Chán cảnh quần áo là lượt nhưng rỗng túi, nhiều môi giới bất động sản tay ngang bỏ nghề
Từng là công việc mà người người nhà nhà đổ xô đi làm, giờ đây nhiều môi giới bất động sản không còn thu nhập, rỗng túi, phải bỏ nghề.
Khi thị trường bất động sản sôi động cách đây 2 năm, người người nhà nhà đổ xô đi mua bán nhà đất cũng như làm môi giới. Khi đó, họ tưởng nghề môi giới nhàn hạ, lương cao, làm giàu nhanh.
Nào ngờ, giờ đây thị trường hạ nhiệt, nhà đất ế ẩm, môi giới đương nhiên cũng chẳng có việc. Đến lúc, họ mới vỡ mộng, rồi vì chán cảnh "quần áo là lượt nhưng rỗng túi" mà quyết định bỏ nghề.
Anh Nguyễn Văn Khang (27 tuổi, quê Nam Định) hiện đang làm môi giới ở Bắc Giang là một ví dụ điển hình. Anh cho biết, đã 5 tháng qua, anh không có một giao dịch nào thành công. Hồi năm 2021, Bắc Giang có sốt đất, xe ô tô nối đuôi nhau đến, nhà đầu tư tứ xứ đổ về. Khi ấy, người mua kẻ bán vô cùng tấp nập, thậm chí còn bán với giá sang tay cao gấp 3-4 lần.
Anh kể: "Thời điểm đó, tôi đang làm ở khu công nghiệp, thấy thị trường sốt, môi giới cùng nhà đầu tư đổ về đây nườm nượp mua bán đất. Một số người bạn của tôi làm cùng ở khu công nghiệp cũng bỏ đi làm môi giới bất động sản hết.
Thấy công việc cũng đỡ vất vả hơn làm công nhân, hàng ngày quần tây, áo trắng sơ vin dẫn từng đoàn khách đi xem đất. Nếu bán tốt có tháng lương tới cả trăm triệu đồng, trong khi đó tôi làm mỗi tháng cũng chỉ được 9 triệu đồng, tháng nào được tăng ca thì sẽ hơn nên tôi bỏ khu công nghiệp đi làm môi giới".
1 tháng đầu tiên, anh được nhiều người đi trước hướng dẫn, học giới thiệu sản phẩm, tư vấn,... Đến tháng tiếp theo, anh đã có giao dịch thành công đầu tiên, thu được tiền hoa hồng 20 triệu.
Anh Khang cho hay: "Được một thời gian, đến tháng 4/2021, dịch bệnh tràn về Bắc Giang, khiến tất cả công việc tạm gác lại. Đến khi mở cửa bình thường trở lại. Nhà đầu tư tiếp tục đổ về khu vực mua bán. Tuy nhiên, vì mới vào nghề nên suốt thời gian từ 10/2021 đến đầu năm 2022, trung bình mỗi tháng tôi cũng chỉ có 1 giao dịch, hoa hồng thì thường dao động từ 15 - 25 triệu đồng/giao dịch".
Có điều, sang năm 2022, thị trường bắt đầu chững lại, anh Khang cũng chẳng có giao dịch nào thành công suốt 5 tháng qua. Người ta chỉ đến hỏi giá, xem đất rồi đi luôn, chủ yếu là người bán tìm đến. Đến giữa tháng 7 vừa qua, thấy thu nhập kém, anh Khang lại trở về công việc cũ ở khu công nghiệp.
"Cựu" môi giới than thở: "Thôi thì quay lại với công việc cũ, dù lương tháng ít nhưng mà đều, chứ làm môi giới bất động sản quần là áo lượt nhưng túi không có tiền suốt thời gian dài thì tôi cũng không biết làm gì nữa. Đây là tôi chưa có gia đình nên còn xoay xở được, sau có gia đình mà làm chỉ trông chờ vào tiền hoa hồng thế này không biết lo cho gia đình như nào được".
Anh Phạm Huy, một môi giới bất động sản ở Hải Phòng cho biết, suốt 3 tháng qua, anh chưa bán được lô đât nào. Sốt đất qua đi, người mua thì ít, người bán thì nhiều. Anh kể: "Trước tôi vẫn túc tắc làm, mỗi tháng cũng được 1 - 2 giao dịch thành công, giờ thị trường chững lại không có người mua nên tôi cũng đang tìm công việc mới. Cứ duy trì mà không có giao dịch thì chết".
Về vấn đề này, anh Thanh Tùng, chủ một phòng giao dịch bất động sản ở Hà Nội cho hay, nhiều người cho rằng nghề môi giới bất động sản vừa nhàn vừa lương cao. Thực tế, nghề này không chỉ là dẫn khách đến xem hàng, khách ưng chốt mua là có tiền.
Anh giải thích: "Môi giới chuyên nghiệp phải am hiểu tất cả từ quy hoạch, tư vấn, tiềm năng sinh lời để giới thiệu với khách hàng, thì họ mới tin tưởng để lần sau tiếp tục làm việc. Và phải nhìn nhận, nghề môi giới bất động sản làm tốt sẽ có từng thời điểm, không phải như công việc văn phòng lúc nào cũng đều đều như nhau. Đặc biệt ở phân khúc đất nền được nhiều ưa chuộng, nhưng sẽ đắt khách khi thị trường sôi động".
Thời gian qua, nhiều người thấy thị trường sôi động, môi giới lại kiếm tiền khá nên đã bỏ nghề. Thế nhưng, đến khi làm thực tế họ mới vỡ mộng, nhận ra công việc này không hề dễ dàng chút nào.
Anh Tùng cho hay: "Lúc thị trường sôi động thì gần như người mới hay cũ đều sẽ bán được hàng. Nhưng như giai đoạn chững hiện nay, ảnh hưởng nhất sẽ là môi giới mới vào nghề khi tiền tích lũy chưa có nhiều nhưng nhiều tháng không bán được hàng và môi giới sống dựa vào hoa hồng, còn lương phụ cấp cũng không đáng là bao. Thậm chí, có những sàn họ trả hoa hồng cao lên và cắt đi phụ cấp. Khi không bán được hàng nhiều người sẽ chán nản bỏ nghề".
Theo Thanh Phong/Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: Chưa kịp thoát ế hậu sốt đất, môi giới bất động sản lại thấp thỏm vì sắp "tháng cô hồn"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận