Nghị lực sống và lòng nhân ái: Chàng trai khuyết tật vượt nghịch cảnh, tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ

Không đầu hàng số phận, anh Lê Văn Thạch (38 tuổi, trú tại xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vươn lên làm chủ cuọc đời, mở cơ sở sản xuất chổi đót tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ.

Đỗ Thu Nga
08:00 11/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cơ duyên đến với chổi đót

Sinh ra vốn khỏe mạnh nhưng cho đến khi lên 2 tuổi, một cơn sốt kéo dài khiến 2 chân của anh Thạch bị teo dần. Mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng cuối cùng anh chỉ có thể bước những bước đi chập chững, xiêu vẹo.

Học hết lớp 6, anh Thạch đành xin nghỉ bởi việc đi lại quá khó khăn cùng với việc gia đình không có ai đưa anh đến trường thường xuyên. Sau đó, anh phiêu bạt vô TP.HCM xin vào làm tại xưởng sản xuất xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật rồi chuyển sang bán vé số, làm công nhân may, làm thợ mộc mỹ nghệ…

Gần 10 năm mưu sinh nơi đất khách quê người, anh Thạch dành dụm được một số vốn rồi quay trở về Kon Tum tìm kiếm công việc khác để nâng cao thu nhập.

Năm 2016, UBND TP.Kon Tum triển khai dự án "Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập". Anh Thạch đăng kí tham gia. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định học nghề làm chổi đót vì nghề này phù hợp với khả năng của bản thân và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cuối năm 2016, anh quyết định thành lập nhóm sản xuất chổi đót với tên gọi "Tự lực 1" với 13 thành viên tham gia. Trong số này có một số người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

chang-trai-khuyet-tat-tao-viec-lam-cho-nguoi-cung-canh-ngo-0
Cơ sở sản xuất chổi đót của anh Thạch hiện đang tạo công ăn việc làm cho 13 người, trong số này có những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, qua đó, giúp họ có thu nhập ổn định

Nói về lý do thành lập nhóm sản xuất chổi đót anh Thạch cho biết: "Lúc ấy đi trên đường, khi thấy nhiều người cùng cảnh ngộ như mình đi bán vé số, bán hàng rong tôi chợt nghĩ, nếu cứ mãi làm công việc này chỉ đủ ăn qua ngày chứ không có một ít dành dụm để phòng lúc ốm đau. 

Chính vì vậy, tôi muốn thành lập một nhóm người khuyết tật cùng nhau làm việc và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Tôi chọn nghề làm chổi đót vì nghề này nhẹ nhàng, không vất vả như những nghề khác, không phải đi lại quá nhiều nên rất phù hợp với người khuyết tật".

Từ đây, anh tận dụng khoảng sân trước nhà rộng khoảng 100m2 lợp tôn để làm nơi sản xuất. Các thành viên mới sẽ được anh cầm tay chỉ việc cho đến khi thuần thục và có thể tự sản xuất chổi độc lập. 

Thu nhập trung bình của các thành viên từ 70.000-100.000 đồng/người/ngày và có thể cao hơn tùy khả năng.

Theo anh Thạch, quãng thời gian đầu thành lập, nhóm sản xuất chổi đót của anh gặp khá nhiều khó khăn do tay nghề chưa cao, sản phẩm không như ý muốn.

"Hồi mới ra mắt, nhóm của tôi thua lỗ cả chục triệu đồng. Sau đó, gia đình khuyên tôi nên từ bỏ nghề này đi nhưng tôi không đồng ý. Không nản chí, tôi tiếp tục rèn lại tay nghề. Trải qua giai đoạn khó khăn, sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đẹp mắt hơn và được nhiều người đón nhận", anh Thạch nhớ lại.

Năm 2020, một tổ chức nước ngoài đã đặt hàng nhóm của anh làm 5.000 cây chổi đót.

"Lúc đó, tôi rất vui sướng vì đơn hàng lớn này sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, thời điểm đó tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến nên đơn hàng không thể xuất bán được. Tôi bế tắc không biết phải cách tiêu thụ thế nào với số chổi tồn kho. Sau đó, tôi liền đến gặp Thành đoàn Kon Tum nhờ giúp đỡ. Vài ngày sau, Thành đoàn phối hợp với chính quyền địa phương đã huy động các đơn vị giải cứu chổi đót cho nhóm", anh Thạch kể lại.

Giúp người khuyết tật vươn lên, hòa nhập với cộng đồng

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh (29 tuổi, trú tại thôn 6, xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum) – thành viên của nhóm mắc bệnh thiểu năng trí tuệ từ khi mới sinh ra. Do vậy, việc tiếp thu mọi thứ trong công việc gặp khá nhiều khó khăn. Được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của anh Thạch, chị đã dần quen với một số công đoạn trong việc làm chổi như tước bông đót, bó chổi, đan và cắt tỉa đót…

Dù khó khăn trong việc nói, nhưng khi nhắc đến sự giúp đỡ của anh Thạch đối với mình, chị Trinh xúc động cho biết: "Sau khi vào làm cơ sở sản xuất chổi đót của anh Thạch, tôi có công ăn việc làm ổn định, khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này tuy không lớn nhưng vừa đủ để tôi trang trải cho cuộc sống".

Còn bà Y Yiung (65 tuổi, trú tại làng Hnor, xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum) bộc bạch: "Tôi bị gù lưng nên gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và lao động. Vậy nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà làm những công việc nhẹ. Được Thạch vận động, tôi thử sức với công việc làm chổi đót. Mỗi ngày ngồi tước đót, tôi cũng kiếm hơn 80.000 đồng. Tôi cảm thấy vui và may mắn khi có việc làm đem lại nguồn thu nhập".

chang-trai-khuyet-tat-tao-viec-lam-cho-nguoi-cung-canh-ngo-8
Trải qua nhiều khó khăn, sản phẩm chổi đót của nhóm anh Thạch ngày càng hoàn thiện, đẹp mắt và được người tiêu dùng ưa chuộng

Với người khuyết tật làm việc tốt, có chất lượng anh Thạch còn trích tiền túi ra để thưởng thêm, động viên tinh thần. Ngoài ra, anh còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm một số nhu yếu phẩm cần thiết đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

"Tôi hy vọng rằng, người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào ai. Điều này giúp họ bớt tự ti, mặc cảm với bản thân để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng", anh Thạch nói.

Được biết, mỗi năm nhóm của anh Thạch làm được từ 12.000-15.000 cây chổi đót. Với giá bán từ 17.000 - 60.000 đồng/cây, sau khi trừ đi các chi phí nhóm thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: "Nhóm sản xuất chổi đót của anh Thạch không những tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở xã mà còn giúp đỡ người kém may mắn ở các địa phương lân cận. Đây là điều tôi rất mừng. 

Thời gian tới, UBND xã tiếp tục hỗ trợ nhóm tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất để tiến tới thành lập hợp tác xã. Qua đó, giúp cho người khuyết tật có thêm niềm tin và động lực trong cuộc sống".

(Theo Dân Việt)

Xem thêm: Nghị lực sống và lòng nhân ái: Cô gái khuyết tật tiếp ý chí cho người nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận