Nhà đầu tư lâu năm bật mí câu hỏi bắt bài chiêu trò thổi giá của môi giới
Đôi khi, môi giới sẽ dùng "chiêu trò" để thổi phồng giá, khiến nhà đầu tư non tay, thiếu kinh nghiệm sập bẫy nhằm hưởng lời.
Vài năm gần đây, bất động sản là một kênh đầu tư vô cùng sôi động, được nhiều người chú ý. Lợi dụng điều đó, có không ít dân đầu cơ, môi giới tìm cách thổi giá, tạo sốt đất ảo nhằm kiếm lời. Trong trường hợp đó, bạn cần hỏi "cò" vì sao lại có sốt đất.
Theo tôi, giá nhà đất sẽ tăng theo 3 nguyên nhân tự nhiên sau:
- Sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, giao thông. Chẳng hạn, giá đất quận 2 từ khi có hầm Thủ Thiêm đã tăng lên, bởi việc đi lại đã thuận tiện hơn trước. Con đường đất đỏ trước nhà tôi ở quê, mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì khói bụi. Nay con đường được trải nhựa nóng sạch đẹp, giá đất tăng. Điều này là quy luật và hoàn toàn hợp lý.
- Sự gia tăng dân số cơ học. Hiện Sài Gòn và Hà Nội vẫn đang là "nam châm" thu hút người lao động, tứ xứ đổ về đây sinh sống, học tập, làm việc,... Dân số đông hơn thì nhu cầu nhà ở càng tăng cao, giá bất động sản kéo theo đó cũng đắt hơn.
- Sự gia tăng thu nhập. Thử nhẩm tính xem, cách đây 20 năm, lương bổng hàng tháng của một nhân viên bình thường là bao nhiêu, và so sánh với bây giờ. Tiền lương tăng, người mua có khả năng chi trả cao hơn làm giá nhà đất tăng, đây là quy luật.
Tôi chỉ tổng kết được 3 nguyên nhân chính này, nếu còn thiếu sót mọi người bổ sung giùm. Dễ thấy, nếu nhìn từ 3 điều này, giá bất động sản tăng lên là điều bình thường, và ta cũng có thể giải thích được rất nhiều hiện tượng nhà đất một cách nhất quán, đúng đắn không méo mó.
Vì vậy, khi hỏi môi giới vì sao giá đất, giá nhà lại tăng, hãy so sánh câu trả lời với một số đáp án này:
- Giá nhà đất tăng vì 3 yếu tố trên còn có sự cải thiện, phát triển. Khi các yếu tố trên mất đi động lực tăng trưởng, giá nhà đất cũng sẽ diễn biến tương tự.
- Không nhất thiết là đủ 3 yếu tố, chỉ 1 điều trong số đó cũng có thể thúc đẩy giá nhà đất tăng.
- Giá vùng ven sẽ tăng nhanh hơn trung tâm, vì nơi đây dễ hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng và gia tăng dân số cơ học.
- Thu nhập tăng và nhanh hơn thu nhập của số đông.
- Giá đất vùng nông thôn, thậm chí là vùng đồi núi tăng vì hạ tầng cơ sở được cải thiện dần. Ngoài ra, còn phải kể đến xu hướng mua nhà thứ hai, xây homestay, farmstay để nghỉ dưỡng của một bộ phận người dân có điều kiện.
- Sự tăng giá cục bộ: ví dụ một khu vực A chưa phát triển lắm, nay có công ty may mặc về mở xưởng và tuyển dụng 5.000 công nhân. Sự gia tăng dân số cơ học là cực kỳ mạnh mẽ, giá đất xung quanh xưởng của công ty đó nếu có tăng giá vài lần là hết sức bình thường. Đất càng gần cổng ra vào của công ty thì càng ngon và tăng càng mạnh. Nhưng đó là cục bộ, còn một mảnh đất cách công ty đó 5km thì không thay đổi nhiều bằng.
- Phân biệt sốt thật và sốt ảo: Khu vực nào mà 3 yếu tố trên đang phát triển bình thường nhưng giá lên quá cao, nhiều khả năng sẽ là do chiêu trò.
Bạn cứ bình tĩnh mà hỏi lại môi giới: "Sốt vì nguyên nhân gì vậy anh?" rồi lắng nghe thật kỹ câu trả lời. Nếu họ trả lời chung chung, thiếu vắng ba yếu tố trên là bạn hiểu câu chuyện như thế nào rồi đấy.
*Bài viết tổng hợp theo chia sẻ của nhà đầu Qui Nguyễn, mang quan điểm cá nhân của tác giả.
Theo VnExpress
Xem thêm: Từng đổ xô lao vào thị trường, giờ môi giới nháo nhác tìm việc mưu sinh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận