Vợ chồng mới cưới trăn trở: Nên dùng chung hay mở tài khoản ngân hàng riêng?
Một số đôi vợ chồng dùng chung tài khoản để tiện quản lý tài sản, nhưng cũng có cặp cho rằng đó là nguyên nhân khiến hạnh phúc tan vỡ.
Thông thường, sau khi kết hôn hoặc bước vào mối quan hệ lâu dài, các cặp đôi có xu hướng chia sẻ mọi thứ. Điều này bao gồm việc ở chung, cùng nuôi thú cưng hay hợp nhất các nguồn tài chính. Tuy nhiên, tiền bạc vốn là chuyện khó nói, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra mâu thuẫn. Vì thế, các cặp đôi, đặc biệt là các cặp vợ chồng cần suy xét, cân nhắc về cách quản lý tài chính.
Khảo sát Tình yêu và Tiền bạc năm 2019 với các cặp vợ chồng đã kết hôn của Ngân hàng TD (Mỹ) cho thấy, 57% nói có chia sẻ tài khoản ngân hàng, trong khi 2/3 chỉ chia sẻ ít nhất một thẻ tín dụng. Nhưng hiện nay, người trẻ ngày càng do dự trong việc chia sẻ tài chính. Cuộc khảo sát từ Bank of America có kết quả, 28% các cặp vợ chồng trẻ chọn giữ riêng tài chính.
Ngoài ra, một khảo sát khác của công ty dịch vụ tài chính Varo Money tiết lộ, nhiều cặp vợ chồng thích duy trì các tài khoản ngân hàng riêng biệt hoặc song song tài khoản chung và riêng. Trong số những người có tài khoản ngân hàng chung, 23% có một tài khoản riêng. Khi đề cập đến quỹ đen, 1/5 người được hỏi cho biết có một tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng bí mật.
Hợp nhất tài khoản ngân hàng là kết hợp lương cũng như các thu nhập khác vào một tài khoản duy nhất. Điều này có nghĩa là cả hai sẽ cùng nhau thanh toán, có chung mục tiêu tiết kiệm. Với người trẻ, việc dùng chung tài khoản là bước cuối trước khi hợp nhất tài chính. Nếu bạn đang cân nhắc làm việc này, hãy thử nhìn những lợi ích và hạn chế sau:
Lợi ích
- Vợ chồng hoặc cặp đôi có thể dùng chung nguồn tiền khi cần thiết. Điều này giúp việc thanh toán hóa đơn hoặc xử lý vấn đề tài chính chung dễ dàng hơn.
- Tài khoản chung giúp cả hai minh bạch về tài chính, dễ dàng theo dõi tài khoản và không bị bỏ soát hoạt động rút, thanh toán tiền.
- Trong trường hợp không may một trong hai người qua đời hoặc xảy ra sự cố, nửa kia có thể truy cập vào tài khoản chung mà không cần thông qua di chúc hay hệ thống pháp lý nào.
Hạn chế
- Cảm thấy mất khả năng độc lập tài chính, cho rằng mình bị "theo dõi" trong chi tiêu.
- Dễ xảy ra những rắc rối, mâu thuẫn: Chẳng hạn, một trong hai người có khoản nợ chưa thanh toán, chẳng hạn như nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên. Ngân hàng sẽ trừ tiền vào tài khoản chung, và không phải ai cũng thoải mái trả nợ thay nửa kia.
Vì thế, để tránh những tranh cãi không đáng có, các cặp đôi cần minh bạch, chia sẻ những khoản nợ riêng. Sau đó, nếu cả hai vẫn muốn dùng chung tài khoản, hãy cùng thảo luận những vấn đề sau:
- Xử lý ra sao với những khoản nợ chung và riêng?
- Giải quyết ra sao với những khoản đầu tư chung trong tương lai?
- Ai sẽ phụ trách thanh toán hóa đơn trong gia đình? Nguồn tiền từ đâu và phân chia ra sao?
- Sử dụng nguồn tiền nào trong những trường hợp khẩn cấp?
Theo Balance
Xem thêm: Cặp đôi bật mí kế hoạch tài chính "5 ưu tiên" giúp vợ chồng son lúc nào cũng hòa thuận
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận