Từng đổ xô lao vào thị trường, giờ môi giới nháo nhác tìm việc mưu sinh
Từng bỏ nghề rồi đổ xô làm môi giới hi vọng đổi đời, nay thị trường đóng băng, nhiều môi giới bất động sản lại chật vật tìm việc mới mưu sinh.
Cuối năm 2019, thị trường bất động sản trở nên sôi động từ Bắc vào Nam. Người người đổ xô đi buôn đất, nhà nhà bỏ nghề đi làm môi giới. Lúc đấy, người ta kháo nhau buôn đất kiếm lời tiền tỷ, môi giới cũng bỏ túi hàng trăm triệu đồng hoa hồng. Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng. Những môi giới tay ngang kia cũng phải gác mộng đổi đời, kiếm nghề khác để mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương (Hà Nội) kể, hồi cuối năm 2019, chị đang có một công việc ổn định, kiếm lời 15 triệu/tháng. Thế nhưng, thấy thị trường bất động sản lên cơn sốt, lại được bạn rủ rê, chị quyết định nghỉ việc. Sau đó, chị đầu quân vào làm môi giới cho một sàn bất động sản có tiếng ở Hà Nội.
Bước vào nghề đúng thời điểm thị trường sôi động, ban đầu, đội môi giới của chị Hương liên tục thu lời. Họ chốt được vô số lô đất nền ở Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín,... đã có lúc thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Đặc biệt, chị Hương do xinh xắn, khéo léo, rất được lòng khách hàng nên dễ dàng móc nối quan hệ để hưởng những giao dịch riêng.
Thế nhưng, bước sang năm 2022, thị trường bất ngờ chững lại, sốt đất qua đi, mọi thứ trở về với giá trị thực. Thậm chí, thị trường còn gần như đóng băng rước sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc siết chặt tín dụng đầu tư bất động sản; quản lý và thu thuế bất động sản; dừng phân lô, tách thửa, không cho chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở…
Chị Hương than thở: "Khách hầu như không có, giao dịch đóng băng. Đất không bán được, không có thu nhập, trong khi chúng tôi vẫn phải bỏ tiền ra để chạy quảng cáo, đăng tin, tìm cách săn lùng khách hàng khiến chúng tôi hết sức chán chường. Thời gian này tôi chỉ ra văn phòng cho có, chứ biết ra cũng chẳng có khách như trước. Họa hoằn lắm cũng có vài nhà đầu tư đến nhờ đưa đi xem, nhưng họ tính toán giá kỹ lắm, chả trông mong được nhiều. Sau nhiều tháng cầm cự, biết là không trụ được với nghề, tôi đã phải bỏ công việc này để đi bán hàng online".
Anh Trần Thế Duy (Hà Nội) cũng là người có quyết định tương tự, bỏ nghề sửa chữa ô tô gắn bó vài chục năm nay để làm môi giới. Theo anh Duy chia sẻ, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022 anh mua đi bán lại 6 lô cũng lãi được gần 2 tỷ cộng với khoản hoa hồng môi giới vài trăm triệu. Như vậy, tính ra thu nhập mỗi tháng của của anh Duy cũng lên đến vài trăm triệu.
Thừa thắng xông lên, anh đổ hết tiền tiết kiệm, vay mượn người thân và ngân hàng mua đất đầu tư. 2 lô đất anh mua nằm tại Tứ Hiệp (Thanh Trì) và thị trấn Quang Minh (Mê Linh) với tổng số vốn lên đến gần 7,3 tỷ đồng. Nào ngờ, giờ đây thị trường chững lại, đất không bán được. Tiền của chôn hết vào đất, anh phải còng lưng đi làm trả lãi ngân hàng, chưa kể còn số tiền vay nợ người thân.
Anh Duy nói: "Để đẩy nhanh 2 lô đất này, tôi phải chấp nhận bán cắt lỗ hơn 3 triệu đồng/m2, nhờ cả những người bạn cùng làm môi giới giới thiệu từ vài tháng nay mà không một người hỏi. Câu nói 'làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất' rất đúng với lúc thị trường sốt. Nhưng khi cơn sốt qua đi, nếu ai không nhanh chân rút thì khốn khổ, thậm chí vỡ nợ. Nay việc cũ thì chưa dám quay lại xin vì đã có lúc mình thể hiện thái quá với đồng nghiệp, đất đã đầu tư thì mắc kẹt, để duy trì cuộc sống tôi đã phải đầu quân vào đội xe ôm công nghệ".
Không thể phủ nhận đầu tư bất động sản sinh lời lớn, để không cũng tăng giá trị. Nhưng hiếm ai ngờ rằng khi thị trường hạ nhiệt, ngay cả những dân chuyên cũng phải đứng hình. Theo chuyên gia, hiện thị trường đang đóng băng, thanh khoản giảm, người mua không dám mua, người bán cũng chẳng dám bán.
Tình cảnh này khiến những ai lỡ ôm đất giá cao như ngồi trên đống lửa. Nợ nần hối thúc, nguy cơ vỡ nợ, trắng tay là rất có thể xảy ra. Kéo theo đó, chắc chắn sẽ còn một lượng lớn môi giới bất động sản nữa tiếp tục bỏ nghề để tìm việc mới.
Ông Nguyễn Văn đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo: "Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc ôm đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh chôn tiền vào đất".
Theo Phạm Duy/VTC News
Xem thêm: Chán cảnh quần áo là lượt nhưng rỗng túi, nhiều môi giới bất động sản tay ngang bỏ nghề
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận