Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và sự dứt khoát nhất quán: Từ bán VinMart cho đến dừng sản xuất điện thoại VinSmart
Dám nghĩ dám làm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người luôn giữ tính dứt khoát nhất quán, chẳng hạn như bán VinMart hay mới đây là dừng điện thoại VinSmart.
Ngày 9/5 vừa qua, nhiều người không khỏi xôn xao khi Vingroup thông tin VinSmart sẽ chính thức dừng sản xuất TV và điện thoại thông minh. Thay vào đó, họ sẽ tập trung toàn lực để phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô Vinfast.
Cụ thể, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang cho hay: "Việc sản xuất điện thoại hoặc TV thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển ô tô thông minh, ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh mang đến nhiều lợi ích và trải nghiệm vượt trội. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này.
Đây không phải là lần đầu tiên Vingroup đưa ra quyết định táo bạo đến thế. Cách đây 13 năm, Vingroup đã đóng cửa dự án tài chính để tập trung vào bất động sản. Hè năm 2008, nhân dịp sinh nhật tiền thân Vingroup - Tập đoàn Vincom, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giới thiệu các vị trí lãnh đạo mới của Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG), trong đó có một chuyên gia người Ấn Độ được tỷ phú này mời về.
Thời điểm đó, VFG có dự định hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, quản lý quỹ và cả chứng khoán. Tuy nhiên, năm 2008 cũng là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trước bối cảnh u ám đó, ông Phạm Nhật Vượng đã dừng tham gia mảng tài chính, bất chấp đội ngũ nhân sự chủ chốt đã chuẩn bị sẵn sàng. Cựu lãnh đạo công ty chứng khoán Vincom cho biết: "Quyết định dừng mảng tài chính diễn ra thần tốc chỉ trong 1 tuần".
Đến nay, Vingroup đã thử nghiệm và dừng lại không biết bao nhiêu dự án, trong đó phải kể đến: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics),... Thậm chí, có dự án đã hoạt động nhiều năm, từng là di sản để lại cho thị trường như chuỗi bán lẻ hiện đại VinMart/VinMart+ cũng được bán cho Masan Group.
Quả thực, sau 13 năm, Tập đoàn Vingroup đã khác, có nhiều triển vọng kinh tế vĩ mô đầy lạc quan. Nếu như năm 2008, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nói "cốt lõi của chúng ta là bất động sản" thì bây giờ điều đó không còn đúng nữa. Hiện Vingroup đang sở hữu VinFast, với mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Năm 2017, Vingroup khởi công dự án nhà máy sản xuất ô tô VinFast, tổng chi phí đầu tư là 3,5 tỷ USD. Sau đó 1 năm, doanh nghiệp này tiếp tục tuyên bố định hướng trở thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp trong vòng 10 năm. Vingroup thành lập VinTech, sau đó sản xuất điện thoại thông minh Vsmart.
Năm 2020, họ thu được hơn 17,400 tỷ đồng doanh thu sản xuất công nghiệp, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, Vingroup mới chỉ lấp đầy một phần nhỏ công suất sản xuất công nghiệp, bởi họ mới là thương hiệu mới và vừa tham gia vào thị trường cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, do vốn đầu tư lớn, khấu hao lớn, chi phí khủng cho bán hàng - quảng bá khiến nhiều dự án bị thua lỗ.
Năm 2016, Vingroup đã quyết định đổi slogan từ "Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển" trở thành "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau đó đã giải thích, đây là cách để "mọi người giữa được ngọn lửa, ý chí và tinh thần làm việc", bởi theo ông "Vingroup vẫn còn quá bé nhỏ so với thế giới".
Ở tuổi 50, ông Vượng bất ngờ khiến công chúng ngạc nhiên khi khởi nghiệp "mạo hiểm" với dự án VinFast. Trái với những nghi ngại ban đầu, VinFast đã chứng tỏ bản lĩnh đáng gờm và tăng tốc đáng gờm. Doanh nghiệp này đã ra mắt nhà máy ô tô hiện đại, với dây chuyền sản xuất robot hoàn toàn tự động trong vỏn vẹn 21 tháng kể từ ngày đầu khởi công dự án (2/9/2017 tại KCN Đình Vũ - Cát Hải - Hải Phòng); Mua lại hãng xe GM Việt Nam; Thành lập Viện Công nghệ Ô tô tại Úc;...
Tấn công vào thị trường ngành ô tô, nhất là tại Mỹ - nơi mọi nhà sản xuất đều muốn hướng đến là quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, VinFast đã lựa chọn hướng đi "ngách", khi tập trung sản xuất xe điện thân thiện với môi trường, xu hướng lớn đang được các nước lớn ủng hộ. Đó là lý do Tesla của tỷ phú Elon Musk được đánh giá cao đến thế, với lượng vốn hóa lớn nhất thế giới là 672 tỷ USD.
Tháng 4 vừa qua, Bloomberg đưa tin VinFast đang có kế hoạch IPO ở Mỹ với định giá 50 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup cũng cân nhắc việc huy động vốn đầu tư cho VinFast, một trong số đó là SPAC - các công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Để có thể thực hiện mục tiêu mới, Vingroup quyết định tập trung mọi nguồn lực có thể để khiến VinFast thành công.
Khối tài sản hiện tại của Vingroup là 420.000 tỷ đồng, trong đó có 25% dành cho sản xuất công nghiệp, 30% dành cho bất động sản. Còn lại là 14% dành cho khách sạn - giải trí, 13% mảng cho thuê, 5% giáo dục - chăm sóc sức khỏe và 13% tài sản khác. Có thể thấy, Vingroup đã giảm dần tỷ trọng mảng bất động sản, đổ dồn nội lực vào mảng công nghiệp.
Với nhiều tập đoàn lớn khác, một trong những chiến lược để giảm rủi ro là đa dạng hóa. Tuy nhiên, với Vingroup thời điểm này, sự tập trung và tinh giản sẽ là điều đúng đắn và cần thiết hơn. Trong tương lai, sẽ không quá bất ngờ nếu Vingroup định đóng cửa hay bán đi một mảng kinh doanh truyền thống.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nói rằng: "Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được". Việc khởi nghiệp với ngành công nghiệp ô tô vô cùng cạnh tranh có thể xem là sự táo bạo mà hiếm ai có thể làm được.
Tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sắp chạm 10 tỷ USD
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận