Vĩnh biệt Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký: Thầy giáo nghị lực dùng chân viết nên số phận truyền cảm hứng
Phía gia đình cho biết, Nhà giáo ưu tú - thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh suy thận.
Sáng 28/9, theo thông tin từ gia đình chia sẻ, dân tình vô cùng bàng hoàng khi biết thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời. Thầy ra đi tại nhà riêng sau một thời gian chiến đấu với bệnh suy thận, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ của thầy được tổ chức ở nhà riêng tại phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) từ 8h sáng nay. Sự ra đi của người thầy giáo này khiến gia đình, người thân và bạn bè vô cùng đau xót, cư dân mạng cũng không khỏi nuối tiếc.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký, sinh năm 1947 tại huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Ký không may bị bệnh và liệt cả hai tay. Dù vậy, điều đó không thể cản được khát khao đến trường của cậu.
Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu tập viết bằng chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi...
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, năm 1963, Ký được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, đạt hạng 5 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông quan niệm: "Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở". Mặc cho bản thân bị bệnh tật dày vò, ông luôn nỗ lực đèn sách, bảo vệ thành công Luận văn tốt nghiệp.
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo. Ước mơ khi ấy của người thầy nghị lực là: "Dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà".
Năm 1992, ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tâm sự về nghề nghiệp, ông từng nói: "Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội". Sau đó 1 năm, thầy Ký cùng gia đình chuyển vào sinh sống và chữa bệnh tại TP.HCM, đồng thời chuyển công tác làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp.
Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho vào những trang sách giáo khoa như lời động viên, khích lệ cần có ý chí nghị lực, quyết tâm cũng như hãy tin vào chính mình và một ngày nào đó bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Ông còn từng lập kỷ lục Việt Nam là "Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân".
Khi còn khỏe, thầy còn đi giao lưu khắp nơi, khắp các vùng, miền trong cả nước. Từ trường tiểu học đến trường đại học, các bạn đều rất thích được thầy tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi về nhân sinh và cuộc sống. 1500 buổi nói chuyện tại các nhà trường THCS, THPT, THCN là một con số đáng nể phục!
Nhà giáo ưu tú từng tâm sự: "Con người ta chỉ sợ khiếm khuyết tâm hồn, đó là mầm tai họa, còn bất cứ khiếm khuyết nào trên cơ thể cũng không đáng sợ nếu ta dũng cảm đối diện và vượt qua để trở thành người không khiếm khuyết". Quả thực, ông trở thành một tấm gương truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học trò. Bên cạnh đó, ông cũng để lại nhiều tiếng vang qua các tác phẩm như Hồi ký "Tôi đi học", Hồi ký "Tôi học đại học", Hồi ký "Tôi đi dạy học", Tâm huyết trao đời…
Theo Tuổi trẻ Online, VTC News
Xem thêm: Chuyện tình đặc biệt giữa thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cùng hai chị em ruột
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận