Đường học của cô bé xóm chạy thận lại vấp thêm tảng đá lớn

Người ta có con đậu đại học thì mừng rỡ, còn bà Chung thì đỏ hoe đôi mắt. Bởi bà lo, đường học của con gập ghềnh vì bố mẹ đều bệnh tật...

Đỗ Thu Nga
11:24 10/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày về buồn bã của người phụ nữ nghèo

Trong căn phòng rộng chỉ tầm 12m2 bên hông Bệnh viện Đà Nẵng, thời gian như ngưng đọng với mẹ con bà Nguyễn Thị Kim Chung và con gái Lý Thị Kim Thoa, cùng hai người phụ nữ khác đồng cảnh ngộ. Họ đều là dân Quảng Nam gặp nhau ở khoa thận rồi kéo nhau về góp tiền thuê trọ.

Bà Chung chạy thận lâu năm nên da đen đặc, mỗi lúc cười chỉ lộ ra hàm răng trắng bóng. "15 năm nay ở bệnh viện chỉ còn tui sót lại chứ bao người chữa chạy cùng thời chết hết cả rồi" - bà Chung cười.

duong-hoc-cua-co-be-xom-chay-than-lai-vap-them-tang-da-lon-0
Bà Chung chạy thận và sống dựa vào quà tặng từ các đoàn từ thiện

Người phụ nữ quê Quảng Nam này rời quê hương từ năm 16 tuổi vào TP.HCM làm công nhân. Rồi bà gặp người đàn ông cụt tay, quê ở miền Tây tên là Lý Hằng Xuyên và đến với nhau. Bà Chung nói bà cũng không hiểu vì sao mình lại chọn một người cụt tay bẩm sinh. "Gia đình ngăn cản dữ dội lắm, không cho về quê luôn. Nhưng duyên số mình không cưỡng lại được" - bà kể. 

Cặp vợ chồng công nhân thuê trọ và sinh cô con gái Kim Thoa vào năm 2005. Mọi thứ ổn cả cho tới khi Thoa 3 tuổi, bà Chung bị viêm cầu thận cấp.

"Bao năm dành dụm được chút tiền đều ném vô chữa trị tìm hy vọng sống. Nhưng được một năm thì tiền chẳng còn đồng nào. Bệnh trở nặng, bệnh viện trả về, chồng bế con, tôi ôm hết hành lý trả trọ về quê sống những ngày tháng cuối đời" - bà Chung nhớ lại.

15 năm theo mẹ tìm sự sống

Câu chuyện của vợ chồng bà Chung với người chồng quê miền Tây khăn gói về quê đón nhận cái kết buồn gây thương cảm cho vùng quê Thạch Thượng, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) năm 2008.

Bà Chung kể rằng bà xác định "về quê để chết bên quê mẹ", nhưng sự sống kỳ diệu đã đến. Khi về quê, bà được đưa ra Đà Nẵng chạy thận, điều trị và nuôi hy vọng kéo dài sự sống.

Quá trình nhập viện ở đây khiến cơ thể bà thích ứng tốt, tăng cân, có dấu hiệu phục hồi. Một tháng, hai tháng và trải qua hàng năm, bà vẫn khỏe mạnh.

Khi cuộc sống tạo ra điều kỳ diệu, bà Chung động viên chồng ở nhà nuôi con, còn mình tập làm quen với ngôi nhà mới ở Bệnh viện Đà Nẵng. 

duong-hoc-cua-co-be-xom-chay-than-lai-vap-them-tang-da-lon-9
Bữa cơm đạm bạc của mẹ con Thoa và người chạy thận đồng cảnh ngộ

Ông Xuyên hằng ngày nhận mấy sào ruộng của người dân để làm lụng, tới mùa thu hoạch thì trả lại phần thuê đất. Cô con gái Lý Thị Kim Thoa một tay ông nuôi nấng, chăm sóc và lớn từng ngày.

"Mẹ con nằm ở viện chạy thận quanh năm, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà thăm ba và con. Còn ba quần quật làm lụng, đến mùa ruộng lầm lũi cày cấy, khi rảnh việc ai kêu gì thì chạy đi làm thuê. Con ở nhà một mình và luôn thấy sợ hãi, ngoại đã quá già yếu", Thoa tâm sự.

Ngồi bên mẹ mình trong căn phòng nóng như phả lửa xuống, Thoa khóc òa và kể suốt 15 năm qua mình phải sống trong cảnh xa mẹ.

Cô tân sinh viên Quảng Nam này bảo khi lớn hơn, cô thường lên xe của người quen hoặc tìm bất cứ xe của ai mà cô biết để đi ké ra Đà Nẵng thăm mẹ. 

Thoa càng lớn, những chuyến đi phiêu lưu, có chút liều lĩnh như thế diễn ra thường xuyên hơn. Khi tới cấp 2, cấp 3, con đường gần 70km từ Quế Phong (Quế Sơn, Quảng Nam) ra tới Bệnh viện Đà Nẵng gần như làu nhẵn, cô học trò nghèo thuộc từng bước chân mình, từng ngôi nhà hai bên đường.

duong-hoc-cua-co-be-xom-chay-than-lai-vap-them-tang-da-lon-8
Bữa cơm đạm bạc của mẹ con Thoa và người chạy thận đồng cảnh ngộ

Thoa đi học từ tiền quyên góp từ thiện, quần áo bạn bè, thầy cô góp mua hoặc dùng lại đồ cũ từ bạn cùng trang lứa. Thoa nói mấy năm cấp 3 trường có quy định mặc áo dài, nhưng mình chưa tự sắm bộ nào mà mặc lại đồ của bạn, bộ mới duy nhất là năm lên lớp 11 được một quỹ học bổng tặng cho học sinh nghèo học giỏi.

"Con đi học nhưng thỉnh thoảng vẫn có tiền dư dả để mua đồ ăn cho mẹ" - câu nói của Thoa làm chúng tôi bất ngờ. 

"Tiền ở đâu ra?". Nghe câu hỏi này Thoa thật thà nói rằng thỉnh thoảng có đoàn từ thiện biết hoàn cảnh nên tới thăm mình. "Họ cho con lúc thì 100.000 đồng, lúc thì 200.000 đồng. Có bao nhiêu con góp lại để ra Đà Nẵng mua đồ ăn cho mẹ" - Thoa kể.

Kim Thoa đậu vào ngành công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đà Nẵng) với tổng điểm trên 25. Hai mẹ con cũng dành được 10 triệu đồng lận lưng để vào trường từ khoản tiền các đoàn từ thiện tới cho.

Nhưng bi kịch một lần nữa lại đến với Thoa khiến ước mơ như gặp phải tảng đá lớn: ba của Thoa vừa đi khám và phát hiện mắc lao phổi. "Con không biết sẽ phải làm sao những ngày tới", Thoa buồn bã.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Tình cảnh khốn khó của 8 anh em mồ côi: Gia tài cha mẹ để lại chỉ có căn nhà gỗ xiêu vẹo!

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận