Cuộc giải cứu các cầu thủ nhí Thái Lan - Câu chuyện nhân văn về tình người, tình đoàn kết
Cuộc giải cứu các cầu thủ nhí Thái Lan vào năm 2018 là một câu chuyện nhân văn về tình người, tình đoàn kết, không phân biệt sắc tộc, giới tính, quốc tịch...
19h tối một ngày tháng 7/20188 cả nước Thái Lan như vỡ òa trong niềm vui sướng và xúc động khi thành viên cuối cùng trong số 13 thầy trò của đội bóng đã được đưa ra khỏi hang Tham Luang (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan).
Các bạn biết không, trên thế giới có rất nhiều chiến dịch cứu hộ, song có lẽ chiến dịch cứu các em nhỏ ở hang Tham Luang được xem là nguy hiểm nhất. Khi đó, điều kiện hang sâu, bị ngập nước, địa hình khó khăn, tầm nhìn hạn chế, nước mưa vẫn không ngừng đổ vào hang... Việc những nhân viên cứu hộ đánh cược mạng sống của mình để cứu các em nhỏ rất đáng khâm phục.
Cuộc giải cứu thành công đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng về tình người được lan truyền khắp hành tinh. Ở đó không có sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, quốc tịch mà chỉ là những con người đang làm hết sức mình để giúp đỡ những người hoạn nạn.
Đó là những người trong đội bơm nước luôn dính đầy bùn đất. Nhiều người trong số đó thậm chí đã tự mang máy móc của mình tớ Tham Luang để hút nước từ trong hang ra ngoài ngay khi vừa biết tin.
Đó là người phụ nữ tên Rawinmart Luelert đã tình nguyện mang hết quần áo và tư trang của các nhân viên cứu hộ về giặt sạch. Cô chia sẻ rằng: "Một ngày, một người bạn gửi cho tôi vài bức ảnh về những nhân viên cứu hộ trong bộ đồ dính đầy bùn đất. Cảnh sát nói rằng đồng phục của họ đã không được giặt 4 ngày nay rồi. Tôi rất vui khi có thể giúp đỡ họ". Cô và những nhân viên, tình nguyện viên đã làm việc suốt đêm để những nhân viên cứu hộ có quần áo sạch mặc vào hôm sau.
Suwan Kankeaw - nhân viên tiệm giặt đồ bày tỏ:"Tôi thực sự hy vọng đội cứu hộ sẽ thành công. Tôi không có khả năng trực tiếp đưa bọn trẻ ra ngoài, những gì tôi có thể làm là giặt sạch những bộ đồ này. Trong những người đóng góp vào cuộc giải cứu, có những người mà trong chúng ta không ai nhớ mặt, nhớ tên họ nhưng họ vẫn luôn làm việc và đóng góp trong thầm lặng với hy vọng duy nhất là cứu được các cậu bé và huấn luyện viên ra ngoài".
Cuộc giải cứu kỳ diệu này còn là câu chuyện về tình đoàn kết. Ở đó, có sự tham gia của nhiều thợ lặn và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Myanmar… Nếu nói ý chí sống mãnh liệt của đội bóng qua nhiều ngày trong hang động là một điều kỳ diệu thì cuộc giải cứu này là một kỳ tích.
Trong địa hình đầy thử thách, những người thợ lặn vẫn quyết tâm lặn sâu, bò qua bùn và các mảnh vụn khe hẹp chỉ đủ 1 người chui qua cộng với việc thiếu ánh sáng và nhiều cầu thủ nhí không biết bơi thì việc đưa được các em ra khỏi hang động thực sự là một điều phi thường.
Hành trình thoát khỏi hang Thum Luang còn là hành trình của sự hy sinh, trong đó, không thể không nhắc đến người thợ lặn Saman Gunan. Anh đã hy sinh trong cuộc giải cứu đội bóng nhí ở hang Tham Luang do thiếu oxy trong đường hầm cửa hang nhưng tấm gương về lòng dũng cảm của anh vẫn được kể mãi về sau.
"Trong mắt của mọi người, anh ấy rất dễ mến. Tôi rất yêu anh ấy, thực sự yêu anh ấy. Saman từng nói không biết cái chết sẽ đến khi nào. Chúng ta không thể thay đổi được điều đó nên việc cần làm là hãy yêu thương, trân trọng nhau mỗi ngày. Tôi sẽ lấy lòng tự hào để quên đi nỗi buồn đau”, vợ anh Saman Gunan chia sẻ.
Ở hành trình trở về của các cầu thủ nhí Thái Lan còn là câu chuyện về tình cảm gia đình. Chỉ có những người làm cha, làm mẹ mới hiểu nỗi lo lắng, bất an khi con cái gặp hiểm nguy. Bên ngoài hang động, người ta không chỉ thấy tình nguyện viên, phóng viên, nhân viên y tế... mà còn thấy hình ảnh các bậc cha mẹ đang khắc khoải mong ngóng tin tức về con mình. Đó là hình ảnh họ chia vui với nhau khi một cầu thủ được cứu ra ngoài.
Cuộc giải cứu còn là câu chuyện về sự dũng cảm và ngoan ngoãn của các cầu thủ nhí. Ở trong hang động tối tăm, thiếu thốn đủ thứ, các cầu thủ nhí đã kiên cường bám trụ bằng hi vọng. Các cậu bé vẫn nhắn nhủ những lời ngọt ngào để cha mẹ ở ngoài được an tâm: "Ba mẹ đừng lo nhé, con ổn"; "Con yêu ba mẹ"; "Đừng lo lắng vì con vắng mặt hai tuần. Con sẽ sớm giúp mẹ bán hàng thôi"; “Con không sao cả, chỉ hơi lạnh chút thôi, đừng quá lo lắng và đừng quên sinh nhật con nhé”.
Có một từ không thể bỏ qua khi nhắc đến câu chuyện về đội bóng Lợn Rừng, chính là “hy vọng”. Câu chuyện về các cậu bé đội bóng Lợn Rừng và huấn luyện viên của họ là câu chuyện kỳ diệu về sức sống mãnh liệt của niềm hy vọng. Trong điều kiện thiếu thốn về thực phẩm, không có ánh sáng và nguồn oxy cạn kiệt, họ vẫn bình tĩnh và tin tưởng rằng sẽ có người tìm ra mình. Chính sự lạc quan ấy đã giúp họ trụ vững trong nhiều ngày và chờ đợi được đến ngày được cứu ra ngoài.
Phía sau cuộc giải cứu đội bóng Lợn Rừng còn là câu chuyện truyền cảm hứng về lòng vị tha. Dù huấn luyện viên Ekkapol là người đã đưa các cầu thủ nhí vào hang và dẫn đến việc cả đội bóng bị mắc kẹt nhưng thân nhân các cầu thủ vẫn không trách móc hay đổ lỗi cho anh mà còn bày tỏ rằng: “Chúng tôi mong huấn luyện viên Ekkapol tiếp tục chăm sóc tụi nhỏ. Anh không phải tự trách mình đâu. Chúng tôi muốn anh không quá nặng nề. Chúng tôi không tức giận gì anh cả. Chúng tôi hiểu tình thế của anh và muốn gửi tới anh hỗ trợ về tinh thần".
Sau đó, vị huấn luyện viên trẻ đã viết thư xin lỗi gia đình các cầu thủ nhí: "Thưa các vị phụ huynh, tụi nhỏ hiện vẫn ổn. Tôi hứa sẽ chăm sóc các em tốt nhất có thể. Tôi muốn cảm ơn các vị đã hỗ trợ và tôi cũng muốn xin lỗi quý vị".
Ngoài ra, cuộc giải cứu này còn toát lên câu chuyện về sự thấu hiểu trong cách con người đối xử với nhau. Không oán trách, không giận hờn... ở đó chỉ có lòng vị tha, sự cảm thông và những lời động viên...
Xem thêm: Sư tử già - Câu chuyện cuộc sống giúp bạn nhận ra giá trị của sự khiêm tốn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận