Nhà đầu tư "mất ăn mất ngủ" vì ôm đất, hi vọng thị trường khởi sắc để chạy hàng

Các nhà đầu tư ôm nhiều đất đang trong tình trạng "mất ăn mất ngủ" vì kẹt hàng, hi vọng thị trường khởi sắc về cuối năm.

Chi Nguyễn
08:00 31/07/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mất ăn mất ngủ vì lỡ ôm đất

Anh Nguyễn Hùng, nhà đầu tư tại Hà Nội tâm sự, anh đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì ôm đất. Anh có 5 lô đất nền rải rác ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, rao bán từ hồi tháng 5 vừa qua khi thị trường có dấu hiệu giảm sút. Thế nhưng, đến giờ các lô đất này vẫn nằm im bất động.

Anh chia sẻ: "Những lô đất này được mua từ cuối năm 2021, có thể nói là mua vào đúng giá đỉnh của thị trường. Khi mua vào thì thị trường vẫn đang sốt nên tất cả tôi đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Đến giờ thị trường hạ nhiệt nên tôi tính toán bán trước 2 lô đất để giảm gánh nợ nhưng rao mãi đến giờ vẫn chưa bán được".

nha-dau-tu-mat-an-mat-ngu-vi-om-dat-ky-vong-thi-truong-khoi-sac
Giờ thị trường hạ nhiệt nên tôi tính toán bán trước 2 lô đất để giảm gánh nợ nhưng rao mãi đến giờ vẫn chưa được. Ảnh minh họa

Tình hình không khả quan, anh mất ăn mất ngủ vì "găm" quá nhiều đất, gánh nặng tài chính đè nặng trên vai. Nhà đầu tư này than thở: "Bây giờ thì rất khó bán, nghe môi giới nói có những người cắt lỗ nhưng vẫn chưa bán được. Thời điểm này khó và cũng chưa chịu quá nhiều áp lực tài chính vì chưa đến hạn phải trả nên hy vọng từ nay tới cuối năm thị trường khởi sắc hơn là tôi ra hàng hết".

Anh Phạm Hiền, một nhà đầu tư khác ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự. Đầu năm 2022, khi thị trường còn sôi động, anh mua liền 2 lô đất ở Bắc Giang và 1 lô khác ở Hải Phòng, hi vọng có thể lướt sóng kiếm lời.

Nào ngờ, thị trường hạ nhiệt nhanh chóng, bản thân anh Hiền chưa thể thoát hàng. Anh chán nản nói: "Mua 3 mảnh đất này tôi phải vay tới 50% tổng giá trị. Ban đầu chỉ ý định lướt sóng nhưng thị trường hạ nhiệt khiến tôi rao bán suốt 3 tháng vẫn chưa thấy người mua, dù bán bằng giá. Có lẽ phải chờ đến khi thị trường có dấu hiệu sôi động trở lại mới dễ thanh khoản".

Liệu thị trường có khởi sắc?

TGĐ Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quan nhận định, thị trường đang không có nhiều tín hiệu khả quan. Nhiều động thái kiểm soát dòng vốn được đưa ra, khiến thị trường chững lại, giao dịch giảm dần. 

Ông cho biết: "Nhà đầu tư muốn đầu tư sản phẩm có tính thanh khoản chứ không cần lời nhiều nữa. Đối với đất nền riêng lẻ, đặc biệt những lô đất có giá trị lớn 20-30 tỷ đồng đều không bán được, giao dịch các phân khúc khác cũng chậm lại".

nha-dau-tu-mat-an-mat-ngu-vi-om-dat-ky-vong-thi-truong-khoi-sac
Sản phẩm nhà phố hoặc đất nền các vùng ven và trung tâm các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM,... nếu có mức giá hợp lý thì vẫn có người mua. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia này đánh giá, trong quý III/2022, thị trường sẽ bình lặng, giá giữ nguyên, giao dịch chậm. Với bất động sản ở xa trung tâm, thị trường sẽ diễn biến không tốt trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, trong 6 tháng tới đây, có một phân khúc vẫn có khả năng thanh khoản là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ. Mặt hàng này vẫn sẽ giao dịch tốt, giá hấp dẫn hơn các căn hộ sơ cấp. Những sản phẩm nhà phố ở trung tâm thành phố lớn vẫn thu hút nhà đầu tư, đất nền các vùng ven Hà Nội, TP.HCM,... nếu có mức giá hợp lý thì vẫn có người mua.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng, nửa cuối năm 2022 thị trường căn hộ sẽ ghi nhận mức giá dao động nhẹ. Ông dự báo: "Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố… đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản có thể được nhà đầu tư bán giảm 20 - 30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra".

Theo Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế

Xem thêm: Chuyên gia chỉ ra 3 yếu điểm khi mua bất động sản thời điểm này, nhà đầu tư F0 không nên nóng vội

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận