Giá cao ngất trời, vì sao dân tình vẫn đổ tiền vào đầu tư bất động sản?
Dù cho thị trường liên tục biến động trong vài năm qua, giá cao ngất trời, nhiều người vẫn có xu hướng và thích đầu tư vào bất động sản.
Theo báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản vừa được batdongsan.com.vn công bố, có 92% trong số hơn 1.000 người Việt được khảo sát có ý định muốn mua nhà. Trong đó, có 67% muốn tìm kiếm bất động sản sơ cấp, 28% cân nhắc bất động sản thứ cấp. Đáng chú ý, hơn 1/2 số người được hỏi có dự định mua nhà trong 2 năm tới. Trong đó Hà Nội và TP.HCM là hai nơi được nhiều người lựa chọn mua nhất, sau đó là vùng ven hoặc các tỉnh tiếp giáp hai thành phố lớn.
Theo khảo sát, có khoảng 80% người Việt đang sở hữu ít nhất 1 bất động sản, thường là những người trong độ tuổi 40, đã có gia đình và thu nhập trung bình từ 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, những người có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên đang sở hữu ít nhất là 2-3 bất động sản.
Tuy đa phần đều đang sở hữu nhà đất, có tới 52% người cho rằng giá bất động sản đang quá cao. Tuy nhiên, 72% trong số đó cho biết họ vẫn muốn mua bất động, tin rằng giá đã giảm do dịch bệnh. Khoảng 1/3 người được hỏi kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng thêm 10% trong khoảng 5 năm tới. Có lẽ, đây là lý do chính khiến phần đông nguoiwf Việt Nam có xu hướng đầu tư vào bất động sản.
Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay: "Đất xung quanh Hà Nội, khu vực thổ cư, nhà phố tăng rất mạnh. Công trình đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng diễn ra mạnh khiến giao thông thuận tiện, kỳ vọng về sự phát triển kinh tế, giá cả tốt hơn. Vì thế, dòng tiền xu hướng vẫn ở miền Bắc. Tuy nhiên, về mặt dài hạn khu vực miền Nam vẫn là khu vực có sự hấp dẫn lớn, đặc biệt là các chủ đầu tư ngoài Bắc bởi cơ sở hạ tầng tốt, kinh tế tốt sẽ tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư".
Kể từ quý II/2020, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển đầu tư khá mạnh. Theo đó, nhiều nhà đầu tư từ miền Nam đã đổ tiền đầu tư bất động sản phía Bắc. Nguyên do là ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như mặt bằng chung giá bất động sản ở thị trường miền Bắc tăng trưởng tốt. Dù vậy, khi được hỏi về việc xu hướng bất động sản vùng ven sẽ giữ nhiệt trong bao lâu, ông Quốc Anh cho rằng hiện tại vẫn chưa thể xác định được.
Vị chuyên gia này cho biết: "Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế, chẳng hạn tôi có những người bạn ở chung cư khoảng 90-100m2, thời gian dịch bệnh ở gia đình đông 5-6 người cũng cảm thấy bí bức nên sau dịch lại có xu hướng tìm khu vực vùng ven xung quanh để xây những căn nhà rộng, không gian đủ lớn, để nếu có dịch bệnh phải cách ly thì ở nhà cũng sẽ thoải mái hơn... Trong khi đất ở vùng lõi càng ngày càng đắt và hiện đường sá, phương tiện giao thông công cộng và phương tiện cá nhân ngày càng phát triển thì bất động sản ven đô vẫn tiếp tục trở thành xu hướng được lựa chọn".
Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng cho biết, nhà đầu tư ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang có nhu cầu dịch chuyển đầu tư sang khu vực lân cận. Nguyên do chủ yếu là do giá bất động sản nội thành đang cao, do đó kỳ vọng sinh lời thường thấp hơn. Nhà đầu tư thường tìm cơ hội phát triển ở những quận, huyện ngoài trung tâm hay các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Điều này cũng có tác động tốt tới thị trường, giảm tải áp lực và tránh hiện tượng hét giá.
Chuyên gia Savills cũng nhất mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc thu hút nhà đầu tư và người mua không chuyên. Dự kiến, Hà Nội sẽ dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số dự án được ưu tiên phải kể tới vành đai 2.5, 3, 3.5, 4, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Thượng Cát; cải thiện và nâng cao tuyến đường quốc lộ, hoàn thiện các dự án tàu điện,...
Theo Minh Thư/Infonet
Xem thêm: Có gần 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, mẹ bỉm sữa băn khoăn không biết nên làm gì để sinh lời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận