Nữ giáo viên bỏ việc vì đam mê... đất sét, nặn hình món ăn thu nhỏ đút túi chục triệu
Đam mê đất sét, nữ giáo viên mầm non ở Cần Thơ quyết định nghỉ việc, nặn mô hình món ăn Việt mini thu lời chục triệu mỗi tháng.
9x Cần Thơ Phạm Thùy Thanh Thảo vốn là giáo viên mầm non, nay đã xin nghỉ việc để theo đuổi đam mê... đất sét. Được biết, chị có sở thích làm món ăn mini từ đất sét, thường là đất sét tự khô nguồn gốc Thái Lan, Nhật Bản.
Chị cho biết, hồi năm 2017, trong một lần đi tmf đề tài cho học sinh trên mạng, chị tình cờ biết đến thú vui nặn đất sét. Chị thấy rằng, nước ngoài có những món ăn nặn bằng đất sét rất đẹp, nhưng chủ yếu lại là đồ Tây. Vì thế, nữ giáo viên mong mỏi muốn được mô hình hóa những món ăn Việt, giúp đưa ẩm thực nước nhà vươn xa.
Thanh Thảo nhớ lại: "Để thực hiện giấc mơ, tôi quyết định nghỉ việc ở trường mầm non, tập trung phát triển sản phẩm và kinh doanh. Khi tôi nghỉ, ba mẹ tôi cũng không mấy ủng hộ, tuy nhiên, tôi vẫn muốn theo đuổi đam mê đến cùng". Sau khi nghỉ việc, chị bắt tay vào nghiên cứu nguyên liệu và học hỏi cách làm. Trên thị trường có nhiều loại đất sét, nhưng chị đã chọn dòng đất sét của Thái Lan và Nhật Bản vì nó có nhiều tiện ích.
Chị tiết lộ: "Tính ra tiền mua đất sét cũng rẻ thôi, chỉ từ 100.000 đồng/kg, thế nên, khoản tiền công là đắt nhất. Nếu người thợ làm đẹp thì tiền công cao, giá bán sản phẩm cũng tăng lên. Từ đó, mỗi khi nặn mô hình, tôi đều cố gắng làm chỉn chu, sao cho giống thật nhất có thể". Được biết, mỗi sản phẩm có giá từ vài chục ngàn đồng tới hàng trăm ngàn đồng, nếu chi tiết hay phức tạp còn có thể đáng giá tiền triệu.
Nữ giáo viên cho biết: "Sản phẩm có giá dưới 100.000 đồng đa phần là những loại quả đơn lẻ như dưa hấu, dừa, cam, ổ bánh mì. Mô hình các món ăn Việt như cơm tấm, bánh xèo, lẩu có giá đắt hơn, từ 200.000 - 300.000 đồng. Cao cấp hơn là những sản phẩm có nhiều chi tiết, phức tạp dao động 1 - 3 triệu đồng".
Hiện tại, tệp khách hàng của chị là những người thích chơi búp bê, hay những người hoài niệm, thích lưu giữ ký ức tuổi thơ. Thậm chí, không ít khách hàng trung tuổi vì thấy mô hình của chị đẹp lại bắt mắt, cũng mạnh tay chi tiền mua. Những mô hình món ăn mini này nếu biết bảo quản có thể sử dụng lâu mà màu sắc vẫn sặc sỡ, lại nhỏ nên không chiếm quá nhiều diện tích, không gian.
Trung bình, để hoàn thiện một sản phẩm, chị mất từ 1-2 ngày, nếu nhiều chi tiết thì có thể hơn. Có 5 khâu để tạo hình món ăn, đó là tìm ý tưởng, nặn sản phẩm, sơn màu, phủ bóng và phơi khô. Tuy nói đơn giản, nhưng rất mất công, vì thế mức giá hiện tại cũng được khách hàng hài lòng. Các sản phẩm đều được rao bán trên mạng, khách chỉ cần chọn mẫu, sau khi hoàn thành chị sẽ ship đến tận nhà.
Hiện tại, mỗi tháng 9x Cần Thơ đút túi khoảng 10-20 triệu đồng nhờ bán mô hình, ngay cả trong mùa dịch cũng vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. Trong thời gian tới, chị Thảo dự định sẽ mở các lớp học để truyền lại kinh nghiệm nặn mô hình đất sét cho những người cùng đam mê.
Theo Dân Trí, Thanh Niên
Xem thêm: Chi trăm triệu để đầu tư nuôi cá sấu, lão nông Cần Thơ thu lời tiền tỷ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận