Tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sắp chạm 10 tỷ USD
Theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đến hôm qua đã là 9 tỷ USD. Trong khi đó một thống kê khác lại cho rằng, tài sản của ông Vương đã vượt 10 tỷ USD.
Forbes cho biết, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng trong ngày 12/4 đã tăng thêm 486 triệu USD lên 9 tỷ USD, tương ứng tăng 5,68%. Với khối tài sản này, ông Vượng xếp thứ 262 trong danh sách những người giàu có nhất thế giới do Forbes bình chọn.
Thế nhưng một thống kê khác lại cho thấy, với việc sở hữu trên 1,9 tỷ cổ phiếu VIC (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) thì giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng ở thời điểm đóng cửa phiên ngày 12/4 đã là 252.961 tỷ đồng, tương đương với 10,88 tỷ USD.
Theo Dân trí, việc thống kê này dựa trên việc ông Vượng đang nắm giữ trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu thêm 1,04 tỷ cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Trước đó vào ngày 7/4, Forbes cũng cập nhật thứ tự tài sản của các tỷ phú trên thế giới. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng có tổng giá trị tài sản ròng là 8,7 tỉ USD.
Dù với thống kê nào thì hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã tự phá kỷ lục của chính mình và bỏ xa những tỷ phú USD khác của Việt Nam.
Cũng theo danh sách của Forbes, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang là người phụ nữ duy nhất trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam. Bà Thảo giàu sau ông Vượng với tài sản đạt 2,7 tỷ USD (xếp hạng 1.194).
Người xếp ở vị trí thứ 3 là ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - xếp hạng 1.286 với 2,5 tỷ USD. Hôm 12/4, ông Long có thêm 83 triệu USD, tăng 3,43% tài sản.
Tiếp sau đó là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - có thêm 6 triệu USD tương ứng tăng 0,38% tài sản lên 1,6 tỷ USD. Tài sản ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Group - và gia đình tăng 0,25% tương ứng 4 triệu USD lên 1,6 tỷ USD. Riêng ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - bị sụt giảm 0,22% giá trị tài sản tương ứng 3 triệu USD còn 1,2 tỷ USD.
Sở dĩ, tài sản ròng của các tỷ phú có sự biến động đáng kể trong ngày 12/4 là do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Thị trường đã có một phiên giao dịch bùng nổ cả về số lượng và giá do sự "chịu tải", vận hành thông suốt bất ngờ của HSX cho đến tận… 14h20 mới tắc!
Trên sàn HSX, thanh khoản được đẩy lên con số hơn 21.517 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 890,31 triệu cổ phiếu. Dòng tiền bùng nổ đưa VN-Index tăng 20,79 điểm tương ứng 1,69% lên 1.252,45 điểm.
Trong khi đó, trên sàn HNX-Index cũng tăng 1,75 điểm tương ứng 0,6% lên 295,53 điểm, thanh khoản đạt 183,03 triệu cổ phiếu tương ứng 3.089 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 1,09 điểm tương ứng 1,32% lên 84,1 điểm với thanh khoản 77,12 triệu cổ phiếu tương ứng trên 1.170 tỷ đồng.
Toàn thị trường có 636 mã tăng, 137 mã tăng trần so với 351 mã giảm giá, 17 mã giảm sàn. Song đầu kéo của thị trường vẫn tập trung vào hai mã "họ" Vingroup là VIC và VHM. VIC đóng góp 6,38 điểm cho VN-Index còn VHM cũng đóng góp 2,57 điểm. Hôm qua VIC tăng 5,7% lên 132.000 đồng, mức đỉnh lịch sử mới của mã này; VHM tăng 2,9% lên 101.800 đồng.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh như NVL tăng 5,9%; VPB tăng 3,8%; SSI tăng 3,5%; HPG tăng 3,3%; POW tăng 3,3%; STB tăng 3,3%; PNJ tăng 1,7%; CTG tăng 1,6%, VCB tăng 1,4%... Theo đó, VN30-Index tăng 24,93 điểm tương ứng 1,99% lên 1.278,19 điểm.
Nhóm cổ phiếu penny cũng có một phiên "bùng cháy" với diễn biến tăng trần đồng loạt: HAR, LDG, SJF, TNT, VOS, AMD, DAH, DLG, HAI, JVC, KMR, MHC, SAV, TDG, TLD, UDC, VPH… Hầu hết đều trắng bên bán.
Sự bùng nổ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này là do xuất phát từ việc sàn HSX tăng quy mô giao dịch lên đến 25% (nới công suất từ 900.000 lệnh/phiên lên 1,1 triệu lệnh/phiên).
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng âm thầm từ thiện hơn 2.300 tỷ trong năm 2020
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận