Học được gì từ "Đạo dùng người" của 3 "ông lớn" thời Tam Quốc?

Tào Tháo khôn ngoan, Tôn Quyền nhìn rộng, Lưu Bị bất minh - nếu đặt ba nghệ thuật dùng người lên bàn cân để so sánh, ai sẽ là người nhỉnh hơn?

Đỗ Thu Nga
15:00 11/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tào Tháo: Chỉ cần là người tài thì sẽ đều được trọng dụng

Tào Tháo (155– 15 tháng 3 năm 220) là một nhà chính trị, quân sự, nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc

Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc. Hầu hết đều đánh giá về ông với chiều hướng tiêu cực. Song kể từ thế kỷ 20, các học giả đã nhìn nhận công bằng hơn về Tào Tháo, về cả thành tựu lẫn khuyết điểm của ông.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, Tào Tháo rất biết nhìn người. Đạo nhìn người của Tào Tháo trở thành một trong những bài học lớn cho hậu thế sau này.

Tào Tháo dùng người không phụ thuộc vào địa vị cao hay thấp hay xuất thân của người đó. Đối với Tào: "duy tài thị cử lệnh": Chỉ cần là người tài thì sẽ đều được trọng dụng.

Hoc-duoc-gi-tu-Dao-dung-nguoi-cua-3-ong-lon-thoi-Tam-Quoc-0

Tào Tháo rất biết cách nhìn người. Để có được nhân tài, ông không tiếc dùng thủ đoạn. Tào chiêu hiền đãi sĩ, tuyển hiền tài rộng khắp, hiền tài thiên hạ về dưới trướng của Tào Tháo chẳng khác nào nước về nguồn.

Một trong những phương pháp chiêu mộ hiền tài của Tào Tháo là "đào chân tường", chiêu mộ hiền tài từ kẻ địch. Tào Tháo tuy luôn cầu hiền tài, yêu người tài như mạng sống nhưng đồng thời cũng không thoát được việc bị tư tưởng đố kị, ghen ghét trói buộc.

Tào Tháo biết cách dùng người nhưng đôi khi ông có những động thái không rõ ràng. Diều quan trọng nhất là Tào Tháo đa nghi, hơn nữa còn thích nghi kỵ.

Ông chú trọng tài năng, tạo cơ hội cho nhiều hiền tài ở tầng lớp trung lưu và hạ lưu có cơ hội thể hiện bản lĩnh, đồng thời cũng tạo ra sân khấu thể hiện tài năng nhiều anh hùng xuất thân thấp kém, bần hàn. Cách dùng người của Tào Tháo là một kinh nghiệm quý báu cho hậu thế.

Tôn Quyền: Mạnh dạn sử dụng người mới

Tôn Quyền (5 tháng 7 năm 182– 21 tháng 5, 252) là người sáng lập của chính quyền Đông Ngô dưới thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông thừa hưởng quyền kiểm soát đất Giang Đông từ tay huynh trưởng, Tôn Sách, năm 200. Ông tuyên bố độc lập và trị Giang Đông từ năm 222 đến 229 với tước hiệu Ngô Vương và từ năm 229 đến 252 với tước hiệu Hoàng đế Ngô. 

Không như các đối thủ Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền thường đóng vai trò trung lập trong các cuộc xung đột của Thục và Ngụy, và chỉ đứng về một trong phía hai bên còn lại nếu điều đó có lợi cho nước Ngô; cũng không bao giờ cố gắng để thống nhất ba nước, mặc dù nhiều sử gia cho rằng là do không đủ thực lực để làm điều đó.

Hoc-duoc-gi-tu-Dao-dung-nguoi-cua-3-ong-lon-thoi-Tam-Quoc

Tôn Quyền cũng được các sử gia đánh giá là nhân vật biết dùng người. Phương pháp dùng người của Tôn Quyền có một đặc điểm đáng chú ý, đó là dám mạnh dạn dùng người mới. Khi ông chỉ định Chu Du đánh Tào Tháo trong trận Xích Bích, Chu Du chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. Sau khi Chu Du chết, Tôn Quyền cử Lỗ Túc để tiếp tục các vấn đề quân sự.

Sau Lỗ Túc đến lượt Lã Mong, đây cũng là một chàng trai trẻ anh tuấn, tài giỏi, người đã đánh bại Quan Vũ, một trong "ngũ đại hổ tướng" của Lưu Bị ở trận Kinh Châu, giúp Đông Ngô giành lại căn cứ địa chiến lược. 

Sau khi Lưu Bị quyết tâm phạt Đông Ngô, trả mối thù giết huynh đệ, Tôn Quyền lại "liều" trọng dụng một thư sinh vô danh là Lục Tốn, người có công đầu đánh bại quân Thục Hán của Lưu Bị tại trận Di Lăng.

Có thể thấy nhân tài ở Đông Ngô luôn ở vào thế "có người kế nhiệm", người trước ngã xuống, ngay lập tức có "hảo hán" khác lên thay thế, không để xảy ra cuộc khủng hoảng tài năng tương tự ở Thục Hán. Ở điểm này, Đông Ngô có vẻ cao hơn Thục Hán một nước cờ, đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh dùng người của Tôn Quyền.

Lưu Bị: Hạ mình cầu hiền

Lưu Bị (161 – 10 tháng 6 năm 223) là vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc. Chính sử Trung Quốc chép, Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, biết ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình, cả Tào Tháo cũng đánh giá rất cao tài năng của ông.

Trước hết, Lưu Bị rất giỏi trong việc thu phục lòng người, hạ mình cầu hiền. Thứ hai, Lưu Bị cũng sử dụng phương pháp "đào chân tường" để tìm kiếm nhân tài. Triệu Vân, một trong "ngũ đại hổ tướng" cũng được "đào" từ người bạn cũ là Công Tôn Toản. Lưu Bị giỏi chiêu mộ nhân tài và cũng giỏi sử dụng nhân tài. 

Hoc-duoc-gi-tu-Dao-dung-nguoi-cua-3-ong-lon-thoi-Tam-Quoc-7

Tuy nhiên, về mặt dùng người, Lưu Bị đã bỏ qua một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là: Dùng người mới. Do đó, trong cuộc đấu tranh giữ trí tuệ và quyền lực này, một khi các "cựu chiến binh" chết, Thục Hán sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tài năng.

Cần phải nói rằng, việc thiếu hiền tài là một trong những lý do quan trọng khiến Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong. Về việc này, Lưu Bị có thể thoát được liên quan? Trong rất nhiều trường hợp, Lưu Bị cũng cho thấy mình là người thiên vị, thưởng phạt bất minh, vì "nghĩ nhỏ" mà quên đi "nghĩa lớn".

Nhìn vào cách dùng người của 3 "ông lớn" thời Tam Quốc, nếu bạn là ông chủ, bạn nên học hỏi và tiếp thu để nhanh chóng đưa ra được cho mình phương pháp dùng người hữu ích nhất. Còn nếu bạn là "quân" thì hãy cố gắng phát triển bản thân để dù có ở dưới bất cứ "trướng" nào cũng có đất dụng võ. 

Xem thêm: Tấn bi kịch của bộ 3 cốt cán Lưu – Quan – Trương đều bắt nguồn từ kẻ "vô sỉ" nhất Tam Quốc, hắn là ai?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận