sống hàng chục năm tháng, đừng để đến khi nhắm mắt xuôi tay nghĩ lại quá khứ mà nghẹn ngào hối hận.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, cụ bà đã rất sai lầm khi chia tài sản cho con cái quá sớm. Cha mẹ phấn đấu cả đời, có của ăn của để, muốn cất giữ lại cho con chẳng có gì là sai. Tuy nhiên, thời đại bây giờ đã tân tiến, mong các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ “sâu hơn”, hãy giữ lại cho mình đến cuối đời và nên "có lương hưu" hoặc “tiền lãi trong ngân hàng” để tự nuôi mình, đừng phụ thuộc con. Nhỡ xảy ra tranh chấp, người thiệt hại và đau lòng trước tiên lại chính là bản thân mình.

Xem thêm: Chơi mãi trò ly dị chán lắm - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận