Mối lương duyên đặc biệt của hai cựu chiến binh: Được đồng đội cứu ở chiến trường, đến thời bình lại cứu con trai đồng đội
Kể về mối lương duyên kỳ lạ của mình, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Bồi không khỏi bồi hồi xúc động, bởi nó chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích.
"Trong chiến trận, tình đồng đội là nghĩa tình thiêng liêng mà chỉ người trong cuộc mới cảm thấy", ông Nguyễn Trọng Bồi (71 tuổi) đúc kết kỷ niệm thời chiến binh trong ngôi nhà rợp bóng cây ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Tình đồng đội gắn bó keo sơn
Nhập ngũ vào ngày 15/9/1972, đúng thời điểm miền Nam đang đỏ lửa, ông Bồi là lính tiểu đoàn 7, trung đoàn 3, sư đoàn 5. Đây là đợt tuyển quân tăng cường cho chiến trường ngày càng khốc liệt.
Ở trận Thủ Thừa, Long An, trong lúc chiến đấu ông Bồi bị mảnh pháo cắt vào đường gân chính điều khiển bàn chân trái khiến ông không thể di chuyển được. Và nếu ông cứ nằm bẹp như thế, không trúng phải bom rơi, đạn lạc thì cũng bị địch bắt bất cứ lúc nào.
Chính trong giây phút nguy nan ấy, người trung đội trưởng Lê Viết Quyên, quê Thanh Hóa, đã bất ngờ xuất hiện cứu lấy người đồng đội đang oằn người vì vết thương.

Ông Bồi xúc động kể lại: "Lúc đấy tôi nặng hơn đồng đội nhiều, tôi nói ông ấy cứ bỏ tôi lại. Thế nhưng ông ấy quát tôi im lặng và cố sức dìu tôi từng bước một đến bến sông, đưa lên một chiếc thuyền trở về tuyến sau để điều trị. Hành động đó cao lớn hơn cả trách nhiệm người chỉ huy, đó là tình đồng đội, là tình người!".
Trở về từ cuộc chiến, đội quân của ông Bồi khi ấy chỉ còn vẻn vẹn 100 người trong tổng số 600 lúc xuất trận và hiếm ai còn lành lặn, nếu không bị thương nặng thì cũng bị thương nhẹ. Vết thương ông Bồi được điều trị tốt nên vẫn đi lại được, không phải ngồi xe lăn suốt đời.
Ông Bồi nói trong niềm hân hoan: "Chúng tôi kết thúc tập một của đời người lính ở cái tuổi 18 đôi mươi như thế, cho đến giờ vẫn còn tự hào lắm, mình đã làm được điều gì đó cho Tổ quốc".
Mối lương duyên kỳ lạ: Cứu con trai đồng đội
Chiến tranh kết thúc, chẳng biết ai còn, ai mất. Dù vậy ông Bồi vẫn luôn mong mỏi tìm lại được người đồng đội đã cứu mình năm xưa.
"Tôi chỉ nhớ đồng đội ấy quê biển Thanh Hóa. Bởi một lần chúng tôi chơi bài trong đơn vị, có luật chơi thế này, nếu ai thua, người đó phải nói một câu như tôi tên là..., năm nay bao nhiêu tuổi..., quê quán..., nay tôi thua, xin được chia bài phục vụ các bạn. Thế là tôi nhớ ra, còn tuyệt nhiên không biết vùng biển đó chính xác là vùng nào, Thanh Hóa thì có cả trăm km bờ biển", ông Bồi kể.
Từ Hà Nội vào Thanh Hóa gần 200km. Cứ có thời gian vị cựu chiến binh lại chạy xe máy lần tìm người đồng đội năm xưa, cứ thế đến lần thứ 3, thứ 4 thì có tin tức. Mừng nhất là đồng đội còn sống, nhưng gia cảnh nghèo, là một ngư dân chất phác.
Thấy gia cảnh của đồng đội, ông Bồi về bàn với vợ tặng cho gia đình đồng đội một chiếc tivi đen trắng, khi đó gia đình ông cũng chỉ xem tivi này. Đêm đến, cả xóm kéo đến nhà đồng đội xem phim đông vui lắm, họ gọi điện báo ông như vậy.

Gặp nhau năm 1996, thì một năm sau đó ông Bồi nghe hung tin đồng đội qua đời sau một trận cảm nặng. Không dừng lại ở đó, tai họa liên tiếp ập đến gia đình người cựu chiến binh nghèo, cậu con út tên Dũng (22 tuổi) mắc viêm tủy gây liệt toàn thân nếu không được mổ kịp thời sẽ chết nay mai.
Nhận được tin, vợ chồng ông Bồi quyết định táo bạo mang Dũng ra Hà Nội mổ với hy vọng "còn nước còn tát". Ông Bồi liên hệ trước với bác sĩ cho xe chở thẳng vào sảnh bệnh viện. Ban đầu là Bệnh viện Bạch Mai, nhưng khi hội chẩn chính xác thì các bác sĩ ở Bạch Mai lúc ấy lại không thể mổ được.
Họ được giới thiệu sang Bệnh viện Lao phổi trung ương, vì liên quan u lao tủy. Ông Bồi lại tiếp tục viết "tâm thư" cho trưởng khoa mổ của Bệnh viện Lao phổi. Mặt khác, ông đổi địa chỉ hồ sơ của Dũng, ghi quê quán tại địa chỉ gia đình của ông ở Hà Nội với hy vọng xét thủ tục cho nhanh.
Bác sĩ Tọa trưởng khoa cũng là cựu chiến binh, biết không đúng địa chỉ nhưng vẫn bỏ qua, quyết định mổ sớm cho Dũng vì bệnh tình đã chuyển nặng không thể trì hoãn thêm được nữa. Bác sĩ Tọa nói cơ hội 50/50, nếu thành công Dũng có thể bị vô sinh và ngồi xe lăn cả đời. Ông Bồi đồng ý mổ.
Hôm ca mổ diễn ra trời mưa rất to, ông Bồi ngồi ngoài hành lang đợi từng giây. Năm tiếng đồng hồ trôi qua, vị cựu chiến binh đứng ngồi không yên, trời lạnh mà lưng áo ông vẫn đẫm mồ hôi.
"Khi bác sĩ Tọa bước ra khỏi phòng, bước đến gặp tôi nói "ông à, tôi thông báo với ông là ca mổ thành công hơn những gì chúng ta mong đợi đấy". Tim tôi đập loạn lên vì vui mừng", ông Bồi vừa kể vừa cười trong hạnh phúc khi nhớ về ngày ấy.
Sau đó, Dũng được đưa về Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa để phục hồi. Nhưng vợ ông Bồi thấy Dũng yếu quá, nhà lại nghèo nên bàn với chồng đưa về nhà mình để tiện chăm sóc, bồi dưỡng cho cháu.
"Rất may Dũng khỏe lên dần, không bị ốm nặng lần nào nữa. Thấy Dũng đã lớn, nghĩ học hành sẽ khó theo kịp các bạn cùng trang lứa, nên chồng tôi khuyên Dũng tập lái xe. Ông ấy trực tiếp chỉ dạy, vài năm sau Dũng đủ sức khỏe và thi đậu bằng lái. Tôi xin cho Dũng vào làm lái xe kiêm bảo vệ ở chi nhánh Từ Liêm của Ngân hàng Chính sách. Dũng làm từ đó cho tới nay", bà Vân (vợ ông Bồi) cho biết.
Anh Lê Viết Dũng giờ vẫn khỏe mạnh, có gia đình riêng với hai đứa con ngoan, một trai một gái. Nhắc đến ông Bồi, người ân nhân mà anh ví như người cha thứ hai đã sinh ra mình một lần nữa, anh nhớ nhất chính là khoảnh khắc nằm trên bàn mổ giành sự sống với thần chết: "Lúc đó tôi chỉ độ hơn 20kg, ông bế tôi gọn lỏn trong vòng tay. Tôi ôm ông, bàn tay tôi đặt phía sau lưng thấy ướt nhoẹt, lưng ông túa mồ hôi đầm đìa. Tôi suốt đời mang ơn ông".
Xem thêm: Cô giáo khuyết tật 16 năm mang chân giả đi làm từ thiện
Tin liên quan
Nhìn nụ cười của bố tôi hạnh phúc vô ngần. Đôi khi báo hiếu không cần đến những điều to tát. Chỉ cần cha mình nhai ngon một bữa cơm, cười rạng rỡ không ngại ngùng, là đủ thấy lòng ấm.
15 chữ ngắn gọn nhưng tựa như một lời thức tỉnh để hàng triệu bậc phụ huynh cần ngẫm lại xem mình đã thật sự hiểu con chưa?
Ở đời, chúng ta sử dụng rất nhiều thứ - có thứ hỏng thì có thể thay được nhưng có những thứ nếu chọn sai thì rất khó sữa chữa, nhất là nhà cửa.